Đường dẫn truy cập

Ứng viên tổng thống Đài Loan đề nghị đối thoại về Biển Đông


Bà Thái Anh Văn nói nếu đắc cử tổng thống Đài Loan, bà sẽ theo đuổi mục tiêu đối thoại với Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines và Việt Nam về Biển Đông.
Bà Thái Anh Văn nói nếu đắc cử tổng thống Đài Loan, bà sẽ theo đuổi mục tiêu đối thoại với Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines và Việt Nam về Biển Đông.

Người đang dẫn đầu trong cuộc đua giành chức tổng thống ở Đài Loan đề nghị đàm phán với các nước dính líu vào một vụ tranh chấp lâu năm về chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông. Theo tường thuật của thông tín viên Ralph Jennings của đài VOA tại Đài Bắc, cách tiếp cận của bà Thái Anh Văn có thể làm cho Đài Loan dính líu nhiều hơn vào vụ tranh chấp Biển Đông sau nhiều thập niên bị gạt ra bên lề.

Bà Thái Anh Văn hôm nay nói với một nhóm các nhà ngoại giao nước ngoài rằng, nếu đắc cử tổng thống, bà sẽ theo đuổi mục tiêu đối thoại với Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines và Việt Nam – là những nước có yêu sách chủ quyền từng phần hoặc toàn bộ Biển Đông.

Đài Loan đã chiếm đảo Itu Aba (Việt Nam gọi là Ba Bình và Trung Quốc gọi là Thái Bình), là hòn đảo lớn nhất ở Trường Sa, từ năm 1956, trong lúc Việt Nam, Philippines, Malaysia, và Trung Quốc chiếm đóng một số những hòn đảo nhỏ hơn ở xung quanh.

Trong vài năm qua, Trung Quốc đã làm cho căng thẳng trong khu vực này tăng mạnh qua việc xây dựng những hòn đảo nhân tạo và đưa giàn khoan dầu vào vùng biển mà Việt Nam cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Đài Loan đã chiếm đảo Itu Aba (Việt Nam gọi là Ba Bình và Trung Quốc gọi là Thái Bình), là hòn đảo lớn nhất ở Trường Sa, từ năm 1956.
Đài Loan đã chiếm đảo Itu Aba (Việt Nam gọi là Ba Bình và Trung Quốc gọi là Thái Bình), là hòn đảo lớn nhất ở Trường Sa, từ năm 1956.

Bà Thái Anh Văn cho rằng ngoại giao là chìa khoá để giải quyết vụ tranh chấp này.

"Chúng tôi sẽ tích cực làm việc để giảm thiểu căng thẳng tại các điểm nóng trong khu vực, như Biển Đông, nơi mà tình trạng đối đầu đang tạo ra mối nguy là quan hệ hoà bình trong nhiều thập niên trong khu vực có thể bị tổn hại. Chúng tôi sẵn sàng tham gia đối thoại với các bên khác nhau với mục đích tìm kiếm một giải pháp ngoại giao."

Tháng 5 vừa qua, ông Mã Anh Cửu, đương kim tổng thống Đài Loan, đề nghị một kế hoạch hoà bình, theo đó các bên liên hệ sẽ gác qua một bên những vụ tranh chấp chủ quyền để cùng nhau khai thác tài nguyên trong khu vực.

Tuy nhiên, thực tế chính trị cho thấy rất khó để tìm được một giải pháp ngoại giao. Tổng thống Mã Anh Cửu sẽ rời khỏi chức vụ vào năm tới và không thể tái tranh cử vì giới hạn nhiệm kỳ. Và cho đến nay, chưa có nước nào trong vụ tranh chấp Biển Đông tán đồng kế hoạch hoà bình của ông.

Trung Quốc cho rằng Đài Loan là một tỉnh phản loạn và đòi các nước khác trong vụ tranh chấp Biển Đông không được đàm phán với chính phủ ở Đài Bắc.

Các nhà quan sát cho rằng cuộc thảo luận với các nước khác có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông có thể được thực hiện thông qua các văn phòng văn hoá và thương mại mà Đài Loan đã thiết lập tại hầu hết các nước quan trọng trên thế giới. Những văn phòng đó không có qui chế ngoại giao chính thức, nhưng nhân viên tại những cơ sở đó là nhân viên chính phủ.

Trong trường hợp các nước khác trong vụ tranh chấp chủ quyền đồng ý nói chuyện với Đài Loan bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, một cuộc đối thoại như vậy sẽ là một phép thử về các mối quan hệ của Đài Bắc ở Á châu.

Các mối liên hệ về thương mại và đầu tư mà Đài Loan xây dựng với Trung Quốc từ năm 2008 có thể bị đe dọa, và các nước Đông Nam Á có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông có thể sẽ yêu cầu Đài Loan ký kết một bộ qui tắc ứng xử mà hiện nay Đài Loan bị gạt ra ngoài vì không có quan hệ ngoại giao. Chính phủ Đài Loan cũng mong muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG