Đường dẫn truy cập

Trung Quốc phạt các công ty sản xuất sữa bột 108 triệu đôla


Khách hàng chọn sữa bột tại một siêu thị ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc, ngày 5/8/2013.
Khách hàng chọn sữa bột tại một siêu thị ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc, ngày 5/8/2013.
Trung Quốc đã phạt 6 công ty sản xuất sữa trẻ em phần lớn là của nước ngoài một khoản tổng cộng là 108 triệu đôla. Đây là một trong những vụ xử phạt nặng nhất có liên quan đến luật chống độc quyền. Các công ty bị phạt vì lũng đoạn giá cả và các tập tục chống cạnh tranh tiếp theo một cuộc điều tra ồ ạt trong ngành công nghiệp đang phát triển nhanh chóng này. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA Bill Ide ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Trung Quốc đã phạt các công ty sản xuất sữa trẻ em của Hoa Kỳ, Pháp, New Zealand, và một công ty của Trung Quốc, tiếp theo một cuôc điều tra kéo dài 5 tháng của cơ quan quy hoạch kinh tế hàng đầu trong nuớc là Uỷ ban Cải cách và Phát triển Quốc gia.

Các công ty bị phạt gồm công ty Mead Johnson của Hoa Kỳ, bị phạt 33 triệu đôla, công ty Dumex, một chi nhánh của công ty Danone của Pháp bị phạt gần 28 triệu, và công ty Fonterra của New Zealand bị phạt 645 ngàn đôla.

Trong các nhận định đưa ra với đài truyền hình nhà nước CCTV của Trung Quốc, các nhân viên điều tra nói mức phạt căn cứ vào số bán của các công ty trong năm ngoái và sự hợp tác của họ với cuộc điều tra. Có 3 trong 9 công ty bị điều tra được miễn phạt, theo lời ông Hứa Cơn Lâm, Cục trưởng Cục Chống Lũng đoạn Thị trường.

Giới chức này nói lý do 3 công ty này không bị phạt là bởi vì theo luật chống độc quyền của Trung Quốc, nếu tự nguyện cung cấp bằng chứng quan trọng, hợp tác với cuộc điều tra và có biện pháp đảo ngược mọi tác động tiêu cực và ngưng mọi hoạt động bất hợp pháp thì có thể được miễn trừ các khoản phạt vạ.”

Mặc dầu đa số các công ty bị nhắm làm mục tiêu đều là của nước ngoài, các khoản phạt nằm trong khuôn khổ một nỗ lực lớn hơn của chính phủ nhằm bảo vệ người tiêu thụ và siết chặt việc thực thi các luật lệ, theo như nhận xét của ông Ben Cavender, một chuyên gia phân tích kỳ cựu thuộc Tổ chức Nghiên cứu Thị trường Trung Quốc ở Thượng Hải.

Ông Cavender nói ta thấy một thông điệp rất rõ ràng của chính phủ và điều này áp dụng cho ngành sữa trẻ em, cho ngành dược, vàng và nhiều công nghiệp khác. Chính phủ muốn thực sự bảo đảm là các luật lệ không bị vi phạm và nếu là một công ty làm ăn ở Trung Quốc thì cần phải cứu xét đến nhiều yếu tố trong việc quy hoạch hơn so với trước đây.

Thị trường sữa bột của Trung Quốc vốn đã là một công nghiệp chiếm nhiều tỷ đôla và theo dự kiến sẽ còn lên đến mức 50 tỷ đôla vào năm 2016.

Nhập khẩu là một phần lớn trong thị trường đó, một phần bởi vì mức tin tưởng của giới tiêu thụ đối với các nhãn hiệu địa phương đã bị giảm sút sau vụ tai tiếng về sữa nhiễm độc năm 2008 dẫn đến cái chết của 6 trẻ sơ sinh. Kể từ đó, các nhà phân tích nói các công ty có sản phẩm được cho là an toàn hơn đã được hưởng nhiều co dãn trong việc định giá cả ở Trung Quốc.

Chỉ vài ngày trước khi chính phủ loan báo kết quả cuộc điều tra về ý đồ quy định giá cả, công ty sữa Fonterra của New Zealand – là công ty phân phối lớn nhất thế giới, đã bắt đầu thu hồi sữa trẻ em và các sản phẩm khác sau khi phát hiện các sản phẩm này có thể bị nhiễm độc.

Vụ thu hồi sản phẩm đã gây hoảng hốt trong các bậc phụ huynh từ Trung Quốc cho tới Trung Đông khi công ty này nói rằng các sản phẩm của công ty sử dụng protein ở thể lỏng có chứa vi khuẩn có thể gây ngộ độc thực phẩm làm chết người.

Công ty đã thu hồi tất cả các sản phẩm có thể bị nhiễm khuẩn, nhưng ở Bắc Kinh, vụ thu hồi sản phẩm đã gây bất an cho một số người.

Cô Hạ, một sinh viên đại học đang chăm sóc một đứa cháu trai 5 tuổi trong lúc nghỉ hè và đi mua sữa hôm nay, nói rằng vụ công ty Fonterra thu hồi sản phẩm chỉ làm cho người tiêu thụ lo lắng thêm.

Cô Hạ nói chắc chắn sự kiện này sẽ có tác động đối với niềm tin của giới tiêu thụ về phẩm chất của sữa bột. Cho dù đó là vụ việc xảy ra cách đây vài năm khi các nhà sản xuất trong nước thêm chất liệu gì đấy vào sữa trẻ em, hay vụ mới đây, thì cũng khó mà cảm thấy yên tâm khi mua bất cứ sản phẩm nào dù là hàng nhập hay hàng nội địa.

Tuy nhiên, khi được hỏi nếu cô phải đích thân chọn lựa cho cháu trai thì cô nói cô vẫn chọn hàng nước ngoài thay vì hàng nội.

Chuyên gia phân tích kinh doanh Cavender nói mặc dầu các nhãn hiệu sữa của New Zealand có thể phải chật vật một thời gian vì vụ nhiễm khuẩn này, có phần chắc đa số người tiêu thụ vẫn chọn sữa ngoại bởi vì họ không tin tưởng các nhà sản xuất trong nước.

Ông Cavender cho rằng điều quan trọng là sự sợ hãi. Người tiêu thụ rất quan tâm đến việc các sản phẩm họ mua phải an toàn. Tôi nghĩ đây không phải là trường hợp mà họ sẽ nói là các sản phẩm của New Zealand tồi nên chúng ta sẽ mua hàng nội. Có phần chắc hơn là ta sẽ thấy là họ sẽ tìm mua những sản phẩm có nguồn từ Bắc Ireland hay Bắc Âu chẳng hạn.

Người tiêu thụ nói giá sữa đã hạ trong mấy tuần vừa qua, trong vài trường hợp giảm tới 20%, nhưng một số người tỏ ý nghi ngờ là việc giảm giá sẽ kéo dài. Trung bình, sữa trẻ em nhập từ nước ngoài có thể đắt gấp đôi ở Trung Quốc so với giá ở Hoa Kỳ và các nước khác.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG