Đường dẫn truy cập

TQ siết chặt truyền thông sau vụ tấn công ở Thiên An Môn


Hệ thống camera an ninh được lắp đặt tại Quảng trường Thiên An Môn, 1/11/13
Hệ thống camera an ninh được lắp đặt tại Quảng trường Thiên An Môn, 1/11/13
Vẫn còn nhiều nghi vấn quanh những gì xảy ra ở thủ đô Trung Quốc hồi tuần trước, khi một gia đình 3 người tông xe vào một đám đông du khách và đốt chiếc xe của họ và chết cháy. Trung Quốc nói sự cố làm 2 người thiệt mạng và 40 nguời bị thương rõ ràng là một vụ tấn công khủng bố có dự mưu bởi các thành viên của một nhóm sắc tộc thiểu số ở Tân Cương. Thông tín viên Bill Ide tường thuật rằng giới hữu trách nhấn mạnh hành động này không có liên hệ với các chính sách của nhà nước tại khu vực hẻo lánh và hay xảy ra nhiều biến động, và đang lên án những người không nghĩ như thế.

Ðã một tuần lễ trôi qua kể từ khi một gia đình người Uighur, gồm hai vợ chồng và bà mẹ, từ vùng Tân Cương của Trung Quốc đã lái xe vào trung tâm chính trị của cả nước là quảng trường Thiên An Môn.Tuy nhiên, người ta được biết rất ít về những người có liên can.

Nhà chức trách Trung Quốc nói rằng một mạng luới các cá nhân khác từ Tân Cương đã giúp thực hiện cái mà họ nói là một vụ tấn công khủng bố có tính toán trước Họ cho biết đã phát hiện trên xe nhiên liệu, dao và biểu ngữ với các khẩu hiệu cực đoan.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói vụ này là một sự tấn công chống lại xã hội Trung Quốc.

Ông Hồng nói: “Chúng tôi phản đối việc chấp nhận một tiêu chuẩn nước đôi trong vấn đề này. Một số người liên kết vụ tấn công với chính sách của Trung Quốc và thậm chí còn quy cho chính sách của Trung Quốc là nguyên do gây ra vụ tấn công. Chúng tôi bầy tỏ sự bất mãn cao độ trước quan niệm này.”

Các nhận định của ông Hồng đáp lại một bài tường trình mới đây của đài CNN đã làm một số người tức giận ở Trung Quốc. Bản tin nêu câu hỏi: “Vụ đâm xe ở Thiên An Môn: Khủng bố hay tiếng kêu tuyệt vọng?” Báo Global Times chính thức của Trung Quốc gọi bài tường trình này là “hoàn toàn sai lạc.”

Chính phủ Trung Quốc nói đã đem lại vận hội và phát triển cho vùng Tân Cương giàu khoáng chất. Nhưng các sắc dân thiểu số ở đó như người Uighur than phiền về những kiểm soát áp bức đối với tôn giáo và văn hóa.

Sau sự cố xảy ra ở Thiên An Môn, các cơ quan truyền thông ở Trung Quốc đã đuợc lệnh không công bố bất cứ điều gì khác với các bản tin của Tân Hoa Xã chính thức.

Trên dịch vụ Weibo tương tự như Twitter của Trung Quốc, một diễn đàn sống động để thảo luận, các bài đăng về Thiên An Môn đang bị kiểm duyệt gần như ngay khi được đăng tải. Ngay cả một thông cáo trên trang vi blog bằng tiếng Anh của CCTV, với những chi tiết mới về vụ tấn công cũng được gỡ bỏ sau đó.

Nhà chức trách cũng làm áp lực những người Uighur nổi tiếng ở thủ đô trong mấy ngày vừa qua.

Ông Iham Tohti, một kinh tế gia người Uighur làm việc ở Bắc Kinh, cho biết nhà cầm quyền đang đe dọa các phân tích gia như chính ông, cả gan chỉ trích các chính sách nặng tay ở Tân Cương.

Ông Tohti cho biết hôm thứ Bảy công an mặc thường phục đã đâm vào xe của ông và dọa nạt ông vì đã nói chuyện với giới truyền thông tin tức.

Ông Tohti kể: “Họ đã giằng điện thoại của vợ tôi, và cả điện thoại của tôi nữa. Và họ tải xuống một số tài liệu trên điện thoại. Trong khi đó họ đe dọa tôi và nói sẽ giết tôi, sẽ cán chết gia đình tôi. Và đây chỉ vì tôi đã nói quá nhiều điều với giới truyền thông.”

Ông Tohti nói trong khi người Uighur ngày càng nói nhiều hơn về các vấn đề xã hội và nhận thức của họ cao hơn, bầu không khí vẫn còn ngột ngạt.

Ông Tohti nói: “Ngày càng có nhiều người đồng ý với những gì tôi đang nói, nhưng nhiều người không dám nhắn “tweet” cho tôi hay bầy tỏ sự tán đồng công khai, bởi vì tự do phát biểu và bầy tỏ ý kiến, nhất là ở Tân Cương là điều rất nguy hiểm. Tôi thông cảm với họ.”

Ông cho biết ông tiếp tục lên tiếng, bất chấp những đe dọa, bởi vì ông cương quyết chia sẻ các quan điểm của mình.

Chuyên gia về an ninh Rafeallo Pantucci nói phản ứng của chính phủ Trung Quốc nêu bật mối quan tâm lớn hơn của họ là ngăn chặn để những khiếu nại cá nhân của các nhóm người không hòa nhập thành một quan điểm thống nhất.

Ông Pantucci phân tích: “Khi ta đối phó với một cá nhân giận dữ vì một hệ thống và bầy tỏ ý kiến bằng những cách này, thì đó là một cá nhân và anh ta có những khiếu nại cụ thể, nếu những khiếu nại này bắt đầu hòa nhập thành một quan điểm lớn hơn, một quan điểm nói rằng chúng ta là một khối người bị đàn áp, rằng chúng ta đang sống trong một nước bị chiếm đóng và cần phải kháng cự, thì lúc đó ta phải đối phó với một vấn đề tìm cách đánh vào chuyện kiểm soát và tính hợp pháp của chính quyền.”

Các hành vi bạo lực không phải là bất thuờng ở Trung Quốc và nhiều khi có liên quan đến những khiếu nại với các giới chức địa phương và các chính sách của chính phủ. Trung Quốc chi nhiều tiền vào việc bảo vệ an ninh nội địa hơn là vào quân đội.

Hồi đầu năm nay, một người đàn ông ở nam bộ Trung Quốc đã nổi lửa đốt một chiếc xe buýt cho hả cơn giận, làm 47 người chết, trong đó có chính ông ta.

Nhưng khác với sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền đối với câu chuyện về Thiên An Môn, trong vụ đó, chính quyền địa phương và các cơ quan truyền thông nhà nước đã tiết lộ chi tiết đầy đủ về người đàn ông đó là ai chỉ vài giờ đồng hồ sau khi xảy ra vụ việc, kể cả một mảnh thư tuyệt mệnh ông ta để lại. Một tuần lễ sau khi xảy ra vụ việc gây chết người ở quảng trường Thiên An Môn, vẫn còn nhiều thắc mắc chưa được giải đáp.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG