Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Malaysia thăm TQ sau căng thẳng về chuyến bay MH370


Thủ tướng Malaysia Najib Razak (trái) và Thủ tướng Trung quốc Lý Khắc Cường tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, 29/5/14
Thủ tướng Malaysia Najib Razak (trái) và Thủ tướng Trung quốc Lý Khắc Cường tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, 29/5/14
Thủ tướng Malaysia đang có mặt tại Trung Quốc trong tuần này để hội đàm với các giới chức cấp cao nhất về việc Kuala Lumpur xử lý chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia bị mất tích.

Trong chuyến thăm 6 ngày của Thủ tướng Najib Razak, ông sẽ họp với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, nhưng sẽ không họp với thân nhân hành khách trên chuyến bay MH370.

Hai phần 3 trong số 239 hành khách trên chuyến bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh là người Hoa, và gia đình họ nói họ còn đang tìm cách đóng lại quá khứ sau gần 3 tháng máy bay bị mất tích.

Anh Steve Wang, có thân mẫu đi trên chuyến bay bị mất tích, nói rằng quyết định của ông Najib gây phẫn nộ cho nhiều thân nhân hành khách:

“Trong tư cách là một con người, máy bay là của Malaysia, bay đi từ Malaysia, thuộc về một công ty của Malaysia, tôi nghĩ họ phải nhận lãnh trách nhiệm.”

Năm nay lẽ ra là “Năm Hữu nghị Trung Quốc-Malaysia” và Malaysia đã phát động một chiến dịch quảng cáo để thu hút du khách Trung Quốc, là khối chiếm 12% số du khách đến Malaysia hàng năm.

Nhưng bang giao giữa 2 nước đã xấu hơn sau khi chuyến bay MH370 bị mất tích vào sớm ngày 8 tháng 3 năm nay. Các giới chức Malaysia mất nhiều ngày để công bố thông tin từ radar và vệ tinh về tung tích của máy bay, kéo chậm nỗ lực tìm kiếm.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc công khai khiển trách Malaysia về cách thức xử lý, và cho phép thân nhân biểu tình phản đối trước đại sứ quán Malaysia.

Mấy tháng sau, vẫn không có dấu hiệu giới hữu trách tiến gần hơn đến chỗ xác định vị trí chiếc máy bay. Tuần này, các phối hợp viên ở Australia nói sau khi tìm kiếm chiếc máy bay trong khu vực khoảng 85 kilomet vuông bằng cách sử dụng một tàu ngầm không người lái, họ đang mở rộng khu vực tìm kiếm ra tới 60 ngàn kilomet vuông.

Ông Joseph Cheng, một giáo sư môn khoa học chính trị tại trường Ðại học Thành phố Hong Kong, nói trong khi máy bay mất tích là một sự kiện gây lúng túng cho Malaysia và sẽ có ảnh hưởng ngắn hạn đến ngành du lịch, quan hệ giữa hai chính phủ vẫn vững mạnh. Ông nhận định:

“Malaysia rất phong phú về tài nguyên mà Trung Quốc thèm thuồng, và chắc chắn Trung Quốc nóng lòng muốn bành trướng giao thương với Malaysia và tăng cường đầu tư ở đó.”

Malaysia và Trung Quốc là hai đối tác lớn nhất của các thành viên Hiệp hội Quốc gia Ðông Nam Á, với kim ngạch hàng năm lên tới 106 tỷ đôla hồi năm ngoái.

Giáo sư Cheng nói chính sách xoay trục qua châu Á của Hoa Kỳ cung cấp thêm động lực để Trung Quốc củng cố quan hệ với lân quốc Ðông Nam Á này:

“Malaysia là một trong những nước thuộc khối ASEAN mà Trung Quốc rất muốn nuôi dưỡng, bởi vì giới lãnh đạo Malaysia có một số dè dặt về các giá trị tây phương và về việc tiến quá gần về phía Hoa Kỳ.”

Trong khi Malaysia và Trung Quốc đòi chủ quyền chồng chéo các vùng nước ở Biển Ðông, lời chỉ trích của Malaysia đối với Trung quốc về vấn đề đó tỏ ra là nhẹ nhàng. Hai nước cũng đã tăng cường quan hệ quân sự và mở các cuộc thao diễn quân sự chung trong năm ngoái.

Gấn 1/4 dân số Malaysia là người gốc Hoa và blogger Trung Quốc Michael Anti nói lời chỉ trích Malaysia từ phía những người sử dụng Internet về việc chuyến bay MH370 đã bị lấn lướt bởi các diễn biến khác trong mấy tháng vừa qua. Ông nói:

“So sánh thái độ của Trung Quốc với Việt Nam, với Philippines, với Nhật Bản, chúng ta có thể nói tình cảm ở Malaysia đã gần như trở lại mức bình thường.”

Năm 1974, Malaysia trở thành quốc gia Ðông Nam Á đầu tiên thiết lập bang giao với Trung Quốc. Tuần này, Thủ tướng Malaysia Razak sẽ hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường để đánh dấu kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG