Đường dẫn truy cập

Tranh chấp lãnh hải làm lu mờ quan hệ các nước Ðông Bắc Á


Tàu thăm dò của Trung Quốc gần quần đảo Ðiếu Ngư/Senkaku.
Tàu thăm dò của Trung Quốc gần quần đảo Ðiếu Ngư/Senkaku.
Các quan ngại về xung đột hàng hải ở vùng nước Ðông bắc châu Á đang gia tăng. Trong năm 2012, Nhật Bản đã phải đối diện căng thẳng leo thang cả với Trung Quốc lẫn Nam Triều Tiên về các hòn đảo gây tranh chấp. Và hai nước Triều Tiên, trên nguyên tắc còn đang trong tình trạng chiến tranh, không thể đồng ý về đường phân ranh giới trên vùng biển phía tây. Với các nhà lãnh đạo chính trị mới vừa lên nhậm chức khắp khu vực có sự lo ngại về cách thức các nước sẽ giao dịch với nhau trong năm 2013. Từ văn phòng Ðông Bắc Á đài VOA ở Seoul, thông tín viên VOA Steve Herman ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Trung Quốc tiếp tực gửi tàu bè vào lãnh hải quanh các hòn đảo do Nhật Bản chiếm đóng. Bắc Kinh nói vùng biển này đã thuộc về Trung Quốc từ thời xa xưa.

Trong bạch thư quốc phòng mới nhất, Nam Triều Tiên bầy tỏ một cam kết vững chắc với việc bảo vệ một hòn đảo hiện nước này đang chiếm đóng mà Nhật Bản cũng đòi chủ quyền. Và Seoul cũng tái khẳng định việc thực thi Lằn ranh Giới hạn phía Bắc, một đường phân ranh trên biển Hoàng Hải mà Bình Nhưỡng không thừa nhận.

Cử tri Nam Triều Tiên chọn nhân vật bảo thủ, bà Park Geun-hye ra lãnh đạo đất nước.
Cử tri Nam Triều Tiên chọn nhân vật bảo thủ, bà Park Geun-hye ra lãnh đạo đất nước.
Sự kiện này diễn ra vào lúc cử tri Nam Triều Tiên đã chọn một nhân vật bảo thủ, bà Park Geun-hye ra lãnh đạo đất nước trong 5 năm tới.

Và trong một cuộc bầu cử khác vào tháng 12 này, cử tri Nhật Bản đã chọn đưa ông Shinzo Abe theo chủ trương diều hâu trở lại làm Thủ tướng.

Có những mối quan ngại rằng những sự thay đổi lãnh đạo trong năm vừa qua ở Bắc Kinh, Bình Nhưỡng, Seoul và Tokyo sẽ gia tăng các nguy cơ về hành động thù nghịch.

Nhưng cố vấn cấp cao của Tập đoàn Eurasia Jun Okumura, tại Tokyo, cảnh báo những người ở các nơi khác thuộc châu Á tin rằng người Nhật thực sự trông ngóng một sự trở lại kỷ nguyên hung hăng về quân sự của nước này.

Ông Okumura cho biết: “Chắc chắn có một tình cảm dân tuý nào đó, nhưng không phải là loại tình cảm của quần chúng mà Trung Quốc có hay Nam Triều Tiên có, hay thậm chí Hoa Kỳ cũng có. Nó mang một ý nghĩa hơi bất ngờ và hơi táo bạo với sự hiện diện ngày càng nhiều, cả theo nhận định lẫn trên thực tế, của Trung Quốc ở khu vực biển Ðông và vùng chung quanh.”

Ông Abe đã loan báo ý muốn xúc tiến việc thay đổi hiến pháp chủ hòa của Nhật Bản, do Hoa Kỳ áp đặt sau khi kết thúc Thế chiến thứ hai. Ðiều khoản số 9 cấm Nhật Bản có một quân đội bình thường, hiện Nhật Bản chỉ có “lực lượng dân vệ”, hay cho phép quân đội của Nhật Bản được chiến đấu cạnh các liên minh, đích danh là Hoa Kỳ.

Cử tri Nhật Bản chọn ông Shinzo Abe theo chủ trương diều hâu trở lại làm Thủ tướng.
Cử tri Nhật Bản chọn ông Shinzo Abe theo chủ trương diều hâu trở lại làm Thủ tướng.
Những người ủng hộ lập luận rằng sự thay đổi là cần thiết vì Nhật Bản đang đứng trước nguy cơ ngày càng tăng từ phía Trung Quốc cũng như Bắc Triều Tiên.

Năm nay tại Bình Nhưỡng, ông Kim Jong Un, trong tư cách là một nhà lãnh đạo thuộc thế hệ thứ ba, đã nắm chắc quyền thế sau cái chết hồi tháng 12 năm ngoái của cha là ông Kim Jong Il.

Ông Kim trẻ đang nối gót thân phụ, thách thức các biện pháp chế tài quốc tế về phát triển phi đạn đạn đạo.

Vụ phóng hỏa tiễn ba tầng của Bắc Triều Tiên hồi tháng 4 đã không đặt được một vệ tinh vào không gian. Nhưng một vụ thử tháng 12 vừa qua đã thành công đến điểm đặt được một vật thể vào quỹ đạo.

Hậu quả là, vào đầu năm 2013, Bắc Triều Tiên sẽ phải gánh chịu thêm các biện pháp chế tài của Liên Hiệp Quốc. Nhưng đại sứ Nhật Bản hồi hưu Kazuhiko Togo bày tỏ ý muốn có một đường lối khác.

Hỏa tiễn Unha-3 được phóng đi từ Bình Nhưỡng, ngày 12/12/2012.
Hỏa tiễn Unha-3 được phóng đi từ Bình Nhưỡng, ngày 12/12/2012.
Ông Togo nói: “Chúng ta đã thực hiện chính sách tối đa về việc áp dụng chế tài kinh tế. Do đó một biện pháp sẽ tiếp tục. Bởi vì chính sách của Nhật Bản đối với Bắc Triều Tiên từng là một trong những chính sách gay gắt nhất trong khu vực theo ý tôi, để cho quân bình, việc cần làm sắp tới là tìm ra một cách để trừng phạt Bắc Triều Tiên và nói chuyện với họ.”

Một số nhà phân tích tiên đoán bà Park ở Nam Triều Tiên sẽ nối lại viện trợ nhân đạo cho miền Bắc. Trong số những nhà phân tích đó có phó giáo sư về quan hệ quốc tế Chun Chae-sung. Nhưng ông cảnh báo rằng Trung Quốc thực ra đang nắm các chìa khóa mở ra cánh cửa cho quan hệ liên Triều tốt đẹp hơn.

Ông Chun nói: “Bởi vì Trung Quốc là đối tác quan trọng nhất cho Bắc Triều Tiên khi họ muốn duy trì nền kinh tế èo uột của họ. Nhưng Trung Quốc sẽ hợp tác với Nam Triều Tiên, và cũng hợp tác với các quốc gia Ðông Á khác, nếu ta có thê gợi ý một lộ đồ dài hạn về cách thức đối phó với Bắc Triều Tiên. Vì thế chúng ta biết rõ ràng rằng Trung Quốc là đối tác quan trọng nhất với Hoa Kỳ, để có thể đạt được thành quả trong việc theo đuổi chính sách Bắc Triều Tiên của chúng ta.”

Ðối với các nhà lãnh đạo mới ở cả Tokyo lẫn Seoul, các nền kinh tế của chính nước họ dự trù sẽ là ưu tiên hàng đầu.

Ông Abe muốn Nhật Bản in thêm tiền để hạ giá đồng yen và tìm cách chấm dứt tình trạng thiểu phát sau 15 năm kinh tế gần như không tăng trưởng.

Nhà lãnh đạo mới của Nam Triều Tiên đối đầu với tình trạng trì trệ kinh tế.
Nhà lãnh đạo mới của Nam Triều Tiên đối đầu với tình trạng trì trệ kinh tế.
Tại Nam Triều Tiên, cũng như trường hợp của Nhật Bản, nhà lãnh đạo mới lên đứng đầu một nền kinh tế lệ thuộc vào xuất khẩu. Bà Park đối đầu với một tình trạng trì trệ kinh tế trong khi khoảng cách biệt thu nhập tiếp tục gia tăng. Bà đã cam kết tăng chi tiêu về an sinh xã hội và tạo thêm công ăn việc làm có giá trị cao hơn.

Tổng thống Lee Myung-bak sắp xuất nhiệm để lại một di sản 5 năm không đạt được một chỉ tiêu quan trọng nào về kinh tế.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG