Đường dẫn truy cập

Australia bán uranium cho Ấn Độ


Trong cuộc họp báo chung, Thủ tướng Manmohan Singh (ở giữa bên phải) nói, chuyến công du này của Thủ tướng Australia (ở giữa bên trái) mở một chương mới trong bang giao giữa Ấn Độ và Australia.
Trong cuộc họp báo chung, Thủ tướng Manmohan Singh (ở giữa bên phải) nói, chuyến công du này của Thủ tướng Australia (ở giữa bên trái) mở một chương mới trong bang giao giữa Ấn Độ và Australia.
Sydney - Tuần qua, Thủ tướng Australia, bà Julia Gillard đã công du Ấn Độ mà mục tiêu là để cải thiện và quân-bình-hóa bang giao với New Delhi ngang tầm với Bắc Kinh trong Thế Kỷ Châu Á.

Tuy chỉ là một cường quốc bậc trung, nhưng Australia là một quốc gia công nghệ đã phát triển và rất giàu tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là trong lãnh vực hầm mỏ. Australia có trữ lượng lớn nhất thế giới về chất uranium, với khoảng 30% toàn cầu. Tuy nhiên, việc khai thác cũng như xuất khẩu uranium luôn luôn là đề tài nhạy cảm và gây tranh cãi tại Australia, đặc biệt là đối với Đảng Lao Động.

Trong thể chế liên bang Úc Châu, việc khai thác và sử dụng chất uranium tùy thuộc vào sự hợp tác giữa chính phủ tại Canberra và các chính phủ tiểu bang. Điểm chung mà hai thế lực chính trị chủ lực tại Australia – tức là Đảng Lao Động và Liên Đảng Tự Do Quốc Gia - đồng ý là không hoặc chưa cần sử dụng uranium vào mục đích sản xuất điện năng cho thị trường tiêu thụ trong nước, vì Australia cũng rất giàu về than đá.

Thế nhưng, vì quan hệ giữa liên bang và tiểu bang nói trên mà Liên Đảng Tự Do Quốc Gia không thể tự mình quyết định gia tăng sản xuất uranium, mặc dù Liên Đảng không vướng bận về mặt ý-thức-hệ trong vấn đề khai thác và xuất cảng uranium.

Đồng nhịp với Washington trong thời kỳ Tổng Thống George W Bush, chính phủ bảo thủ Úc do ông John Howard lãnh đạo, đã thỏa thuận với New Delhi trong việc hợp tác kỹ thuật và mua bán uranium với Ấn Độ. Chính sách này đã không thay đổi tại Washington khi Tổng Thống Barack Obama kế nhiệm Tổng Thống Bush, nhưng lại bị thay đổi tại Canberra khi Ông Kevin Rudd trở thành thủ tướng chính phủ Lao Động hồi năm 2007.

Vì vậy, bang giao song phương giữa Ấn Độ và Australia trở nên phần nào lạnh nhạt, đặc biệt là khi ông Kevin Rudd, trưởng nhiệm hành pháp phương Tây duy nhất nói thông thạo tiếng Quan Thoại, quan tâm quá nhiều đến Bắc Kinh. Hơn nữa, cũng vì quá nhạy cảm với Bắc Kinh mà Thủ tướng Kevin Rudd đã không sẵn sàng hợp tác hải quân với Ấn Độ trong thỏa thuận thao diễn 5 quốc gia gồm Hoa Kỳ – Nhật Bản – Singapore – Ấn Độ và Australia mà cựu thủ tướng John Howard đã đồng ý.

Hai mươi sáu năm đã trôi qua mà không một vị thủ tướng Ấn Độ nào công du Australia. Thậm chí hồi tháng 10 năm 2011, khi Australia tổ chức Hội Nghị Liên Hiệp Anh gọi tắt là CHOGM tại Perth, Thủ phủ Bang Tây Úc, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã không tham dự.

Trong bối cảnh này mà bà Julia Gillard đến New Delhi và tận dụng mọi cơ hội để thắt chặt bang giao với Ấn Độ về mọi mặt kinh tế, an ninh quốc phòng và năng lượng.

Có lẽ sau cùng, nỗ lực của Bà Julia Gillard được đáp ứng. Tại New Delhi, trong cuộc họp báo chung, Thủ tướng Manmohan Singh nói:

"Chuyến công du này của Thủ tướng Australia mở một chương mới trong bang giao giữa Ấn Độ và Australia.”

Riêng phần mình, bà Julia Gillard nhấn mạnh:

"Đối với Australia, mục tiêu của chúng tôi là thiết lập quan hệ đối tác với Ấn Độ để phản ảnh thế đứng xứng đáng của Ấn Độ cùng với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia và Hàn Quốc – là nhóm quốc gia quan trọng nhất cho Australia."

Bởi vậy, hồi tháng 12 năm 2011, tại Đại Hội Đảng Lao Động ở Sydney, Thủ tướng Julia Gillard đã tranh luận sôi nổi với các đại biểu để thuyết phục Đại Hội thay đổi Cương Lĩnh của Đảng. Bà Julia Gillard nói:

"Cương Lĩnh của Đảng Lao Động chúng ta cho phép chúng ta bán uranium cho Trung Quốc mà không cho phép chúng ta bán uranium cho Ấn độ. Và đây là một lập trường không thể bênh vực được về mặt lý luận tri thức."

Trong cốt lõi, Cương Lĩnh Đảng Lao Động ràng buộc việc bán uranium vào tư cách thành viên của Hiệp Ước chống bành trướng võ khí nguyên tử gọi tắt là NPT. Trung Quốc là một nước độc tài cộng sản nhưng là thành viên của NPT trong khi Ấn Độ là một quốc gia dân chủ nhưng lại chưa phải là thành viên của NPT.

Kết quả là Đại Hội Đảng Lao Động tại Sydney đã biểu quyết thay đổi.

Thủ tướng Manmohan Singh ghi nhận:

"Tôi đã phát biểu với bà Thủ tướng Úc là Ấn Độ hoan nghênh quyết định này và ghi nhận vai trò của bà Thủ tướng trong việc thay đổi chính sách."

Ngoài vấn đề mua bán uranium, trở lực cho bang giao song phương tốt đẹp giữa Úc và Ấn còn là vấn đề mà New Delhi coi là kỳ thị chủng tộc, khi sinh viên Ấn Độ bị hành hung tại Melbourne và Sydney vài năm trước đây.

Trong năm 2012, có trên 36 ngàn sinh viên Ấn Độ ghi danh theo học tại các cơ sở giáo dục Úc trong tổng số trên 100 ngàn du sinh Ấn tại Úc Châu. Đây là sĩ số lớn thứ nhì, sau sĩ số sinh viên từ Trung Quốc – và rất lớn so với sĩ số sinh viên từ Việt Nam chưa được 30 ngàn.

Cộng đồng gốc Ấn tại Australia cũng gia tăng và tiếp tục gia tăng rất nhanh. Theo Thống Kê Kiểm Tra Dân Số năm 2011, cộng đồng gốc Ấn có trên 340 ngàn người tương đương với 1.7% dân số Úc Châu, trong khi cộng đồng người Việt chỉ có khoảng 210 ngàn người, tương đương với 1% dân số.

Điều quan trọng cho chương trình xuất cảng giáo dục của Australia là mỗi sự gia tăng hoặc giảm sút nhân số du sinh Ấn Độ đều ảnh hưởng trầm trọng đến ngành giáo dục quốc tế trị giá khoảng 18 tỉ dollars tại Australia.

Thủ tướng Ấn có vẻ như cũng đã chấp nhận những biện pháp mà Australia đã áp dụng để bảo vệ du sinh Ấn nói riêng và du sinh nước ngoài nói chung. Tiến sĩ Manmohan Singh nói:

"Tôi cũng đã phát biểu với Thủ tướng Úc là Ấn Độ hoan nghênh những biện pháp mà Úc đã thi hành để giải quyết vấn đề an sinh có ảnh hưởng đến người Ấn và sinh viên Ấn tại Úc Châu.”

Canberra và New Delhi sẽ bắt đầu thảo luận thỏa hiệp bảo đảm an toàn và cam kết từ phía Ấn Độ là Ấn Độ chỉ sử dụng uranium nhập khẩu từ Australia vào mục đích sản xuất năng lượng hòa bình.

Theo Hiệp Hội Sản Xuất Uranium Úc, Australia chưa sẵn sàng xuất khẩu uranium đến Ấn Độ và cần khoảng 5 đến 7 năm để phát triển thêm cơ sở hầm mỏ. Ngược lại, Ấn Độ cũng chưa cần phải nhập cảng uranium từ Australia ngay bây giờ, vì Ấn Độ đã có hợp đồng mua bán uranium với Canada, Pháp, Kazakhstan và vài nước Phi Châu khác với số lượng đủ cung ứng cho 6 lò phản ứng điện hạt nhân mà Ấn Độ dự trù sẽ đưa vào hoạt động trong vòng 5 năm sắp tới.

Điện hạt nhân là vấn đề nhạy cảm tại Ấn Độ cũng như tại Úc Châu và tại Nhật Bản - và những tổ chức xã hội dân sự tại các quốc gia nầy thường lên tiếng phản đối. Việt Nam cũng có dự án xây dựng hai lò phản ứng điện hạt nhân tại Miền Trung Việt Nam, nhưng các tổ chức xã hội dân sự lại không có tiếng nói mạnh mẽ về vấn đề nầy.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG