Đường dẫn truy cập

Trung Quốc cảnh cáo chống lại sự can thiệp ở Syria


Người dân Syria nhận dạng thi hài các nạn nhân, chết sau một cuộc tấn công mà người ta cho rằng bằng khí độc do lực lượng chính phủ thực hiện, 21/8/13
Người dân Syria nhận dạng thi hài các nạn nhân, chết sau một cuộc tấn công mà người ta cho rằng bằng khí độc do lực lượng chính phủ thực hiện, 21/8/13
Truyền thông nhà nước Trung Quốc lên tiếng cảnh cáo chống lại sự can thiệp quân sự vào Syria. Họ nói rằng Hoa Kỳ và các nước đồng minh lợi dụng vấn đề vũ khí hóa học làm một cái cớ để theo dõi mục tiêu thay đổi chế độ ở Damascus. Tuy nhiên, theo tường thuật của thông tín viên Bill Ide của đài VOA ở Bắc Kinh, một số các nhà phân tích cho rằng sự can dự quân sự có thể phù hợp với lợi ích chiến lược của Trung Quốc.

Trung Quốc lâu nay vẫn phản đối việc can thiệp vào tình hình Syria. Bắc Kinh đã cùng với Nga phủ quyết hai nghị quyết của Liên hiệp quốc nhằm gây sức ép lên Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Các nhà phân tích cho rằng sự can thiệp của nước ngoài chống lại một chính phủ phi dân chủ là một mối đe dọa cho Bắc Kinh và một số nước đồng minh của họ, như Bắc Triều Tiên chẳng hạn.

Nhưng theo nhận xét của giáo sư Tạ Đào của Học viện Ngoại giao ở Bắc Kinh, lập trường của Trung Quốc chống sự can thiệp vào Syria cũng là một cơ hội để họ hợp tác với Nga. Ông nói:

"Có lẽ và thậm chí là rất có thể là Trung Quốc có lập trường nhất quán về vấn đề Syria vì Trung Quốc thật sự quan tâm nhiều hơn tới hình ảnh của một mối quan hệ chiến lược với Nga, chứ không thật sự quan tâm về tình hình ở Syria."

Trung Quốc chỉ có những khoản đầu tư nhỏ trong lãnh vực dầu khí ở Syria. Số người Trung Quốc sinh sống và làm việc ở đó cũng rất ít. Tuy nhiên, những nỗ lực của Bắc Kinh, cùng với Moskova, nhằm ngăn chận sự can thiệp có thể là một cách thức phòng hờ để hạn chế ảnh hưởng của Tây phương ở khu vực này.

Theo một bản phúc trình năm 2011 của Ban Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, Nga và Trung Quốc là hai nước cung ứng vũ khí qui ước nhiều nhất cho Syria, trong đó kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga sang Syria lên tới 2,9 tỉ đôla.

Phúc trình cho biết Trung Quốc cung cấp cho quân đội của ông Assad một số lượng vũ khí trị giá 300 triệu đô la từ năm 2003 đến năm 2010.

Tuy lập trường của Bắc Kinh là ngăn chận sự can thiệp vào Syria, nhưng Trung Quốc cũng đã hối thúc chính phủ ở Damascus đàm phán với phe nổi dậy và thỏa mãn những đòi hỏi về thay đổi chính trị.

Ông Thẩm Định Lập, giáo sư chính trị học của Đại học Phục Đán ở Thượng Hải, cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục kêu gọi mọi người kiên nhẫn.

Bắc Kinh đang hối thúc Hoa Kỳ và các nước khác chờ kết quả điều tra của Liên hiệp quốc về vụ tấn công hồi tuần trước. Tuy nhiên, theo giáo sư Thẩm, nếu Hoa Kỳ các nước đồng minh quyết định can thiệp thì điều đó sẽ không làm cho Trung Quốc tức giận. Ông nói:

Trung Quốc công khai phản đối việc can thiệp, nhưng trên thực tế họ sẽ hoan nghênh và thậm chí còn trông mong là sẽ có can thiệp. Tại sao vậy? Tại vì qua việc can thiệp, Hoa Kỳ tự tấn công mình. Hoa Kỳ đã tự gây tổn hại cho mình qua việc can thiệp vào Afghanistan năm 2002 và can thiệp vào Iraq năm 2003.

Giáo sư Thẩm nói rằng sự can thiệp của Mỹ vào Syria cũng sẽ có tác động tiêu cực đối với những nỗ lực của Washington nhằm tăng cường quan hệ ngoại giao và quân sự với các nước vùng Á châu Thái bình dương, một chính sách mà Bắc Kinh xem là một mưu toan nhằm ngăn chận sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Các giới chức Hoa Kỳ bác bỏ quan điểm đó. Họ nói rằng chiến lược mới của Mỹ có mục đích tăng cường các mối quan hệ trong một khu vực được xem là thiết yếu đối với quyền lợi kinh tế và ngoại giao của Mỹ trong những năm sắp tới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG