Đường dẫn truy cập

Vận động cho các blogger Việt Nam trước Hội đồng Nhân quyền LHQ


Ông Võ Văn Ái, thay mặt các nhà hoạt động và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền yêu cầu Hội đồng gây áp lực để Việt Nam chấm dứt cuộc truy bức này.
Ông Võ Văn Ái, thay mặt các nhà hoạt động và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền yêu cầu Hội đồng gây áp lực để Việt Nam chấm dứt cuộc truy bức này.
Hôm thứ Sáu, các nhà hoạt động thuộc Ủy ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt Nam kêu gọi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc lưu ý đến việc giam cầm mấy mươi blogger bất đồng chính kiến Việt Nam, gọi đây là hành động vi phạm luật quốc tế của chính phủ Hà Nội.

Ông Võ Văn Ái, thay mặt các nhà hoạt động và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền yêu cầu Hội đồng gây áp lực để Việt Nam chấm dứt cuộc truy bức này.

Phát biểu trước Hội đồng này, đang họp được phân nửa cuộc họp dài một tháng nhằm giải quyết các quan tâm về nhân quyền trên toàn thế giới, ông Ái cho biết có tổng cộng 32 blogger và các công dân mạng khác đã bị cầm tù tại Việt Nam, thuộc diện đã có án hoặc đang chờ xử, có người bị tù đến 16 năm.

Ông Võ Văn Ái cho biết: “Cuộc truy bức như vậy không phục vụ vào việc bảo vệ an ninh quốc gia như lời rêu rao của chính phủ Việt Nam, mà chỉ nhằm bịt miệng các tiếng nói của một xã hội dân sự đang trỗi dậy để lên tiếng về tham nhũng, lạm quyền, sự đau khổ của nông dân bị cưỡng chế tài sản, nhân quyền và cải cách dân chủ.”

Ông lên án Pháp lệnh 44 của Việt Nam ký năm 2002, cho phép giam giữ những người bị nghi là có hại cho an ninh quốc gia mà không cần tuân theo thủ tục pháp lý.

Ông nói rằng Pháp lệnh này đã được tận dụng để chống lại các blogger, kể cả chuyện đưa blogger vào bệnh viện tâm thần.

Ông nói rằng Việt Nam cần thu hồi Pháp lệnh 44 và các luật lệ khác không phù hợp với luật nhân quyền của quốc tế.

Một nhà hoạt động khác, bà Penelope Faulker, thuộc tổ chức Cùng Hành động cho Nhân quyền có trụ sở ở Pháp, lưu ý Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc rằng sau cuộc duyệt xét của Liên Hiệp Quốc năm 2009, Hà Nội đã hứa thực thi quyền tự do thông tin. Tuy nhiên, bà nói trước Hội đồng:

“Chỉ riêng trong năm qua, nhiều blogger, nhà báo mạng, và người bênh vực nhân quyền tại Việt Nam đã bị sách nhiễu, hù dọa, bị công an làm khó dễ, hoặc đã bị lãnh án tù dài ngày cực kỳ thô bạo, đơn giản chỉ vì họ bày tỏ quan điểm trên Internet một cách ôn hòa.”

Việt Nam hiện nay không là một trong 47 thành viên của Hội đồng Nhân quyền.

Tổ chức Ký giả Không biên giới đã đưa Việt Nam vào danh sách những “kẻ thù của Internet.”

(AFP, France 24)

VOA Express

XS
SM
MD
LG