Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Ðức hướng đến nhiệm kỳ thứ ba


Thủ tướng Đức Angela Merkel đứng trước tấm áp phích quảng cáo cho chiến dịch tranh cử
Thủ tướng Đức Angela Merkel đứng trước tấm áp phích quảng cáo cho chiến dịch tranh cử
Đức sẽ tổ chức bầu cử quốc hội vào Chủ nhật này trong bối cảnh Ðảng của Thủ tướng Angela Merkel đang giành thế thượng phong trong những cuộc thăm dò dư luận. Thông tín viên VOA Henry Ridgwell tường thuật rằng sự lạc quan về nền kinh tế dường như đang tạo thuận lợi cho bà, với vài vấn đề được nêu lên trong chiến dịch tranh cử.

Trong chiến dịch tranh cử, người ủng hộ Thủ tướng Angela Merkel cầm biểu ngữ chỉ với một từ "Angie" [tên của bà]. Lèo lái nước Ðức vượt qua cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu, Thủ tướng Merkel đã gây dựng được lực lượng người ủng hộ trung thành, và bà muốn thêm một nhiệm kỳ thứ ba tại vị.
Bà Merkel nói với những người ủng hộ:

“Chúng ta đã có 4 năm tốt đẹp, và chúng ta muốn thêm 4 năm nữa để vào năm 2017 có thể nói rằng có nhiều người sống tốt hơn so với hiện nay.”

Thành tích kinh tế của bà có phần chắc sẽ mang lại cho bà nhiệm kỳ thứ ba, ông Simon Tilford thuộc Trung tâm nghiên cứu Cải cách châu Âu ở London nói:

"Rất nhiều người Đức chỉ trích cách thức xử lý cuộc khủng hoảng của khu vực đồng euro cùng lúc sẽ ghi công bà Merkel đã hạn chế thiệt hại đối với nước Đức."

Các cuộc thăm dò cho thấy đảng Dân chủ Thiên chúa giáo của bà Merkel chỉ cần thêm chút nữa là giành được sự ủng hộ ở thế đa số tuyệt đối. Đối tác liên minh hiện tại của họ, đảng Dân chủ Tự do, chắc chắn sẽ mất ghế.

Vì vậy đảng Dân chủ Xã hội - hiện đang đứng thứ hai - có thể gia nhập liên minh lớn gồm hai cánh tả hữu của Thủ tướng Merkel. Hoặc, nếu giành đủ số ghế, đảng Dân chủ Xã hội có thể gia nhập liên minh với đảng Xanh, và đẩy bà Angela Merkel khỏi ghế thủ tướng.

Dù là chính phủ nào đi chăng nữa, chính sách của Đức đối với cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu là không thay đổi, ông Simon Tilford nói:

"Chẳng có đảng phái chính trị nào ở Đức ủng hộ những giải pháp cho cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro mà chính phủ các nước nam Âu muốn thấy cả, chính phủ các nước Mỹ và Anh cũng không muốn thấy. Không có đảng nào ở Ðức ủng hộ một liên minh tài chính."

Ở nam Âu, và đặc biệt là Hy Lạp, Đức tiếp tục bị phỉ báng là nước đã ép EU phải thắt lưng buộc bụng. Nhiều người Hy Lạp chỉ đích danh bà Angela Merkel. Ông Stratos Franzis, một người Hy Lạp thất nghiệp nói:

“Đối với người Hy Lạp, những chính sách của bà Merkel là tiêu cực và không thể chịu được.

Luật sư người Hy Lạp Hera Arhountaki tán đồng ý kiến. Bà nói:

“Dù gì thì Ðức cũng chỉ lo cho lợi ích của họ chứ không phải của Hy Lạp.”

EU đã hoãn đưa ra nhiều quyết định khó khăn cho đến sau cuộc bầu cử Đức, giáo sư Michael Wohlgemuth, giám đốc viện nghiên cứu Châu Âu Mở ở Berlin nhận định:

"Không chỉ Hy Lạp mà còn có vấn đề liên minh ngân hàng. Ðó là vấn đề mà EU cần nhanh chóng đưa ra một số quyết định cho một cơ chế giám sát duy nhất, và làm thế nào để tái cơ cấu lại nhiều ngân hàng đã cạn vốn vẫn còn thoi thóp ở Đức và Pháp."

Trong khi các nước EU như Anh và Pháp đang đi đầu trong chính sách ngoại giao của phương Tây đối với Syria, những vấn đề chính sách đối ngoại gần như chẳng có vai trò gì trong bầu cử của Đức, ông Simon Tilford nhận định:

"Chủ nghĩa hòa bình của Đức và sự miễn cưỡng tham gia trên trường quốc tế, miễn cưỡng tư duy chiến lược những vấn đề chính sách đối ngoại, trong thực tế lại đang mạnh lên."

Nhiều nhà phân tích cho rằng sự lạc quan về nền kinh tế là nguồn gốc của việc người Đức sẵn lòng gắn bó với hiện trạng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG