Đường dẫn truy cập

Ù ù trời trở nơi con


Sắp một mùa Vu Lan. Là sắp thêm lại một mùa chim di.

Còn những ân hận. Còn những nuối tiếc. Còn những tủi thân. Còn nhiều lần muốn trao hết. Nhưng vì chẳng còn Mẹ, nên đành xin gửi vào hư không. Lắt lay…

Mẹ...

Chiều nay, trong im lặng tổ tiên phía xa xôi đó, Mẹ đã bình yên chưa hở, Mẹ...?

Đã hơn bảy năm nay, con vẫn luôn dành câu hỏi đó khi hướng về di ảnh trên góc tủ ấy. Hơn bảy năm nay, bảy mùa chim thiên di ấy, bảy lần con tự mua một bông hồng trắng cho mình, tự gắn lên trên ngực áo bên trái cho mình, vào những ngày tháng bảy tủi thân. Và con xót vì ấm ức, những cơn xót làm con phải ngồi thụp xuống, nức lên trong hai bàn tay úp ngược trên đầu gối.

Con thấy, những hàng cây thắp nến trong chiều...

Mẹ...

Từ góc tủ ấy, Mẹ vẫn dõi theo con. Mẹ có xót với những cơn xót đó không? Nói Có, đi Mẹ, như ngày xưa, như khi Mẹ con mình vẫn như hai người bạn. Mẹ xót khi thấy con sống khác người một chút, suy nghĩ khác người một chút, đa cảm khác người một chút. Mẹ xót khi thấy con yêu cuộc đời này quá đỗi, con sống như một con thiêu thân lao vào những ánh sáng phù du. Mà cuộc đời, chắc chắn rồi - không đẹp như vòng tay của Mẹ mà.

Con thấy, một ánh mắt van khấn nhất với trời cao, mong cho con bình yên...

Mẹ...

Ở cõi ấy, những cơn đau buốt tận xương tủy đã hành hạ những ngày tháng cuối đời của Mẹ, đã chịu buông tha nằm yên chưa hở, Mẹ...? Con đã muốn ngạt thở trong một cõi xa hơn cả cõi mà Mẹ đang bồng bềnh ấy, khi con chứng kiến mà không san sẻ được một chút nào những cơn đau đó cho Mẹ. Mà rồi, những lời trối trăn của Mẹ, đã buộc con phải đứng lên sau cú đòn tăm tối ngạt thở ấy.

Mẹ đã sinh con ra trong thời cuộc sau chiến tranh không hề êm ấm đầy đủ thời đó, đã đặt vào tay con một cuộc sống giá trị bằng những dạy dỗ của Mẹ. Con phải đứng, con phải dấn. Đôi khi có vô tình hay cố ý dấn vào những cuộc phiêu lưu đáo thành đi nữa, thì vẫn phải.

Như Mẹ ngày xưa, những năm bảy mươi mấy tám mươi mấy, hoàn cảnh thinh rối của cả một đất nước. Không trốn loanh quanh với trò chơi số phận. Mẹ từ bỏ chiếc áo dài lụa trắng, từ bỏ những trang giáo án. Mẹ đã dấn mình vào cuộc đời. Mẹ đã băng băng đi ngược những chiều lộng gió, cho những đứa con lớn lên ngay thẳng - những đứa con mang căng phồng niềm tin cứu rỗi của Mẹ.

Con thấy, những hạt giống lấp lánh bình minh vươn mình...

Mẹ...

Người đàn bà viết tên mình trên sương trên khói, trên mê trận cô đơn của cuộc sống. Con đã hiểu rồi, đời cơm áo, là đồng hành với những trống trải cô đơn. Con cảm nhận ngay tức thì những lúc chạy ra mở cửa khi Mẹ về, lúc trời đã tối đen, và những cơn mưa còn đọng nước lấp lóa trong ánh mắt ấy. Con cám ơn Ba Mẹ, đã cho con cảm thấy quá đủ đầy trong những năm con đang tuổi lớn.

Cho dù có lớn lên trong những gập ghênh cuộc sống, thì con cám ơn Ba Mẹ đã dìu nhau, dìu cả gia đình mình trọn vẹn đến những tháng ngày cuối cùng của hai cuộc đời.

Ngày cưới của con, ánh mắt ấy, ánh mắt vẫn lo lắng cho đứa con này sẽ bước vào một cuộc đời như hàng triệu cuộc đời đàn bà khác, mà lo toan, mà nâng niu gìn giữ, mà mạnh mẽ tiếp nối kiếp luân hồi vào những đứa con của con. Con thèm nghe lại một tiếng gọi cái tên thân mật trong nhà của con biết bao nhiêu, như một trừu tượng quy chiếu níu giữ con. Mẹ khen con đi, Mẹ, ít nhất, con đã ráng sống hết sức mình, tạm tự cho mình là sống khá tốt ấy chứ, như ý nghĩa của cái tên này mà Ba Mẹ đã đặt cho con - thêm một điều tốt, thêm một điều lành. Cho đến tuổi này, con xin tự cho mình rằng đã làm khá tốt đó mà, phải không Mẹ...

Con thấy, cặp mắt bao dung linh từ vùi trong bờ vai hao kiệt...

Mẹ...

Từ sau ngày định mệnh ấy, ngày con đứng ở cuối chân giường bên nhà mình, tiễn biệt Mẹ ra đi, con chọn đứng ở chân giường, phía chân Mẹ, để được hưởng nuốt đến giọt cuối cùng ánh mắt của Mẹ. Ánh mắt mang màu chạp giỗ, Mẹ ơi...

Mẹ đã không muốn con phải khóc lúc ấy. Nên con câm nín ánh nhìn của con. Nên từ ngày đó, giữa dòng chuyển của đoạn đời mà con đang được phép tham gia góp tiếng này, lắm khi, con thảng thốt nhận ra con đang ngồi thu lu một mình trong một góc âm nào đó, mờ mờ giữa một buổi nửa trưa nửa chiều, sao con lại cứ cảm giác đang ngồi trong một ngôi mộ bia. Con ẩm ướt, ẩm ướt dù trời không mưa và rất nhiều gió. Rồi những tiếng thở dài, chúng cứ trôi đi như dòng nước, và cũng như dòng nước, chúng cứ trượt dài khỏi bàn tay con. Khiến qua những kẻ tay úp trên đầu gối con chỉ nhìn thấy được cái bóng của xa xôi quá đỗi, của dịu vợi ngút ngàn đang bay lơ lửng trong những dòng bụi li ti xuyên trong vệt nắng dài ngoài kia.

Con thấy, từ - tâm - Mẹ đang điều trị những cơn quay quắt đó cho con...

Mẹ...

Có kiếp luân hồi mà, phải không Mẹ? Cho dù cuộc đời Mẹ đã đi qua, đã in dấu trong con vĩnh viễn, con đang bước tiếp lúc này, trơ trọi gập ghềnh không có Mẹ bên cạnh, thì con sẽ ráng, ráng mỉm cười bước tới, bước cho trọn cuộc đời mà Mẹ đã đặt vào tay con.

Con thấy, rất nhiều lần, những lần hoặc là bơi chung hoặc là chìm chung trong cõi này và cõi kia, cõi của Mẹ và cõi của con.

Để hy vọng, duy nhất một hy vọng, rằng, kiếp sau, con vẫn xin được là con của Mẹ.

Nhất định là như thế, phải nên là như thế, bắt buộc là như thế.

Bởi vì, đó là niềm tin duy nhất của đứa con này. Đứa con đã quá dư thừa ngốc dại thiếu sót, và đã quá hiếm hoi cơ hội để làm được gì nhiều cho Mẹ ở cõi sống lần này. Thì ở cõi sống sau, xin cho con thêm một lần, thêm một cơ hội từ bi, thêm một lần nữa, con được làm con của Mẹ.

Mẹ...

Con vẫn luôn cầu xin như thế... [LĐGC]
  • 16x9 Image

    Lê Ðoàn Gia Cát

    Lê Đoàn Gia Cát (tên Nhật: Mizuno Gia Cát) sinh tại Huế. Tốt nghiệp 2 bằng cử nhân đại học khoa Đông Phương tại ĐH Tổng hợp và khoa Luật Hành Chính tại ĐH Luật Sài Gòn. Từ năm 2000, sinh sống và làm việc tại Tokyo trong ngành sản xuất thời trang. Đồng thời, là người đồng biên soạn bộ tự điển điện tử Việt – Nhật dành cho iPhone, iPad, Android của The CJK Dictionary Institute. Hầu hết những tản văn đều được viết khi ngồi ở một góc cafe tại Tokyo.
XS
SM
MD
LG