Đường dẫn truy cập

Thuyền nhân tầm trú dồn dập đến Australia


Thủ tướng Australia Julia Gillard trong lễ tuyên thệ ở Canberra, 14/09/2010
Thủ tướng Australia Julia Gillard trong lễ tuyên thệ ở Canberra, 14/09/2010
Thuyền nhân tầm trú dồn dập đến Australia, sau khi chính phủ Julia Gillard tái lập Giải Pháp Thái Bình Dương tại Đảo Quốc Nauru và trên Đảo Manus của nước Papua New Guinea hồi giữa tháng 8 năm nay 2012.

Hồi cuối tháng 6, Quốc Hội liên bang Úc đã bị bế tắc, khi một dự luật về thuyền nhân tầm trú bị Thượng Viện bác bỏ, vì sự chống đối của Liên đảng Tự Do Quốc Gia và Đảng Xanh. Dự luật này nhằm tái lập Giải Pháp Malaysia, tức là giải pháp mà chính phủ Lao Động Julia Gillard ưa chuộng, nhưng đã bị Tối Cao Pháp Viện Australia coi là bất hợp pháp. Khó khăn của Thủ tướng Julia Gillard là vì chính phủ không có đa số tại Thượng Viện, nên các dự luật được Hạ Viện thông qua đều phải được Đảng Xanh hoặc Liên đảng đối lập đồng ý thì mới có thể được thông qua.

Trong nỗ lực giải tỏa sự bế tắc ấy, bà Julia Gillard đã thiết lập một Ủy ban chuyên viên để cứu xét vấn đề. Ủy ban này do một cựu tướng lãnh Chủ tịch Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Hoàng Gia Úc, Đại tướng Angus Houston, cầm đầu và gồm cựu Tổng Thu Ký Bộ Ngoại Giao và một chuyên viên về Luật Di trú.

Sau 6 tuần lễ làm việc và tiếp nhận hàng trăm tờ trình đề nghị của các giới chuyên gia, các tổ chức thiện nguyện và nhân sĩ cộng đồng, Ủy Ban Houston đã đệ trình chính phủ đề nghị gồm 22 giải pháp với hi vọng giải tỏa bế tắc trong ngắn hạn và đưa đến một kết quả dài hạn.

Trong cốt lõi, Ủy Ban Houston đề nghị tái lập Giải Pháp Thái Bình Dương của cựu thủ tướng John Howard và được áp dụng từ năm 2001 đến năm 2007, khi Đảng Lao Động thắng cử và nắm chính quyền. Thủ tướng Julia Gillard tuyên bố chấp thuận đề nghị của Ủy Ban Houston, mặc dầu nhiều lần trước đây, Bà Julia Gillard đã chỉ trích giải pháp nầy là tốn kém mà không có hiệu quả. Giới truyền thông Úc coi đây là ‘sự đầu hàng’ cần thiết để chính phủ may ra có thể giải quyết được một vấn đề mà người ta tin rằng chính phủ đang làm mất lòng cử tri.

Trước đây, Liên đảng đối lập do Dân biểu Tony Abbott làm lãnh tụ, đã chỉ trích việc chính phủ ‘trốn tránh trách nhiệm’ khi thành lập Ủy Ban Houston, nhưng nay bị đặt trong tình trạng khó xử, vì giải pháp đề nghị là giải pháp mà Liên đảng Đối lập luôn chủ trương.

Bởi vậy, khi dự luật mới được soạn thảo để phục hoạt việc cứu xét thuyền nhân tầm trú bên ngoài lãnh thổ Úc tại Nauru và Papua New Guinea, thì dự luật được lưỡng viện quốc hội thông qua, với sự ủng hộ của phe đối lập. Đảng Xanh vẫn giữ lập trường cố hữu là chống đối việc cứu xét thuyền nhân tầm trú bên ngoài lãnh thổ Úc.

Tuần qua, hai toán công binh của quân lực hoàng gia Úc đã đến Nauru và Papua New Guinea để kiểm tra cơ sở và xây dựng các trại lều tạm thời để chính phủ có thể chuyển thuyền nhân tầm trú đến Úc sau ngày loan báo 13 tháng 8 năm 2012. Trong tuần này, bà Julia Gillards sẽ gặp Thủ tướng Nauru và Papua New Guinea tại Hội Nghị Nam Thái Bình Dương để đồng ý các chi tiết khác.

Trong vài tuần nay, thuyền nhân tầm trú tiếp tục đến vùng biển Úc Châu và hiện nay một số thuyền nhân này đang gây áp lực bằng hình thức đối kháng thụ động là ‘tuyệt thực’.

Ngoài ra, áp lực đối với chính phủ tiếp tục được thể hiện dưới nhiều hình thức. Trong chính giới, Đảng Xanh tiếp tục chỉ trích và Cánh Tả trong nội bộ chính phủ cũng không hài lòng với biện pháp mà trước đây bà Julia Gillard đã coi là ‘vô nhân đạo’.

Nhiều đoàn thể và tổ chức thiện nguyện, như Hội Đồng Tị Nạn Úc Châu, hoặc Hội Ân Xá Quốc Tế, cũng không ủng hộ chính phủ, vì họ đồng ý với Đảng Xanh là Australia chỉ nên theo đuổi chính sách cứu xét thuyền nhân tầm trú trên lãnh thổ Úc mà thôi.

Cựu thủ tướng Malcolm Fraser – người đã áp dụng biện pháp nhân đạo và định cư hàng trăm ngàn người Việt tị nạn hồi cuối thập niên 1970 và thập niên 1980, còn cho rằng chính sách của chính phủ cũng như của Liên đảng đối lập có tính cách kỳ thị chủng tộc, vì đa số thuyền nhân tầm trú đến từ Trung Đông.

Tuy nhiên, có lẽ sự dè dặt của đại diện Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc UNHCR tại thủ đô Canberra là điều mà chính phủ Julia Gillard không dự trù. Trước kia, khi Canberra và Kuala Lumpur loan báo Giải Pháp Malaysia, Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đã công khai lên tiếng ủng hộ, nhưng lần nầy thì UNHCR chỉ nói rằng họ sẽ giữ vai trò theo dõi mà thôi.

Cộng đồng Người Việt là cộng đồng tị nạn lớn nhất tại Australia hiện nay và công luận cũng quan tâm về phản ứng của người Việt trước làn sóng thuyền nhân mới trong đầu thế kỷ thứ 21.

Luật sư Lưu Tường Quang là một trong những người đã gửi đề nghị đến Ủy Ban Houston. Chúng tôi đã có một bài phỏng vấn ngắn với ông Quang.

Ông đánh giá thế nào về phúc trình của Ủy ban Houston?

Ông Lưu Tường Quang nói: Đây là một phúc trình thực tế nhằm giải tỏa bế tắc của chính giới tại Quốc Hội. Đây không phải là một phúc trình và đề nghị đặt trên nguyên tắc nhân đạo mà Úc đã có truyền thống tốt đẹp. Theo ý ông, Ủy Ban Houston đã đề nghị giải pháp của liên đảng đối lập để liên đảng không thể từ chối sự ủng hộ chính phủ và do đó, dự luật thiết lập Trung tâm cứu xét tại Nauru và Papua New Guinea, được biểu quyết thông qua. Ủy ban Houston đã thành công về phương diện này. Thế nhưng biện pháp mới có thể ngăn cản được làn sóng thuyền nhân hay không lại là một chuyện khác.”

Nhưng chính phủ nói rằng biện pháp mới này có điều khoản ‘trừng phạt’ cũng như điều khoản ‘khuyến khích’ thuyền nhân tầm trú. Vậy ông nghĩ thế nào về việc ‘thưởng phạt’này?

Ông Lưu Tường Quang nói: Điều khoản ‘trừng phạt’ là nếu thuyền nhân bị đưa đến Nauru hoặc Papua New Guinea mà được ban cấp tư cách tị nạn, thì họ vẫn phải chờ đợi một thời gian tương xứng với thời gian mà họ sẽ phải chờ đợi, nếu họ đã tiếp tục lưu lại tại Indonesia hay Malaysia, thay vì vượt biển đến Úc. Và biện pháp tưởng thưởng là nếu họ tiếp tục không vượt biên, thì họ có cư may được chấp thuận định cư tại Úc, vì chính phủ dự trù gia tăng nhân số tị nạn nhân đạo lên gấp đôi tức là từ 20 đến 25 ngàn người mỗi năm. Trên lý thuyết, điều này có thể vừa làm nản lòng thuyền nhân vừa khuyến khích họ chờ đợi, nhưng trên thực tế, hàng chục ngàn và có thể hàng trăm ngàn người đang chờ đợi nhiều năm tại Thái Lan, Mã Lai Á hoặc Indonesia, thì việc chờ đợi có thể kéo dài rất lâu, nên có thể người muốn vượt biên cũng sẽ lại ra đi.

Một cách vắn tắt, ông đã đề nghị giải pháp như thế nào?

Ông Quang cho biết giải pháp mà ông đề nghị đã được áp dụng thành công đối với thuyền nhân Việt nam, tức là giải pháp vừa cứu xét ở trại tị nạn bên ngoài lãnh thổ Úc Châu và – trong trường hợp thuyền nhân đến được vùng biển Úc Châu, thì họ không bị chuyển đến Nauru hoặc Papua New Guinea, mà sẽ được cứu xét tại chỗ – tức là vừa off-shore vừa on-shore processing. Lập luận của ông là trong thể chế dân chủ, nếu đa số dân chúng Úc ủng hộ việc cứu xét bên ngoài Úc Châu, thì chính phủ không thể không quan tâm. Trái lại, Úc là thành viên của Công Ước Liên Hiệp Quốc năm 1951 về người tị nạn, thì Úc có bổn phận phải tiếp nhận thuyền nhân tầm trú, vì chuyển họ đến Nauru hay Papua New Guinea là vi phạm quy luật gọi là non-refoulement, tức là cấm đoán việc gởi trả thuyền nhân về điểm phát xuất, của Công Ước này.

Ngọc Hân tường trình từ Sydney Australia.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG