Đường dẫn truy cập

Ủy ban Bảo vệ Ký giả: Tự do Báo chí Toàn cầu bị sút giảm


 Các nhà báo, nhà hoạt động phản đối việc hạn chế tự do báo chí và yêu cầu thả các nhà báo bị giam giữ, ở phía trước Nghiệp đoàn Báo chí tại Cairo, Ai Cập, ngày 26 tháng 4 năm 2016.
Các nhà báo, nhà hoạt động phản đối việc hạn chế tự do báo chí và yêu cầu thả các nhà báo bị giam giữ, ở phía trước Nghiệp đoàn Báo chí tại Cairo, Ai Cập, ngày 26 tháng 4 năm 2016.

Các tổ chức chuyên theo dõi hoạt động truyền thông cho biết tự do báo chí đã bị sút giảm tại nhiều nơi trên thế giới.

Nữ ký giả Khadija Ismayilova là người đoạt giải Tự do Báo chí Thế giới UNESCO/Guillermo Cano năm 2016, nhưng ngày hôm nay bà không thể đến Helsinki khi các nhà báo và những nhân vật tranh đấu cho tự do truyền thông tụ họp ở thủ đô của Phần Lan nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới – bà đang thọ án tù 7 năm rưỡi tại Azerbaijan vì những bài tường thuật phanh phui những vụ tham nhũng trong chính quyền.

Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) cho biết khoảng 200 nhà báo như bà Khadija đang bị giam cầm ở các nước trên thế giới. Và bỏ tù không phải là cách thức duy nhất mà các chính phủ dùng để đàn áp hay buộc giới truyền thông làm theo ý mình.

Nhà báo Pravit Rojanaphruk ở Thái Lan đã được mời tới Helsinki, nhưng chính quyền quân nhân không cho ông du hành ra nước ngoài. Ông nói đây là một cái giá tương đối rẻ, “vì các nhà báo ở những nơi khác còn phải đối mặt với những án tù dài hạn hoặc thậm chí bị ám sát.”

Tự do báo chí toàn cầu bị sút giảm tới mức thấp nhất trong hơn một thập niên, theo ghi nhận của tổ chức Freedom House trong bản phúc trình thường niên mới nhất. Phúc trình cho biết “Chỉ có 13% dân số thế giới có được một nền báo chí tự do – trong đó hoạt động tường thuật về sinh hoạt chính trị rất năng động, an toàn của nhà báo được bảo đảm, sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động truyền thông nằm ở mức tối thiểu, và báo giới không gặp phải những áp lực kinh tế và pháp lý độc đoán.”

Nhà báo Pravit Rojanaphruk trong một cuộc phỏng vấn với VOA ở Bangkok, ngày 28 tháng 4 năm 2016.
Nhà báo Pravit Rojanaphruk trong một cuộc phỏng vấn với VOA ở Bangkok, ngày 28 tháng 4 năm 2016.

Đàn áp báo chí ở Thổ Nhĩ Kỳ

Tự do báo chí ở Thổ Nhĩ Kỳ sút giảm mạnh trong năm qua vì vụ đàn áp qui mô lớn do Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thực hiện. Hội Nhà Báo Không Biên Giới (RSF) xếp Thổ Nhĩ Kỳ vào hạng 151 trong số 180 nước trong bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới, tụt hai hạng so với năm 2015.

Có đến 2.000 người, gồm nhà báo, các nhà nghiên cứu, sinh viên, và những người nổi tiếng đang bị chính quyền điều tra về tội xúc phạm Tổng thống Erdogan hoặc “tuyên truyền cho khủng bố.”

Những vụ bắt bớ và hăm doạ gia tăng ở Ai Cập

Tổ chức Freedom House cho biết các nhà báo ở hai khu vực Đông và Nam Phi châu trong năm qua đã đối mặt với áp lực chính trị mỗi ngày một nhiều. Tuy Hiến pháp năm 2010 ở Kenya cấm chính phủ can thiệp vào hoạt động truyền thông, tin tức về những vụ hăm doạ và sách nhiễu đối với các nhà báo đã không ngừng gia tăng. Một hội đồng truyền thông do chính phủ thiết lập năm 2013 có quyền phạt các ký giả những khoản tiền lớn hoặc thu thẻ nhà báo của họ.

Tự do báo chí ở Ai Cập bị giảm mạnh dưới sự cai trị của Tổng thống Abdel Fattah el-Sissi, là người sau khi lên nắm quyền đã đích thân gặp các nhà báo nhà văn ít nhất 3 lần để nói tới những lằn ranh đỏ mà chính quyền đặt ra.

Theo Uỷ ban Bảo vệ Ký giả, năm ngoái Ai Cập đã bỏ tù 23 ký giả, đứng hạng nhì thế giới về số nhà báo bị giam cầm, chỉ sau Trung Quốc.

Trung Quốc gia tăng kiểm soát mạng internet

Mạng internet đã tạo ra những thách thức cho những chính phủ độc tài muốn hạn chế tự do ngôn luận. Năm ngoái, Trung Quốc đã thông qua một luật lệ về an ninh quốc gia và soạn thảo một luật lệ về an ninh mạng mà các nhà phân tích nói là dọn đường cho một cuộc đàn áp qui mô lớn nhắm vào quyền tự do ngôn luận trong không gian ảo.

Ông William Nye, một nhà nghiên cứu Trung Quốc của Hội Ân Xá Quốc Tế nói “Sự kiểm soát mỗi lúc một nhiều đối với mạng internet ở Trung Quốc trong 3 năm qua có lẽ là sự thụt lùi lớn nhất trong lãnh vực tự do báo chí.” Ông Nye nói thêm rằng tường lửa mà Trung Quốc dựng ra có lẽ là guồng máy kiểm duyệt lớn nhất trên thế giới để kiểm soát internet.

Ông Nye cũng cho biết rằng chiến dịch đàn áp tự do ngôn luận trên mạng cũng tác động tới các cơ quan truyền thông thông thường, như báo chí và các đài phát thanh phát hình.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phát biểu trong một cuộc biểu tình, tại Dinh Tổng thống Miraflores ở Caracas, ngày 07 tháng 4 năm 2016.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phát biểu trong một cuộc biểu tình, tại Dinh Tổng thống Miraflores ở Caracas, ngày 07 tháng 4 năm 2016.

Không chịu bán báo in ở Venezuela

Tại Mỹ châu, tự do báo chí tương đối khá, nhưng Venezuela là một trong vài ngoại lệ.

Trong một mưu toan nhằm làm im tiếng những người có ý kiến bất đồng, công ty quốc doanh ở Venezuela chuyên phân phối hầu hết các báo in ở nước này đã ngưng bán báo in của những tờ báo chỉ trích chính phủ, khiến cho mấy mươi tờ báo phải ngưng in báo hoặc phải đóng cửa.

Hoa Kỳ được các tổ chức theo dõi tự do truyền thông xếp hạng cao, nhưng những nhóm này cũng nêu ra một số lo ngại.

Phúc trình thường niên của tổ chức Freedom House cho rằng truyền thông Mỹ bị vướng vào chiến dịch vận động bầu cử tổng thống. Tổ chức này nói “Ứng viên dẫn đầu của phe Cộng hoà Donald Trump đã lấy việc chỉ trích những nhà báo và các cơ quan truyền thông làm một trọng tâm của nỗ lực thu hút cử tri và dùng những phát biểu gây nhiều bất bình trên truyền thông xã hội để lôi kéo và làm chệch hướng tường thuật của truyền thông thông thường.”

Trong bảng xếp hạng mới nhất, Hội Nhà Báo Không Biên Giới xếp Hoa Kỳ vào hạng 41 trong tổng số 180 nước, vì điều mà họ gọi là “cuộc chiến nhắm vào những người thổi còi báo động” và những vụ bắt bớ nhà báo trong các vụ biểu tình ở Baltimore và Minneapolis để phản đối điều bị cho là thái độ kỳ thị chủng tộc của cảnh sát.

Uỷ ban Bảo vệ Ký giả bày tỏ quan tâm về Cẩm nang về Luật Chiến tranh của Ngũ giác đài, trong đó có đoạn nói rằng một số nhà báo ở khu vực có chiến tranh có thể là “những người tham chiến không được bảo vệ đặc biệt,” chuyên lợi dụng vỏ bọc nhà báo cho những hoạt động khác. Tổ chức này cho rằng điều đó có thể mở ngõ cho quân đội Mỹ bắt giam nhà báo mà không cần nêu ra cáo trạng, bằng chứng hoặc đưa ra xét xử trước toà án.

VOA Express

XS
SM
MD
LG