Đường dẫn truy cập

Từ San Diego đến Harvard (4)


Tượng Mục sư John Harvard tại Harvard Yard
Tượng Mục sư John Harvard tại Harvard Yard
Vì chỉ có 3 ngày ở Washington DC và 2 ngày ở Boston nên tôi nghĩ tốt nhất là các bạn nên tranh thủ đi chơi liền ngay sau khi đến ga xe lửa Union Station ở DC. Nếu có bạn ở DC, Virginia hay Maryland đến rước chở về nhà nghỉ ngơi thì không nói làm gì. Còn không thì tốt nhất bạn nên chọn cho mình một khách sạn hạng xoàng ở gần khu Dupont Circle hoặc Adams Morgan nằm về phía bắc của khu downtown.

Có hai lý do bạn nên ở vùng này. Thứ nhất vì giá phòng sẽ tương đối mềm hơn một tí nếu so với những khách sạn 5 sao nằm trong khu downtown. Thứ hai, quan trọng hơn vì đây là khu có nhiều trò để chơi, để ăn uống, tụ họp khi đêm về. Khác xa với khu downtown sau giờ làm việc sẽ vắng như chùa Bà Đanh, không có chi để làm, để ngắm, để hưởng thụ.

Đồng ý là nếu chịu khó lái xe sang bang Virginia hay Maryland nằm sát bên cạnh DC thì giá khách sạn có thể sẽ mềm hơn nữa nhưng tôi nghĩ khi chúng ta đi chơi thì nhất định có cái phải tốn và đáng chi. Không thể nào vì tiết kiệm tí tiền mà cuối cùng cuộc chơi không đạt đến cái ‘đỉnh’ và chúng ta không cảm nhận được không gian cũng như văn hóa địa phương của nơi mà mình đến thăm.

Vì vậy nơi bạn chọn ở rất quan trọng. Nhất là tại DC vì ở đây, nếu chịu khó một tí, bạn có thể tự đi bộ khắp mọi nơi hoặc bắt xe lửa metro đến những nơi mà bạn muốn đến. Từ những bảo tàng viện to lớn, cổ kính cho đến các tượng đài Monument tưởng niệm Washington, Lincoln, Jefferson và ngôi mộ đơn sơ nhưng đầy ấn tượng của Cố Tổng Thống John Kennedy nằm trên sườn đồi xanh ngắt một màu. Trong khu nghĩa trang quốc gia Arlington mà nhất định bạn phải đến một lần cho biết.

Đúng vậy. Đối với nhiều người có thể việc đi chơi không thể nào lẫn lộn với việc đi vào…nghĩa địa. Nhưng đối với riêng tôi, nghĩa trang, nhất là khu nghĩa trang Arlington là nơi mà mọi du khách nên ghé qua. Ngay cả khi bạn chẳng ưa gì đế quốc Mỹ.

Tại sao thế? Xin thưa đó là vì mỗi khi tôi bước vào nghĩa trang là tôi lại có dịp tĩnh tâm, suy lại những điều đã xảy ra trong quá khứ để hiểu rõ hơn hiện tại và những toan tính trong tương lai. Không có nơi nào buộc mình phải nghĩ xa về những người đã mất và nghĩ sâu về sự hiện hữu của chính mình bằng ở nghĩa trang. Cũng không có nơi nào có thể chứng minh một cách đơn giản nhất nhưng cũng hùng hồn nhất về bản sắc và văn hóa của cả một dân tộc bằng khu nghĩa trang quốc gia. Nơi họ chọn vinh danh những vị anh hùng dân tộc.

Nếu bạn có dịp ghé thăm khu nghĩa trang Arlington nằm ngay bên cạnh bờ sông Potomac hướng thẳng về thủ đô, chắc chắn một điều là bạn sẽ ‘thấm’ được những gì có thể nói là đẹp nhất và đáng học nhất ở nước Mỹ. Họ không hời hợt như chúng ta tưởng. Và họ cũng không ồn ào, phô trương như mọi người thường nghĩ.

Từ những câu nói được khắc ghi trên đá, ngọn lửa âm ỉ cháy mãi không nguôi trước ngôi mộ đơn sơ của Cố Tổng Thống Kennedy. Và vợ ông. Và con ông. Và em ông. Tất cả, kể cả vị trí của ngôi mộ và hàng hàng lớp lớp chỉ một màu trắng duy nhất của những cây thánh giá chạy dài đến cuối chân đồi nói lên rất nhiều, rất rõ về cái nhìn của người Mỹ. Về những gì họ cho là chân lý. Là mãi mãi. Là đáng để bảo tồn, trân trọng.

Bạn nên đến thăm khu nghĩa trang Arlington sau giờ ăn trưa. Và đợi đến tối, càng khuya càng tốt, bạn hãy đến thăm khu Lincoln Monument, Jefferson Monument. Trong đêm vắng ít người qua lại, đọc những lời tuyên bố mạnh mẽ nhưng đầy tình người được khắc ghi trên những thành đá cao, chắc chắn bạn sẽ chiêm nghiệm ra nhiều điều. Kể cả việc so sánh cái lăng to đùng ở Ba Đình và lấy phiến đá nhỏ để làm nấm mộ cho Cố Tổng Thống Kennedy.

Không phải cái chi trong văn hóa Việt Nam cũng đáng chiêm ngưỡng đâu bạn ạ.

Sang ngày kế tiếp, tôi nghĩ vì thời gian có hạn nên bạn cần phải chọn. Một là đi thăm những viện bảo tàng lớn nhất nhì nước Mỹ. Có rất nhiều loại, nhiều… size cho nhiều vấn đề khác nhau như lịch sử, nghệ thuật, máy bay, truyền thông, nạn diệt chủng Holocaust, v.v…

Nơi nào cũng sẽ đáng đi. Để biết, để học.

Hai là bạn chọn đi thăm khu Capitol Hill cũng là nơi Quốc Hội Hoa Kỳ nhóm họp. Bao gồm cả Hạ Viện và Thượng Viện. Nơi bạn không cần đặt vé trước. Cũng chẳng cần xin phép ai. Bạn có thể tự động, tự vào tham quan mà không ai sẽ quấy rầy bạn. Đó là cái hay, sự minh bạch trong văn hóa chính trị của nước Mỹ. Hơn hẳn Úc Châu nơi mà bạn muốn vào văn phòng của một ông lớn nào đó thì phải có hẹn trước.

Cũng nằm trên khu đồi này là Thư Viện Quốc Hội – Library of Congress – mà nếu còn thời gian bạn cũng nên ghé vào thăm. Nếu kiến trúc đồ sộ bên ngoài của nó đã làm cho bạn bị khá ngộp thì khi bước vào bên trong bạn sẽ càng ngạc nhiên hơn. Vì ngoài số lượng và chất lượng của số sách khổng lồ được sưu tầm, đây cũng là nơi mà tôi cho là có kiến trúc bên trong cầu kỳ, rực rỡ và đẹp nhất ở Washington DC.

Cách đây vài năm chính thư viện này là nơi đã hỏi xin toàn bộ giấy tờ của văn phòng tôi liên quan đến nhóm thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam cuối cùng ở Philippines được sang Mỹ định cư để làm tài liệu sưu tầm.

Và vì vậy không lần nào đến đây để làm việc với các nhân viên của thư viện mà tôi không cảm thấy vinh dự, hãnh diện là tâm huyết của mình mãi mãi sẽ được yên nghĩ nơi đẹp nhất ngay thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

Đêm cuối cùng ở Washington DC tôi nghĩ bạn nên ghé thăm bức tường đá tưởng niệm trên 50,000 binh sĩ Mỹ tử trận trên chiến trường Việt Nam. Ngay bên cạnh đó là khu tưởng niệm Thế Chiến Thứ Hai và Martin Luther King. Trước khi bạn băng qua đường để ghé thăm ngôi Nhà Trắng của đương kim Tổng Thống Obama.

Nếu bạn thấy lá cờ Mỹ đang bay phấp phới trên nóc nhà, điều đó có nghĩa là ông đang ở bên trong. Vì vậy xin đừng vội. Bạn hãy thủng thẳng đi vòng qua phía sau để có thể chụp hình làm kỷ niệm. Biết đâu ông thấy được (vì bạn đến được gần hơn ở phía sau thay vì phía trước) sẽ mời bạn ngay vào nhà để trà đàm trước khi cho bạn về khách sạn để nghĩ ngơi còn sức ngày mai bay lên Boston…chơi tiếp.

​Bạn phải bay lên Boston thôi bạn ạ. Vì tự lái xe, đi xe lửa hay xe bus đều sẽ làm cho bạn mất ít nhất là một ngày. Từ 7 cho đến 10 tiếng bạn mới đến đích.

Có hai nơi tôi nghĩ bạn nên ghé thăm ở Boston. Đó là khu downtown cổ nằm ngay trung tâm thành phố không xa quá Đại Học Harvard là bao. Và khu vực Plymouth Bay nơi nhóm di dân người Anh đầu tiên đặt chân đến nước Mỹ vào năm 1620 trên chiếc thuyền huyền thoại Mayflower.

Vì Boston là một trong những thành phố cổ nhất nước Mỹ nên đặt chân đến đây bạn sẽ thấy nó hoàn toàn khác hẳn với những thành phố bên miền Tây như Los Angeles, Las Vegas. Có một chút gì đó rất từ tốn, hơi giữ kẻ, biết người biết ta ở người dân xứ này. Họ không ồn ào, náo nhiệt. Ngược lại họ rất chuộng nghệ thuật, yêu cái học, những cái hay mà một nền giáo dục căn bản có thể tạo ra.

Bởi thế không phải đương nhiên mà hai trường đại học nổi tiếng nhất nhì ở Mỹ là Harvard và MIT đều nằm ngay thành phố Boston. Và chỉ cách đó trên hai giờ lái xe là trường đại học Yale cổ kính, rất chọn lọc.

Trong một dịp khác tôi sẽ chia xẻ với các bạn về một số khía cạnh khác nhau giữa các trường đại học nổi tiếng trên thế giới mà tôi đã từng có dịp ghé qua. Kể cả ở những trường mà tôi đã học. Trường Đại Học Melbourne ở Úc. Trường Đại Học Oxford ở Anh.

Mỗi trường chọn một cách dạy học khác nhau. Mỗi nơi là một trải nghiệm riêng biệt. Cũng như mỗi thành phố, mỗi nơi mà ta đi qua sẽ để lại trong ta những dấu ấn mạnh mẽ, những kỷ niệm khó quên.

Để từ đó chính ta cũng thay đổi.

* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
XS
SM
MD
LG