Đường dẫn truy cập

TQ cử cố vấn chính trị hàng đầu sang VN giữa căng thẳng Biển Đông


Ông Du Chính Thanh, nhân vật thứ tư trong hàng ngũ lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc.
Ông Du Chính Thanh, nhân vật thứ tư trong hàng ngũ lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc.

Một lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc sẽ công du Việt Nam tháng này trong lúc tình hình tranh chấp Biển Đông giữa đôi bên đang có dấu hiệu căng thẳng trở lại.

Tân Hoa xã hôm nay loan tin chuyến đi của ông Du Chính Thanh, Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, nhân vật thứ tư trong hàng ngũ lãnh đạo đảng cộng sản nước này, được hoạch định đáp lời mời của đảng cộng sản Việt Nam. Không chi tiết nào khác được thông báo về nội dung và mục đích của chuyến thăm.

Để tìm hiểu về thông điệp và ý nghĩa của chuyến đi của đặc sứ Trung Quốc diễn ra sau khi Việt Nam đệ trình quan điểm, nhờ Tòa án trọng tài quốc tế bảo vệ quyền lợi ở Biển Đông, Trà Mi VOA Việt ngữ có cuộc trao đổi với chuyên gia quốc tế nổi tiếng về vấn đề Biển Đông, Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Australia.

Giáo sư Thayer: Trung Quốc sẽ tiếp tục tạo áp lực với Việt Nam và đề ra các điều kiện bao gồm Hà Nội không được để xảy ra các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, không được quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, và tranh chấp phải được giải quyết giữa hai bên mà thôi. Bắc Kinh bất bình trước việc Việt Nam trình bản quan điểm về lợi ích của mình ở Biển Đông lên Tòa án trọng tài quốc tế. Tuy nhiên, cả hai nước Việt-Trung đều cam kết hàn gắn lại mối quan hệ rộng lớn hơn giữa đôi bên. Cho nên, tôi cho rằng chúng ta sẽ thấy có sự thương lượng rất khó khăn giữa hai bên trong lúc Bắc Kinh tiếp tục muốn áp lực Việt Nam. Với hành động trình quan điểm ra Tòa trọng tài quốc tế, Việt Nam đã ra chỉ dấu cho thấy rằng họ không để cho Trung Quốc kẹp lại. Các lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam sẽ phải tỏ ra hết sức cứng rắn với vị khách mời lần này từ Trung Quốc.

VOA: Chúng ta có thể nhìn thấy trước được kết quả của chuyến thăm lần này thế nào chăng, thưa Giáo sư?

Giáo sư Thayer: Cả đôi bên đều phải nỗ lực hết sức dù ưu thế nghiêng về phía Trung Quốc. Việt Nam đã cử các phái đoàn ngoại giao cao cấp sang Bắc Kinh và giờ đây Trung Quốc cử đặc sứ qua lại Việt Nam. Có thể chuyến đi này là đà để mở ra nhiều chuyến thăm cao cấp khác nữa trong thời gian tới. Áp lực Trung Quốc đang tạo ra là buộc Việt Nam phải đáp ứng 3 điều kiện vừa kể. Tuy nhiên, về phía dân chúng Việt Nam thì khác hẳn với những gì giới lãnh đạo muốn làm. Vì vậy, giới lãnh đạo Việt Nam ở giữa, một bên là Trung Quốc, một bên là dân chúng muốn nhà nước có hành động mạnh mẽ cứng rắn hơn đối phó với Bắc Kinh. Kết quả chuyến thăm sắp tới của ông Du còn tùy thuộc vào việc thương lượng giữa đôi bên, nhưng kết quả trông thấy là đặt nền móng mở ra thêm nữa các chuyến thăm qua lại cấp cao để đạt được điểm chung.

VOA: Như ông nói, chuyến thăm sắp tới của đặc sứ Trung Quốc là hầu tiếp tục tạo áp lực với Việt Nam, liệu có thể hiểu áp lực này là nhằm nhắc nhở Hà Nội chớ có để quan hệ với Bắc Kinh sứt mẻ, hay để lôi kéo thuyết phục Việt Nam, hoặc để hứa hẹn trấn an Việt Nam?

Giáo sư Thayer: Không có khả năng Việt Nam làm đổ vỡ mối quan hệ với Trung Quốc và thực tế là phiên họp thứ 7 của Ủy ban Chỉ đạo Song Phương Việt Nam-Trung Quốc đã diễn ra và đã bắt đầu mở ra hướng đi tích cực hơn. Quan hệ mậu dịch song phương vẫn tiếp diễn. Nghĩa là có rất nhiều khía cạnh trong mối quan hệ song phương rộng lớn hơn giữa hai nước chứ không chỉ là vấn đề Biển Đông. Trung Quốc không hứa với Việt Nam là sẽ không đưa giàn khoan trở lại. Ngược lại, Hà Nội cũng không hứa với Bắc Kinh rằng sẽ không đứng lên đấu tranh chống lại nếu Trung Quốc tái diễn hành động này. Trong khi đó, việc Hà Nội đưa quan điểm lên Tòa trọng tài quốc tế cho thấy Việt Nam có thể có hành động pháp lý hơn nữa, nếu cần thiết. Tóm lại, đây là thời điểm đầy thử thách khó khăn cho đôi bên, nhưng tôi cho rằng cả hai nước đều muốn tiến tới phía trước để khám phá xem có bao nhiêu cơ hội đưa quan hệ song phương tiến lên. Và vì vậy, tôi nghĩ cả đôi bên đều phải có bước nhượng bộ. Về mặt kỹ thuật, dường như Trung Quốc đang áp dụng phương thức mềm mỏng hơn trong 6-9 tháng tới trong vấn đề Biển Đông. Cho nên, theo tôi, chuyến đi của ông Du lần này sẽ mang lại kết quả tích cực, nhưng là một sự tích cực trong chừng mực.

VOA: Xin chân thành cảm ơn Giáo sư Thayer đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.

please wait

No media source currently available

0:00 0:05:13 0:00
Tải xuống

Quan hệ hai nước Việt Nam-Trung Quốc đặc biệt căng thẳng từ tháng 5 khi Bắc Kinh đưa giàn khoan Hải dương 981 vào vùng biển Hà Nội nói thuộc vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, khơi mào các cuộc biểu tình chết người tại Việt Nam phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc. Kể từ đó, đôi bên đã cử các phái đoàn cấp cao qua lại trong nỗ lực hàn gắn quan hệ giữa hai nước cộng sản anh em.

Truyền hình vệ tinh VOA Asia 20/12/2014
please wait

No media source currently available

0:00 0:14:30 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG