Đường dẫn truy cập

Vẫn còn những thách thức trong bang giao Trung-Mỹ


Tổng thống Barack Obama gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Sunnylands, Rancho Mirage, California, ngày 7/6/2013.
Tổng thống Barack Obama gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Sunnylands, Rancho Mirage, California, ngày 7/6/2013.
Tại một cuộc họp thượng đỉnh không chính thức vào thứ sáu và thứ bảy vừa qua, các giới chức của Hoa Kỳ và Trung Quốc đồng ý hợp tác để chống tình trạng biến đổi khí hậu và chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Hai bên đã thảo luận vấn đề tế nhị về an ninh mạng, cũng như một loạt các vấn đề khác nhau. Theo bài tường thuật của thông tín viên VOA Bill Ide tại Bắc Kinh, vẫn chưa rõ các cuộc đàm phán sẽ tiến xa được bao nhiêu trong việc san bằng những cách biệt quan trọng và xoa dịu sự thiếu tin tưởng giữa hai đại cường trên thế giới.

Các bài tường thuật ở Trung Quốc về cuộc họp thượng đỉnh không chính thức phần lớn tỏ ý lạc quan và tiếp tục đứng đầu các bản tin hàng giờ, hơn 1 ngày sau khi các cuộc hội đàm kết thúc tại tiểu bang California nắng ấm.

Hôm nay, báo China Daily của nhà nước Trung Quốc đã cho đăng hàng tít lớn “Sẵn sàng Mở ra một Chương Mới” trên trang đầu. Bài báo nêu bật một lời trích của thành viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì vào lúc kết thúc cuộc họp, mô tả 8 giờ đàm luận là chưa từng có từ trước tới nay về mặt thời lượng, chất lượng và chiều sâu.

Còn phải chờ xem liệu cuộc họp thượng đỉnh này có đem lại ý nghĩa nào cho bang giao Trung-Mỹ trong tương lai hay không...
Jean-Pierre Cabestan, Ðại học Baptist Hong Kong.
Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Tom Donilon, người cùng với ông Dương tường trình với giới truyền thông vào cuối cuộc họp, đã gọi các cuộc đàm luận là xây dựng, tích cực và bao gồm nhiều đề tài.

Ông Jean-Pierre Cabestan, một nhà khoa học chính trị tại trường Ðại học Baptist của Hong Kong, nói cả hai bên đều muốn đem lại cho cuộc họp một nền tảng tốt đẹp. Theo ông, họ muốn nói với thế giới rằng họ sẽ hợp tác với nhau ít nhất là để giảm thiểu các xích mích, nếu như không giải quyết được.

Ông Cabestan nói: “Nhưng một lần nữa, còn phải chờ xem liệu cuộc họp thượng đỉnh này có đem lại ý nghĩa nào cho bang giao Trung-Mỹ trong tương lai hay không, hoặc liệu nay mai nó có được coi như một cố gắng bất thành nhằm hàn gắn một mối quan hệ mà các lãnh vực xung đột ngày càng to lớn hơn so với các lãnh vực hợp tác.”

Ngay lúc này, đối với tất cả các lãnh vực mà Hoa Kỳ và Trung Quốc đang tăng cường hợp tác, cũng vẫn có những thách thức. Hai bên đã cùng làm việc, tuy một cách chậm chạp, từ nhiều năm để xây dựng quan hệ giữa hai quân đội.

Trong các cuộc đàm luận, Trung Quốc đồng ý tham gia một cuộc thao diễn chung với Hải quân Hoa Kỳ lần đầu tiên vào mùa hè sang năm. Tăng cường liên lạc giữa quân đội hai nước là điều mà các chuyên gia cho rằng có thể góp phần rất nhiều trong việc tránh các xung đột vào một thời điểm mà nguy cơ tính toán sai lầm đang gia tăng.

Hoạt động ngày càng nhiều của Trung Quốc nhằm bênh vực điều họ nói là các khẳng định chủ quyền ở Biển Ðông đang gây quan ngại trong khu vực. Về phần mình, Bắc Kinh đang rất nghi ngờ về các nỗ lực của Hoa Kỳ tái tập trung vào vùng châu Á, không những về mặt kinh tế, mà còn cả về mặt quân sự nữa.

Theo dự kiến, đến năm 2020, hải quân Hoa Kỳ sẽ chuyển 60% các phương tiện của mình qua Thái Bình Dương, trong một hành đông mà một số sách lược gia ở Trung Quốc tin là nằm trong nỗ lực bao vây Trung Quốc và chống lại sự trỗi dậy của nước này.

Ông Tạ Ðào, một giáo sư tại trường Ngoại giao Bắc Kinh cho biết:

“Ta hãy nhìn vào các hành động của Hoa Kỳ trên thực địa và nhiều hành động mang tính tượng trưng. Chẳng hạn như việc bố trí 1,200 binh sĩ Hoa Kỳ ở Darwin, Australia, và cuộc tập trận chung với Philippines. Các hành động này mang tính tượng trưng hơn là thực tiễn. Nhưng đối với quan điểm của Trung Quốc, họ đặt câu hỏi, tại sao họ trở lại khu vực này.”

Sự phát triển về khoa học và kỹ thuật của Trung Quốc đi sau Hoa Kỳ rất nhiều, do đó Trung Quốc cần phải đánh cắp nhiều hơn của Hoa Kỳ hơn là ngược lại...nếu không mua được kỹ thuật thì sẽ tìm cách đánh cắp nó...
Jean-Pierre Cabestan.
Hoa Kỳ nói một vấn đề chủ chốt cho tương lại của bang giao song phương là an ninh mạng. Từ nhiều tháng nay, hai bên đã tố cáo qua lại về nguồn gốc những vụ tấn công đã gây ảnh hưởng tai hại về kinh tế và an ninh quốc gia.

Hai nhà lãnh đạo đã không dự trù họp cho đến cuối năm nay, và các chuyên gia phân tích nói quan ngại về những vụ tấn công vừa kể cùng với sự chuyển hướng chú ý của Hoa Kỳ trở lại khu vực nằm trong lý do vì sao họ họ gặp nhau sớm hơn.

Tại cuộc Ðối thoại Kinh tế và Sách lược vào tháng tới, một vòng đàm phán thường niên giữa hai nước về nhiều vấn đề, Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ mở một uỷ ban đặc biệt về an ninh mạng.

Nhưng ông Arthur Ding, một chuyên gia nghiên cứu tại trường Ðại Học Chính trị Quốc gia ở Ðài Loan, nói rằng khó mà thấy họ đạt được tiến bộ về vấn đề này. Ông cho rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc vốn đã mở các cuộc đàm phán không chính thức từ 5 hay 6 năm nay.

Ông Ding cho biết: “Họ đều bàn về các vấn đề nguyên tắc nhưng không đạt được thành quả nào, bởi vì mạng là một vấn đề rất ảo, không có sinh hoạt cụ thể có thể phát hiện được, tuy rằng nói về nguyên tắc thì họ có thể đồng ý về một vấn đề gì đó, nhưng hợp tác cụ thể theo tôi rất khó khăn.”

Ông Cabestan thuộc trường Ðại học Baptist của Hong Kong nói rằng người ta không nên trông đợi quá nhiều vào giới hữu trách Trung Quốc về các vụ tấn công mạng. Ông nói thông điệp mà chính quyền Hoa Kỳ tìm cách chuyển tải là các công ty cần phải thận trọng hơn và được bảo vệ tốt hơn.

Ông Cabestan nói: “Trước hết tầm với của nhà nước ở Trung Quốc không mạnh và nhiều thế lực như mọi người có thể tưởng, và thứ nhì, sự phát triển về khoa học và kỹ thuật của Trung Quốc đi sau Hoa Kỳ rất nhiều, do đó Trung Quốc cần phải đánh cắp nhiều hơn của Hoa Kỳ hơn là ngược lại, vì thế mà bất cứ thế lực nào gia tăng cần đến kỹ thuật, nếu không mua được kỹ thuật thì sẽ tìm cách đánh cắp nó.”

Tuy nhiên, bất kể các thách thức này, theo một cuộc thăm dò mới đây của Viện Gallup, công bố hồi tuần trước, 55 phần trăm người Mỹ được thăm dò nói rằng họ coi Trung Quốc như một nước đồng minh (11 phần trăm) hay một nước thân thiện với Hoa Kỳ (44 phần trăm). Cuộc thăm dò nói 40 phần trăm coi Trung Quốc là thiếu thân thiện (26 phần trăm) hoặc là kẻ thù (14 phần trăm.)

Các chuyên gia phân tích nói một phần của thách thức trong việc ứng phó với một loạt nhiều vấn đề như vậy là cả hai quốc gia đều có các lợi ích riêng và đạt được sự quân bình thường rất khó khăn.

Một bài xã luận trên tờ Global Times của nhà nước Trung Quốc hôm nay lập luận rằng thực là điều bất công khi cho rằng Trung Quốc không muốn giải quyết các vấn đề cụ thể. Nhưng tờ báo nói thêm rằng các đòi hỏi của Hoa Kỳ thường không thể tuân hành được.

VOA Express

XS
SM
MD
LG