Đường dẫn truy cập

Ông Bạc Hy Lai bị kết án tù chung thân, tịch thu tài sản


Ông Bạc Hy Lai bị kết án tù chung thân. Tòa án cũng ra lệnh tịch thu tài sản 3 triệu đôla của ông.
Ông Bạc Hy Lai bị kết án tù chung thân. Tòa án cũng ra lệnh tịch thu tài sản 3 triệu đôla của ông.
Tòa án Trung Quốc đã tuyên án tù chung thân cho chính trị gia thất sủng Bạc Hy Lai, xem ông phạm tất cả ba tội đã cáo buộc, là nhận hối lộ, tham nhũng và lạm quyền.

Thông tín viên VOA William Ide ở Bắc Kinh tường trình rằng dù hình phạt tỏ ra nghiêm khắc một cách bất thường, cuộc tranh đấu của ông Bạc Hy Lai có lẽ chưa chấm dứt.

Việc kết thúc vụ xử ông Bạc Hy Lai hôm Chủ nhật được loan báo online giống như vụ xử ông hồi tháng 8. Tòa án Nhân dân thành phố Tế Nam công bố bản án ngay lập tức trên trang mạng xã hội Weibo, một loại Twitter của Trung Quốc.

Trong các tấm ảnh được đưa lên Weibo, ông Bạc Hy Lai mặc sơ-mi trắng, bị còng tay và có bảo vệ hai bên. Trên đài truyền hình nhà nước, ông mỉm cười vào lúc tòa tuyên án.

Bản án gồm có chung thân cho tội hối lộ, 15 năm cho tội tham nhũng và 7 năm cho tội lạm quyền. Tòa án còn tịch thu 3 triệu đôla tài sản của ông, trong nó có một biệt thự ở miền nam nước Pháp.

Cựu ủy viên Bộ chính trị 64 tuổi cũng bị tước tất cả quyền chính trị và quyền được giữ chức vụ công.

Ông Bạc Hy Lai có 10 ngày để chống án và theo tin của South China Morning Post ở Hồng Kông, có nhiều phần chắc ông sẽ làm như vậy.

Bản án của ông Bạc Hy Lai được xem là một thành tích của ban lãnh đạo mới tại Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình hứa sẽ chống tham nhũng dù ở cấp cao cỡ nào. Nhưng nhiều người cho rằng bản án chỉ nhằm chấm dứt sự nghiệp chính trị của ông Bạc Hy Lai.

Ông Phó Chí Cường, một luật sư về nhân quyền có văn phòng ở Bắc Kinh nói rằng nếu chỉ vì số tiền vài triệu đôla tham nhũng mà ông Bạc Hy Lai bị tù thì Trung Quốc cũng sẽ có nhiều người bị kết tội.

Ông Bạc Hy Lai mất chức bí thư Trùng Khánh và bị loại khỏi Bộ chính trị năm ngoái, sau khi ông Vương Lập Quân, Giám đốc cảnh sát của ông đến xin tỵ nạn tại lãnh sự quán Mỹ, mang theo bằng chứng gia đình ông có can dự vào cái chết của Neil Heywood, doanh nhân người Anh làm ăn với gia đình ông.

Luật sư Phó Chí Cường nói rằng nếu không có vụ Vương Lập Quân chạy vào lãnh sự quán Mỹ và nếu không có những đấu đá chính trị nội bộ sau vụ này, thì có lẽ đảng Cộng sản Trung Quốc cũng không làm gì trước số tiền tham nhũng hối lộ nhỏ như vậy của ông Bạc Hy Lai.

Dù đã có tuyên án, ông Bạc Hy Lai vẫn có thể kháng án và theo luật Trung Quốc ông có thể xin hưởng chế độ quản chế sau khi ngồi tù hơn 10 năm.

Các nhà phân tích chính trị nói rằng thậm chí ông Bạc Hy Lai còn có thể được ra tù sớm hơn, giống như nạn nhân của các vụ thành trừng chính trị trước đây.

Vào năm 1998, ông Trần Hi Đồng, cựu Đô trưởng Bắc Kinh bị phạt 16 năm tù sau một chiến dịch chống tham nhũng, nhưng sau 8 năm, ông đã được thả năm 2006 vì lý do sức khỏe.

Trong lúc hầu hết các quan chức Trung Quốc ra tòa về tội tham nhũng đều nhìn nhận tội lỗi, khóc lóc van xin để được khoan hồng; ông Bạc Hy Lai không chịu nhận tội và vẫn giữ thái độ mạnh dạn, hiên ngang trong suốt quá trình xử án.

Các nhà phân tích cho rằng có lẽ vì vậy mà bản án đưa ra cho ông khá nặng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG