Đường dẫn truy cập

TQ treo nhiều giải thưởng lớn sau 1 tuần lễ bất ổn ở Tân Cương


Một người Uighur nhìn theo chiếc xe tải chở cảnh sát bán quân sự chạy trên đường trong cuộc vận động chống khủng bố ở Urumqi, Tân Cương
Một người Uighur nhìn theo chiếc xe tải chở cảnh sát bán quân sự chạy trên đường trong cuộc vận động chống khủng bố ở Urumqi, Tân Cương

Truyền thông nhà nước Trung Quốc nói vùng Tân Cương hẻo lánh và hay xảy ra biến động đã dành riêng gần 50 triệu đôla để thưởng cho những ai giúp cung cấp cho chính quyền manh mối trong vụ trấn át các phần tử cực đoan bạo động.

Thông báo về kế hoạch thưởng lớn được đưa ra vài ngày sau khi Tân Cương chứng kiến một tuần lễ bất ổn nhất kể từ năm 2009. Tuần trước, gần 100 người bị sát hại trong các vụ bạo động mà chính phủ nói là do một băng đảng khủng bố người sắc tộc Uighur bạo động thực hiện.

Chính phủ Trung Quốc không tiết lộ về những cái chết nhiều ngày sau, khiến các tổ chức người Uighur ở nước ngoài nêu thắc mắc về cách chính phủ mô tả các diễn biến và kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập.

Giới truyền thông nhà nước nói vụ bạo động ở miền nam Tân Cương bắt đầu hồi sớm thứ hai ngày 28 tháng 7 ở huyện Yarkanh, một huyện ở ngoại thành Kashgar. Tuy nhiên, mãi gần 1 tuần sau, nhà chức trách Trung Quốc mơi công bố một bản tường thuật chi tiết hơn về những gì đã xảy ra.

Theo các cơ quan truyền thông nhà nước, những người đàn ông mang mặt nạ, vũ trang bằng súng và dao đã tấn công các đồn cảnh sát và văn phòng chính phủ ở thị trấn Elixku trước khi quay sang chú ý đến thường dân, đập phá và đốt mấy chục chiếc xe.

Theo một bản tin hôm qua trên Thiên Sơn, một trang mạng tin tức do chính quyền khu vực Tân Cương điều hành, 37 thường dân đã bị thiệt mạng trong các vụ tấn công, kể cả 2 giới chức người Uighur. Cảnh sát đã bắn chết 59 người bị cáo buộc là phần tử khủng bố và 215 người khác đã bị câu lưu.

Giống như phần lớn các bài tường thuật của Trung Quốc về những vụ tấn công khủng bố, không thể kiểm chứng độc lập nhiều chi tiết của vụ bạo động. Các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc nói một nam cảnh sát viên có tên là Nuramat Sawut đã chuẩn bị cho các nhóm tham gia vụ tấn công bằng cách họp với họ trong tháng chay Ramadan.

Tin của giới thông nhà nước nói những người tham gia mang những lá cờ công bố một cuộc “thánh chiến” và nói rằng Sawut đang hợp tác với Phong trào Hồi giáo Ðông Turkestan.

Vụ tấn công ở Yarkand diễn ra vài ngày sau điều mà giới truyền thông nhà nước gọi là một cuộc truy lùng ồ ạt ở phía nam khu vực ngay bên ngoài thành phố Hotan. Theo những bài tường thuật chính thức thì khoảng 30 ngàn người đã giúp nhà chức trách bao vậy một nhóm 10 phần tử khủng bố, 9 người trong đó bị hạ sát ngay tại chỗ.

Những đoạn thu hình vụ truy lùng trên truyền thông nhà nước cho thấy các cá nhân tiến qua các cánh đồng ngô và mang gậy gốc dàn hàng các đường phố. Hôm thứ bảy, Nhật báo Tân Cương nói các giới chức đã trao gần 600 ngàn đôla tiền thưởng cho những người giúp nhà chức trách trong nỗ lực này.

Ngoài vụ bạo động ở Yarkand, một giáo sĩ 74 tuổi thuộc Nhà thờ Hồi giáo Id Kah ở Kashgar đã bị sát hại tuần trước trong một vụ dường như là tấn công có mục tiêu.

Các chuyên gia phân tích Trung Quốc nói vụ bạo động tuần trước cho thấy rõ cường độ ngày càng tăng của chiến dịch chính phủ trấn át khủng bố và họ đang theo dõi xem liệu vụ tấn công vừa kể có đánh dấu một bước ngoặt hay không.

Hồi cuối tuần, bí thư tỉnh Tân Cương đã cam kết “kiên quyết” thúc đẩy chiến dịch, tấn công mạnh và chính xác vào các phần tử khủng bố, để tiêu diệt điều ông gọi là “các mầm mống ly khai” bằng cách nhổ tận rễ.

Tình trạng cực đoan tôn giáo sâu sắc bao trùm toàn bộ ở Tân Cương vẫn là một vấn đề tranh luận ở Trung Quốc. Ða số dân chúng ở vùng hẻo lánh theo một hình thức đạo Hồi Sunni trung dung hơn. Nhưng một số chuyên gia phân tích Trung Quốc cảnh báo rằng các chiến thuật gắt gao của chính phủ có thể có tác dụng ngược là cực đoan hóa thêm những người Hồi giáo trung dung.

Ông Dilxat Raxit, một người phát ngôn của Ðại hội Uighur Thế giới nói chính phủ đang sống dưới ảo tưởng nếu cho rằng trấn át mạnh ở Tân Cương hay treo thưởng sẽ thu phục được hậu thuẫn của người Uighur.

Ông nói: “Ðiểm khúc mắc chính ở đây là thay đổi các chính sách hiện hành của chính phủ. Nếu không làm như thế, những loại xung đột loại này có thể xảy ra bất cứ lúc nào.”

Kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền hồi tháng 3 năm ngoái, số người tử vong vì bạo động sắc tộc ở Tân Cương và những nơi khác trong nước đã tăng lên đến gần 300 người. Hàng ngàn người sắc tộc Uighur đã bị câu lưu và hơn 1 chục người đã bị hành quyết vì các tội ác “khủng bố bạo động.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG