Đường dẫn truy cập

Vài diễn tiến quan trọng trong quan hệ ngoại giao quốc phòng của Úc 2012


(Từ trái sang) Bộ trưởng Ngoại giao Úc Bob Carr, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Stephen Smith, và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta. (AP Photo/Matt Rourke, Pool)
(Từ trái sang) Bộ trưởng Ngoại giao Úc Bob Carr, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Stephen Smith, và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta. (AP Photo/Matt Rourke, Pool)
Hôm thứ Hai là ngày ‘Giao Thừa’ dương lịch. Như thông lệ hàng năm, đây là thời điểm để chúng ta điểm lại vài diễn tiến quan trọng tại Australia trong lãnh vực bang giao quốc tế, an ninh và quốc phòng trong năm 2012 - và riêng đối với Việt Nam, đánh dấu 63 năm hữu nghị giữa Canberra với cả Sài Gòn và Hà Nội vào năm 2013.

2012 là năm quan trọng đối với Australia về nhiều phương diện. Australia thắt chặt liên minh chiến lược với Hoa Kỳ mạnh mẽ hơn bao giờ hết, trong khi cải thiện bang giao với Ấn Độ, đánh dấu 40 năm quan hệ với Bắc Kinh, củng cố hữu nghị với Nhật Bản, Indonesia và phát triển bang giao với Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam. Tất nhiên, Australia vẫn duy trì và phát triển bang giao tốt với nhiều quốc gia khác trong tổ chức Asean và trên thế giới.

2012 là năm mà Australia đắc cử, một lần nữa, vào Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc với tư cách hội viên không Thường Trực cho một nhiệm kỳ 2 năm, bắt đầu từ ngày 01-01-2013.

Về mặt địa lý chính trị, Australia đã phát triển tầm nhìn về Châu Á từ đầu thập niên 1950 với chương trình viện trợ và huấn luyện tài năng cho các nước đang mở mang trong vùng, được gọi là Kế Hoạch Colombo mà Việt Nam Cộng hòa là thành viên cho đến năm 1975. Tuy nhiên, những thay đổi dồn dập và rõ rệt chỉ mới xảy ra tại Australia và Châu Á Thái Bình Dương sau khi thời kỳ chiến tranh lạnh chấm dứt. Trường hợp cụ thể là vào đầu thế kỷ thứ 21, Trung Quốc đã thay thế Hoa Kỳ và Nhật Bản để trở thành đối tác kinh tế thương mại số 1 của Australia.

Trong năm 2012, Canberra đã phổ biến một quyển Bạch Thư về vai trò và cơ hội của Australia trong Thế Kỷ Châu Á. Thủ tướng Julia Gillard đã mô tả Bạch Thư này như sau:

"Đây là kế hoạch mà Australia cần trong Thế Kỷ Châu Á, một kế hoạch giúp đất nước Úc Châu thành công, một lộ trình cho toàn thể Úc Đại Lợi, chính phủ, thương gia, công đoàn và cộng đồng nói chung. Chúng ta biết rằng Australia đã thay đổi và chúng ta biết rằng Châu Á cũng thay đổi.”


Đây là một kế hoạch bao gồm 25 kỳ vọng chú tâm phần lớn vào những mục tiêu văn hóa và kinh tế để giúp Australia nắm bắt cơ hội tại Châu Á và tiếp tục phát triển với một nền kinh tế hưng thịnh vào thời điểm 2025. Tuy nhiên, Quyển Bạch Thư này lại thiếu chi tiết ngân sách cần thiết để giúp Australia đạt mục tiêu. Tuy Bạch Thư có một chương thảo luận về vấn đề an ninh quốc phòng, nhưng chiến lược an ninh quốc phòng được dành cho một Bạch Thư khác sẽ được soạn thảo trong năm 2013 để bổ túc và cập nhật cho Bạch Thư Quốc Phòng đã được công bố hồi năm 2009 mà Trung Quốc bị coi là mối đe dọa đối với Australia.

Tuy Canberra mong muốn phát triển quan hệ song phương tốt đẹp với Bắc Kinh và chưa bao giờ nêu đích danh Trung Quốc, nhưng vì mối đe dọa này mà Australia theo đuổi hợp tác quân sự chặt chẽ với Mỹ.

Trong năm 2012, đơn vị Thủy Quân Lục Chiến đầu tiên của Mỹ đã đến tập huấn tại Căn cứ Darwin ở miền Bắc Úc Châu, theo thỏa hiệp mà Tổng thống Obama đã đạt được với Thủ tướng Julia Gillard hồi tháng 11 năm 2011. Thỏa hiệp này – cũng như Hội Nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hàng năm gọi là Ausmin - được tổ chức tại Perth Thủ phủ Bang Tây Úc hồi tháng 11 năm 2012- còn mở rộng hợp tác giữa hai nước về mặt không quân và hải quân cũng như cuộc chiến tranh mạng (cyber warfare) trong tương lai.

Tại Hội Nghị Ausmin 2012, Ngoại trưởng Hilary Clinton tuyên bố:

"Từ Ấn Độ Dương đến những hải đảo Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ và Úc bảo vệ những hải lộ mà phần lớn thương vụ thế giới đi qua.”

Tuy nhiên, để ‘trấn an’ Bắc Kinh, bà Hilary Clinton cũng đã nói thêm:

"Mỹ và Úc đều có cơ hội minh định khả năng chứng tỏ rằng quan hệ mạnh mẽ giữa hai quốc gia cũng giúp phát triển quan hệ lành mạnh với Trung Quốc, bởi vì toàn vùng sẽ có lợi với sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc.”


Một cách chính thức, Mỹ và Úc đều hoan nghênh sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc. Nhưng mặt khác, Mỹ và Úc đều nỗ lực phát triển và củng cố quan hệ tốt với Ấn Độ.

Vào giữa tháng 10 năm 2012, Thủ tướng Julia Gillard đã công du Ấn Độ. Tại New Delhi, Thủ tướng Úc xác nhận với Thủ tướng Manmohan Singh rằng Úc sẽ đồng ý bán uranium cho Ấn Độ, như là một ngoại lệ kèm theo nhiều điều kiện bảo đảm, vì Ấn Độ chưa gia nhập Công Ước Cấm Bành Trướng Vũ Khí Nguyên Tử gọi tắt là NPT. Quan hệ song phương Ấn-Úc đã được nâng lên cấp ‘hợp tác chiến lược’ từ năm 2009.

Cũng trong hợp tác chiến lược với Nhật Bản và Indonesia, Hội Nghị hàng năm về chiến lược ngoại giao và an ninh quốc phòng cũng đã được tổ chức tại Australia.

Đối với Nhật Bản, đây là Hội nghị 2+2 lần thứ 4 và là lần đầu tiên được tổ chức tại Úc hồi giữa tháng 9 năm 2012. Bộ trưởng Ngoại giao Koichiro Gemba và Bộ trưởng Quốc phòng Satoshi Morimoto thuộc chính phủ tiền nhiệm Yoshihiko Noda đã hội kiến với Bộ trưởng Ngoại giao Úc Bob Carr và Bộ trưởng Quốc phòng Stephen Smith, nhân kỷ niệm 50 năm hợp tác quân sự giữa hai nước. Hợp tác an ninh được coi là sẽ chặt chẽ hơn với chính phủ mới của Thủ tướng Shinzo Abe.

Cũng trong quan hệ hợp tác chiến lược với Indonesia, Ngoại trưởng Bob Carr và Bộ trưởng Quốc phòng Stephen Smith đã tiếp đón tại Hội Nghị 2+2 ở Canberra hồi tháng 3 năm 2012, Ngoại trưởng Marty Natalegawa và Bộ trưởng Quốc Phòng Yusigantoro.

Thay mặt chính phủ Úc, ông Bob Carr nói:

"Việc gì xảy ra tại Indonesia và Indonesia phản ứng như thế nào là rất quan trọng đối với Australia. Không nước nào quan trọng hơn đối với Australia. Nền ngoại giao của chúng tôi sẽ không được toàn diện nếu chúng tôi không phát triển và nuôi dưỡng được quan hệ tốt đẹp với Indonesia.”

Và Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đáp:

"Indonesia muốn mô tả quan hệ với Australia như là mạnh mẽ, vững chắc và vô cùng quan trọng.”

Ngôn ngữ ngoại giao này chưa được sử dụng giữa Canberra và Hà Nội, mặc dù bang giao song phương đang được phát triển kể từ năm 1973. Hồi tháng 2 năm 2012, lần đầu tiên một hội nghị chiến lược ngoại giao và quốc phòng giữa hai nước được tổ chức tại Canberra ở cấp chuyên viên. Đại diện chính phủ Hà Nội là Thứ trưởng Ngoại Giao Phạm Quang Vinh và Thứ trưởng Quốc Phòng Nguyễn Chí Vịnh hội kiến với Phó Tổng Thư Ký Bộ Ngoại Giao Úc, Bà Gillian Bird và Phó Tổng Thư Ký Bộ Quốc Phòng Úc, ông Peter Jennings.

Tuy nhiên, hai tuần lễ sau khi nhậm chức, Ngoại trưởng Bob Carr đã công du ba nước trong tổ chức Asean là Campuchia trong vai trò chủ tịch năm 2012, Việt Nam và Singapore. Trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Phạm Bình Minh ngày 28 tháng 3, ông Bob Carr đã nói:

“Tôi đã đến Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh) trưa hôm qua – và đây là chuyến công du đầu tiên của tôi với tư cách Ngoại trưởng Australia. Tôi đã đến như một người bạn tốt của Việt Nam và tôi hi vọng khi rời Việt Nam, tôi sẽ được quí vị coi là một người bạn tốt của Việt Nam."

Trong chuyến công du này, ông Bob Carr đã mời ông Phạm Bình Minh và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm viếng Australia trong năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ song phương giữa Canberra và Hà Nội.

Nhân đây, lịch sử bang giao giữa Việt Nam và Australia cần được nói rõ. Sau khi Việt Nam được độc lập như là một quốc gia thống nhất vào năm 1949, Australia đã công nhận Việt Nam vào ngày 8 tháng 2 năm 1950 và sau đó thiết lập nhiệm sở ngoại giao tại Sài Gòn cho đến ngày 25 tháng 4 năm 1975. Như vậy, vào năm 2013, bang giao song phương giữa Việt Nam và Australia được 63 năm và giữa Canberra với Hà Nội được 40 năm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG