Đường dẫn truy cập

Vài ghi nhận về văn học hải ngoại năm 2012


Vào dịp đầu xuân, thử nhìn về một năm sách báo đã qua ở hải ngoại. Bài viết dưới đây dựa vào một số tác phẩm mà chúng tôi có được trong tay. Xin nêu ra một vài ghi nhận.

Vài nhà xuất bản…

Trước hết xin nói về một số nhà xuất bản. Như nhà xuất bản Văn Mới với Nguyễn Khoa Kha, Thư Ấn Quán của Trần Hoài Thư hay Tiếng Quê Hương của Uyên Thao...

Văn Mới là một nhà xuất bản đã đóng góp rất nhiều tác phẩm cho văn học Việt Nam ở hải ngoại. Trả lời câu hỏi tại sao lại có sự trì trệ trong ngành xuất bản, Nguyễn Khoa Kha cho biết: “Những thập niên trước, khi người Việt bắt đầu lưu lạc ra hải ngoại, sách báo không có nhiều. Chúng ta rất trân quý những cuốn sách được mang theo và rồi những cuốn sách của văn học miền Nam trước 1975 được in lại và phát hành... Nhưng những năm về sau, thời giờ rảnh rỗi ít hơn mà phim chưởng, video ca nhạc cũng như chương trình trên TV đã chiếm nhiều thời giờ của người đọc sách. Những thế hệ sau, trẻ hơn nên tiếng Việt không nhuần để đọc và đời sống hội nhập với dòng chính nên bận rộn với chuyện học hành, công việc, ở nhà thì truyền hình, iPhone, iPad… nên thời giờ đọc sách Việt ngữ gần như không có.

“Một sự kiện nữa là sách vở, báo chí ở trong nước được đem bầy bán ở các tiệm sách chiếm cả nửa tổng số rồi. Sách ở trong nước có nhiều điều kiện thuận lợi để in ấn, lại vừa hấp dẫn vừa rẻ. Những chủ nhân tiệm sách nắm được thị hiếu ấy nên chú trọng nhiều đến việc bầy bán các văn hóa phẩm từ trong nước. Mặc dù hiện chúng ta có rất nhiều trung tâm dạy Việt ngữ đủ mọi trình độ ở các trường học, chùa chiền, nhà thờ. Con em chúng ta phải nói tiếng Việt giỏi để thành một tiềm năng cho chúng ta hy vọng. Cây có cội, nước có nguồn. Cội nguồn tiếng Việt chúng ta vững, thì văn hóa Việt cũng vững vàng để ngành xuất bản cũng có ảnh hưởng tốt theo. Đó là những ý kiến thô thiển của chúng tôi về những vấn đề mà chúng ta tìm hiểu. Năm mới, hy vọng sẽ tốt đẹp như những câu chúc lành cố hữu của dân tộc Việt Nam.”
”
Nhà văn Trần Hoài Thư, chủ nhân một nhà xuất bản khác, Thư Ấn Quán, cũng có nhận xét: “Việc xuất bản gắn liền với việc phát hành. Theo ý tôi, việc phát hành đang ở vào tình trạng bi quan nên việc xuất bản không lấy gì sáng sủa cho mấy. Tác giả hầu như chỉ dựa vào việc ra mắt để hy vọng sách đến tay độc giả (?). Chứ tác giả chỉ chờ độc giả tìm đến thì quả khó khăn. Người đọc càng ngày càng vắng do hậu quả từ Internet, báo chợ, băng đọc truyện... Nói tóm lại, mỗi tác phẩm ra đời là cả một sự hy sinh lớn của tác giả. Tuy vậy, không nên thấy nhiều tác phẩm được quảng cáo xuất hiện mà nghĩ đến trăm hoa đua nở. Hãy nghĩ đến những thùng đầy sách chất trong nhà kho, không biết làm sao để tiêu thụ cho hết.

“Không phải riêng gì trong ngành xuất bản của người Việt hải ngoại, mà ngay cả người Mỹ cũng thế. Bởi vậy, phương pháp ‘Book-On-Demand’ (In theo nhu cầu) ngày càng được phát triển.

“Thư Ấn Quán là một cơ sở dựa vào phương pháp này. Vui và hãnh diện lắm anh à. Từ nay không cần lệ thuộc vào nhà in nữa. Và hãnh diện vì đây là sáng kiến của mình, do mình tự tìm tòi, khảo cứu và sáng tạo. Từ nay, không cần nhìn tác phẩm của mình tồn kho chất đống nữa. Chỉ in theo yêu cầu. Nhờ vậy mà trong vòng hơn ba năm, Thư Ấn Quán đã thầm lặng xuất bản hoặc tái bản 42 tác phẩm. Có cuốn in chừng 50 tập. Có cuốn trên 700 tập. Có cuốn in tặng, có cuốn bán. Ngoài ra, chúng tôi còn cho ra đời tạp chí Thư Quán Bản Thảo, không một trang quảng cáo thương mại, chỉ dành để biếu tặng. Qui tụ hầu hết các bạn hữu chúng ta, mà đa số ở trong nước. Tính đến nay đã 16 tập rồi. Mỗi tập dày khoảng 200 trang. Cũng nhờ ở tấm lòng của người đọc nên tạp chí này càng ngày càng sống vững. Hiện tại chúng tôi đang tập trung chuẩn bị làm số về các nhà văn đã quá cố hay còn ở trong nước, rất qui mô và dồi dào tài liệu. Đặc biệt là bài vở do bạn bè của các nhà văn ở trong nước thực hiện.” ”

Nhà văn UyênThao, người chủ trương nhà xuất bản Tiếng Quê Hương, có lần đã phát biểu: “Một sự thực đáng buồn là hiện tại ở thời điểm bây giờ văn học Việt Nam hải ngoại đang ở trong tình trạng trì trệ cả về người đọc lẫn người viết. Độc giả Việt ngữ dần dần số lượng càng eo hẹp vì nhiều lý do và người viết thì cũng hao hụt, lớp lớn tuổi ra đi và lớp trẻ hơn chưa đủ để thay thế.
Nhưng có một sự kiện lạ đáng ngạc nhiên: hàng tuần hàng tháng vẫn có những cuốn sách mới ra đời và ở những nơi đông dân cư Việt Nam vẫn có những buổi ra mắt sách trang trọng. Như vậy chúng ta có nên lạc quan về tình trạng xuất bản sách không?”
”
Năm nay, sự thực có lẽ bi quan nhưng ở bề mặt nổi vẫn có nhiều điều để hy vọng. Có những người nặng nợ văn chương đã kiên quyết làm những công việc mà ai nhìn vào cũng thấy đầy trở ngại. Như hai nhà văn Uyên Thao và nhà văn Trần Phong Vũ thành lập tủ sách Tiếng Quê Hương tới nay đã hơn 12 năm và đã xuất bản được 54 tác phẩm với những cuốn sách đẹp, phần lớn là bìa cứng, có giá trị, đúng tiêu chuẩn về nội dung và hình thức. Dù có sự giới hạn độc giả cũng như giảm bớt mãi lực sách vở vì suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng thành quả đã đạt được của tủ sách Tiếng Quê Hương cho phép chúng ta có những nhận định đầy hy vọng.

Tủ sách này được thành lập vào đầu năm 2000, vài tháng sau khi nhà văn Uyên Thao đặt chân lên nước Mỹ, và tác phẩm đầu tiên được phát hành vào tháng 9 cùng năm là tập truyện ngắn Thân Phận Ma Trơi của Nguyễn Thụy Long, một nhà văn còn sống ở trong nước.

Trong năm 2012, cuốn Nhân Văn Giai Phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc của nhà phê bình văn học Thụy Khuê đã bán hết và đang sửa soạn tái bản. Tác phẩm biên khảo này do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương ấn hành. Những nhà văn trong Nhân Văn Giai Phẩm không những đã tạo thành một biến cố quan trọng trong lịch sử văn học mà còn là một biến cố trong lịch sử chính trị Việt Nam. Thế mà trong một thời gian dài, sự thật bị chế độ Cộng sản thay đổi và người dân miền Bắc lúc ấy hầu như biết sự thật này theo cung cách một chiều của chế độ. Về sau này, qua cuộc đổi mới, mới có những sự kiện được nhìn lại, được phân tích và nhận định từ những chứng liệu cũ. Do đó, sự thật lịch sử văn học chính trị được phần nào bạch hóa.

Một cuốn sách khác, Cung Trầm Tưởng, một hành trình thơ (1948-2008), cũng là một tác phẩm độc đáo của nhà xuất bản Tiếng Quê Hương. Thường thường, các nhà xuất bản khá ngại ngùng khi in thơ, nhất là một tuyển tập thơ dày hơn 600 trang bìa cứng. Thế mà, sự đón nhận của độc giả khá nồng nhiệt. Tác phẩm ghi nhận những chặng đường thi ca của một thi sĩ trải dài theo những tiến trình của văn học Việt Nam.

Với Cung Trầm Tưởng, ở giai đoạn đầu tiên, thơ là tình ca, là những cảm giác mới lạ của trái tim nguyên xi, của một thời tuổi trẻ. Và sau năm 1975, thơ in ở hải ngoại là những cảm xúc của con người trong nghịch cảnh của đời sống. Thơ của suy tưởng của những tháng ngày tù tội của một người chọn lựa thế đứng chính trị của mình chống lại chế độ độc tài áp bức…

…và một vài tác giả/tác phẩm

Năm 2012, nhà văn Nhật Tiến đã hoàn tất 4 tác phẩm. Với bộ sách 3 cuốn đã hoàn tất Hành Trình Chữ Nghĩa, trong cương vị của một nhà văn ông phác họa lại một chặng đường văn học của mình với những thời điểm lồng trong đời sống lịch sử dân tộc. Đây là một tư liệu văn học ghi chép lại những sự kiện nhưng không theo thứ tự thời gian. Tác giả từ những thời điểm đáng nhớ của lịch sử để có những nhận xét về sinh hoạt văn chương trong thời gian và không gian lúc đó. Và, tác phẩm Nhà Giáo Một Thời Nhếch Nhác ghi chép về một thời đại đặc biệt của dân tộc gửi cho những thế hệ sau.

Nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp cho tái bản thi tập Tôi Cùng Gió Mùa và in thêm hai tác phẩm mới là Thơ Nguyễn Xuân Thiệp (gồm những bài thơ sáng tác sau năm 1975) và tập tạp bút Tản mạn bên tách cà phê. Dù là thơ hay văn, ông cũng viết với tâm hồn của một thi sĩ. Những bài viết trên tạp chí Phố Văn do ông chủ trương là những tùy bút đi gần với cuộc sống hiện tại nhưng là những ý nghĩ lãng mạn và thú vị của một người tìm được ý nghĩa của cuộc nhân sinh. Thơ của ông trầm lắng, không phải là những suy tư xốc nổi mà là những giọt nước thuần khiết nhỏ xuống từ những mạch ngầm tưởng như thinh lặng mà ngầm chứa những xao động như sóng cuộn ở tâm tư. Đọc thơ về thời kỳ tù ngục lưu đầy của Nguyễn Xuân Thiệp tôi hiểu được sự nâng niu nghệ thuật và thái độ sống thực viết thực của kẻ sĩ Việt Nam trong cơn biến động của lịch sử.

Tản mạn bên tách cà phê của Nguyễn Xuân Thiệp với đề tài của những bài viết thay đổi tùy theo ngẫu hứng của tác giả. Có những chuyện trọng đại như nội chiến Hoa Kỳ, chiến tranh Việt Nam, mái nhà thế giới, cách mạng văn hóa bên Trung Hoa, cách mạng nhung ở Tiệp Khắc. Cũng có chuyện về những sinh vật hèn mọn như con ve, con dế, bầy chim én, con hải âu, hay những vật tưởng như tầm thường - cánh diều, cái chong chóng, hòn đá, chiếc lá vàng, ngọn rau con cá trong vàm, cái nhẫn cỏ. Lại có cả những bài viết về các món ăn hấp dẫn: thịt chó và phở, rau càng cua, bát canh hoa lý, món giả cầy ăn trong một chiều trở lạnh, măng hầm chân giò và miến xào lươn, món crawfish ăn ở tiệm Golden Corral cùng với cô ca sĩ một đêm mưa lái xe lạc đường...

Nhà văn Nguyễn Văn Sâm trình làng hai tác phẩm. Một là tập truyện Quê Hương Vụn Vỡ gồm 20 truyện ngắn xoay quanh không gian và thời gian ở quê nhà và xứ người. Những mảnh đời đặc biệt Việt Nam qua văn phong rặc ròng Nam Bộ đã tạo thành một tác phẩm độc đáo của văn học Việt Nam ở hải ngoại. Tác phẩm thứ hai Người Hùng Bình Định nổi loạn Truông Mây do Nguyễn Văn Sâm giới thiệu và phiên dich là một công trình văn hóa lớn. Dịch từ văn bản chữ Nôm Văn Đoan Diễn Ca, ông đã làm sống lại truyện Chàng Lía, một anh hùng dân giả mà hai câu ca dao mô tả: Chiều chiều én liệng Truông Mây/cảm thương chú Lía bị vây giữa rừng. Trong công việc tái tạo lại những tác phẩm văn học cổ bị thất truyền, ở trong nước có cả một viện Hán Nôm với số nhân viên cả trăm người mà mỗi cuốn sách phải cả chục năm mới xong thì ở hải ngoại một loạt các tác tác phẩm chữ nôm do Nguyễn Văn Sâm và một vài người cộng tác phải là một công việc biểu lộ nỗ lực hết mình. Công việc ấy có lẽ phải có sự đóng góp của nhiều người hơn để những gia tài văn hóa dân tộc không bị mai một.

Nhà xuất bản Văn Mới năm qua đã in Căn nhà An Đông của mẹ tôi, một tư liệu văn học viết dưới hình thức truyện ngắn và hồi ký của nhà văn Nguyễn Tường Thiết. Ở đây bóng dáng một nhà văn lớn, một nhà cách mạng, một nghệ sĩ bao trùm và qua tác phẩm của Nguyễn Tường Thiết, chân dung Nhất Linh, thân phụ của tác giả, rõ nét hơn với cả những chi tiết đời thường làm người đọc thích thú bất ngờ. Kể lại chuyện mình cũng như kể lại chuyện của người cha qua hình bóng căn nhà của mẹ ở chợ An Đông, những trang hồi ký hoặc truyện ngắn như những nhát cọ phác họa lên bức tranh chân dung sinh động và có nhiều nét gần gũi với độc giả qua những thế thời của vận nước điêu linh.
“
Những Người Muôn Năm Cũ tập truyện ngắn Huy Phương, một người nổi tiếng với thể loại tạp ghi. Tác phẩm gồm 18 truyện ngắn với những mảnh đời và những phận người của quá khứ và hiện tại, của khung trời quê hương hay nơi chốn lưu lạc. Nhân vật của Huy Phương là tổng hợp của nhiều nhân dáng mà có khi trong những độc giả có những nét tương tự. Đời người lính nối tiếp thành đời người tù, rồi đời người bị lưu vong ở chính quê hương mình lại thành đời người lưu lạc thực, những mảng đời ấy, những tâm tư ấy đã dàn trải lên những trang sách để mỗi người nhìn lại mình chính xác hơn và cũng ngậm ngùi thêm cho đất nước dân tộc trong một thời đại bi đát.

Với nhan đề chỉ có một chữ độc nhất, những tác phẩm của Song Thao đã mở ra một phương trời mà chữ nghĩa như những vó ngựa đi vào những cuộc trường hành. Phiếm 12 nối tiếp 11 tác phẩm đã xuất bản từ trước với những đề tài và phong cách viết gợi lại rất nhiều óc tò mò của độc giả. Từ đời sống thực đến văn chương, từ khoa học đến nghệ thuật, từ những nhân vật nổi bật của lịch sử Việt Nam và thế giới, những câu hỏi mở ra từ một chữ ngắn ngủi nhưng dài ra từ những khai triển, những sưu khảo để người đọc có ấn tượng rõ hơn và cũng hiểu biết vấn đề thấu đáo hơn. Phiếm của Song Thao là những câu chuyện kể xoay quanh một đề tài được viết bằng một thứ ngôn ngữ sinh động có lúc làm độc giả nở nụ cười nhưng chính yếu vẫn là trình bày những điều có thể mới lạ nhưng cũng có thể đã có nhiều người biết. Đọc Phiếm, có thể bất cứ lúc nào bất cứ ở đâu. Từ những bài viết, là những thế giới khác nhau, có lúc ảnh hưởng thời cuộc nhưng có lúc là những vấn đề muôn thuở của con người. Yêu thương, giận hờn, hiền lành, đạo đức, những cảm quan của con người được đào xới để làm nổi bật ra sự sống động của văn chương.

Cũng trong năm 2012, mặc dù không phải là tác phẩm thuần túy văn học, người đọc có thể có trong tay tập hồi ký Ký Ức Huỳnh Văn Lang trải dài từ những không gian, thời gian khác nhau và chia thành ba thời kỳ mà tác giả đã đề cập đến trong bài mở đầu. Quyển thứ ba, viết về thời kỳ sống lưu vong, từ ngày 27 tháng Tư năm 1975 đến nay. Đối tượng là đời sống của một người tị nạn với một gia đình một vợ bốn con. Tác phẩm chú trọng mô tả cuộc sống những người tị nạn trong một môi trường văn hóa và kinh tế của một xã hội còn nhiều xa lạ với người Việt Nam.

Và sau cùng nhà văn / khoa học gia Nguyễn Xuân Vinh năm qua cũng đã cho in tác phẩm Vui Đời Toán Học. Thường trong ý nghĩ chung của mọi người văn chương và toán học dường như có một chút gì xung khắc nhau. Một bên thì khô khan, một bên thì lãng mạn. Nhưng đọc Vui Đời Toán học của nhà văn Nguyễn Xuân Vinh, độc giả dường như không thấy cái cảm giác tiền chế ấy.

Bài viết này không phải là một tổng kết tình hình văn học hải ngoại năm 2012. Lý do vì văn học Việt Nam ở hải ngoại trải rộng ra cả thế giới chứ không chỉ ở vài thành phố có người Việt trên đất Mỹ mà còn ở nhiều nước khác, quốc gia khác. Và khó lòng một cá nhân với tài liệu hạn hẹp dù cố gắng cũng không thể nào đưa ra được một cái nhìn đầy đủ hơn. Do đó bài viết này chỉ là những ghi nhận của một người thu lượm được từ một số sách vở báo chí trong tầm tay, những điều mình đọc thấy, cảm thấy về một dòng sinh hoạt văn học gần gũi và phiến diện.

Âu cũng là một thiếu sót đáng tiếc.[NMT]
XS
SM
MD
LG