Đường dẫn truy cập

Tổng thống Obama cho rằng bạo động ở Ferguson là vấn đề cá nhân


Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama

Đối với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, vấn đề quan hệ chủng tộc mang tính cách hết sức cá nhân. Trong suốt vụ khủng hoảng ở Ferguson, Missouri, tổng thống đã kêu gọi bình tĩnh, tự chế và tôn trọng pháp trị. Các diễn biến ở Ferguson đã khiến ông Obama đưa ra lời kêu gọi, công khai hơn trước đây, thay đổi sâu xa để chấm dứt sự phân biệt chủng tộc và mất tin tưởng mà ông tin là vẫn còn tồn tại giữa người da trắng và da đen ở Hoa Kỳ.

Tình hình bạo động ở Ferguson đã khiến Tổng thống Obama dùng lời lẽ mạnh hơn đã sử dụng trước đây có liên quan đến chủng tộc, phá vỡ những điều cấm kỵ về vấn đề này đối với người Mỹ - trong đó nhiều người hy vọng là với một vị tổng thống da đen trong Toà Bạch Ốc, thì những cảnh tượng như thế này sẽ không còn nữa.

Bạo động bùng ra ở Ferguson vào đêm cả nước biết tin cảnh sát viên da trắng Darren Wilson sẽ không bị truy tố vì bắn chết Michael Brown, một thiếu niên da đen không mang vũ khí.

Trong lời kêu gọi bình tĩnh, Tổng thống Obama nói tình hình ở Ferguson nói lên những thách thức to lớn hơn mà đất nước còn phải đối diện:

“Chúng ta cần phải thừa nhận rằng đây không phải là một vấn đề chỉ có ở Ferguson. Đây là một vấn đề cho cả nước Mỹ. Chúng ta đã đạt được tiến bộ to lớn trong quan hệ chủng tộc trong nhiều thập niên qua. Tôi đã chứng kiến điều này trong cuộc sống của riêng tôi, và phủ nhận tiến bộ này là phủ nhận khả năng nước Mỹ có thể thay đổi; nhưng điều cũng đúng là vẫn còn những vấn đề, và các cộng đồng da màu không bịa đặt ra những vấn đề này.”

Các chuyên gia nói không phải nỗi đau khổ và tức giận không thôi của những người biểu tình đã khiến ông Obama lên tiếng một cách cởi mở hơn về quan hệ chủng tộc.

Trong bối cảnh chỉ còn hai năm làm Tổng thống, người ta cho rằng ông Obama không mất đi nhiều hơn khi đẩy cuộc đối thoại về quan hệ chủng tộc tiến thêm một bước nữa. Bà Daniella Gibbs Leger một cựu phụ tá cấp cao của tổng thống nói:

“Rủi ro chính trị, ông ấy sẽ không ra tái tranh cử nữa vì thế mà rủi ro này rất ít. Có loại rủi ro nào khác? Lúc nào cũng vậy, khi nói về chủng tộc ở nước này. Nhưng tôi cũng nghĩ rằng nó vượt lên trên rủi ro chính trị và đó là một điều có liên quan rất nhiều đến chính bản thân ông.”

Ông Obama đã từng phát biểu rất nhiệt thành về các vấn đề chủng tộc trước đây. Năm 2012, khi thiếu niên da đen Trayvon Martin bị bắn chết ở Florida trong một vụ cũng mang nặng tính chủng tộc, tổng thống nói Martin có thể đã là con trai của ông. Lần này, tổng thống cảnh báo rằng không có hành động có thể dẫn tới thêm căng thẳng và bạo động.

“Những người chỉ quan tâm dồn sự chú ý vào bạo lực và chỉ muốn vấn đề chấm dứt cần phải thừa nhận rằng chúng ta có nhiệm vụ phải làm ở đây và không nên tìm cách che giấu.”

Ông Michael Fauntroy là giáo sư môn chính trị học tại trường Đại học Howard ở Washington. Ông nói trong khi các nhận định của ông Obama về chủng tộc mạnh hơn trước, ông nêu thắc mắc liệu tổng thống có đủ mạnh hay không:

“Những gì xảy ra ở Ferguson, Missouri và hậu quả đã diễn ra là điều mà tổng thống gần như buộc phải đưa ra lời bình luận. Vậy thì, đúng là ông đang phá vỡ một điều cấm kỵ thường bị tránh né, nhưng tôi hy vọng rằng nay khi điều cấm kỵ đó đã bị phá vỡ, thì ông ấy sẽ thực sự có một biện pháp nào đấy.”

Khi Tổng thống Obama lên nhậm chức, đã có niềm hy vọng trong nhiều người dân Mỹ - cả đen lẫn trắng – rằng các vấn đề chủng tộc của nước Mỹ phần lớn sẽ không còn nữa. Các sự kiện ở Ferguson cho thấy sẽ phải cần đến nhiều hơn là chỉ một người và một nhiệm kỳ tổng thống để giải quyết hàng trăm năm đấu tranh chủng tộc.

VOA Express

XS
SM
MD
LG