Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Anh muốn tham gia các cuộc không kích của Mỹ


Thủ tướng Anh David Cameron.
Thủ tướng Anh David Cameron.

Thủ tướng Anh David Cameron đã kêu gọi các nhà lập pháp ủng hộ các cuộc không kích nhắm vào các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo ở Syria, vì cho rằng việc này sẽ giúp cho đất nước an toàn hơn. Ông nói những vụ tấn công ở Paris phải có tác dụng như một lời kêu gọi hành động. Nhưng các nhà phân tích đã cảnh báo rằng chiến dịch không kích sẽ không đánh bại được nhóm khủng bố này hoặc ngăn chặn được các vụ tấn công theo kiểu Nhà nước Hồi giáo ở châu Âu.

Chiến đấu cơ của Anh đã tiến hành các cuộc không kích nhắm vào các mục tiêu Nhà nước Hồi giáo ở Iraq. Thủ tướng Cameron nói với các nhà lập pháp Anh rằng chiến dịch đó phải được mở rộng qua trung tâm hoạt động của nhóm này ở Syria.

Ông Cameron nói: “Chúng ta đang đối mặt với một hiểm họa cơ bản đối với an ninh của chúng ta. Chúng ta không thể chờ đợi một cuộc chuyển tiếp chính trị, chúng ta phải đánh ngay vào lòng các phần tử khủng bố ngay bây giờ.”

Tấn công Nhà nước Hồi giáo từ không phận Syria có thể giảm thiểu nguy cơ – nhưng sẽ không làm cho phương Tây an toàn trước những vụ tấn công như đã xảy ra ở Paris, theo nhận định của các chuyên gia, như ông Michael Stephens thuộc Viên Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia:

“Điều chúng ta cần phải thận trọng ở đây là nhấn mạnh quá đáng đến sự kiểm soát mà Nhà nước Hồi giáo đang nắm đối với những vụ tấn công xảy ra ở châu Âu, hoặc thậm chí ở bán đảo Sinai. Tôi nghĩ có một vài bằng chứng cho thấy những vụ đó mang tính hơi riêng rẽ - và đó là một vấn đề hoàn toàn khác. Đó là một vấn đề an ninh nội địa.”

Các nhà phân tích cũng cho rằng các cuộc không kích sẽ không đánh bại được Nhà nước Hồi giáo.

Sau đây là ý kiến của ông Sajjan Gohel thuộc Quỹ Châu Á Thái Bình Dương: “Chúng không gây thiệt hại cho hạ tầng cơ sở của nhóm này. Cần phải có nhiều biện pháp hơn để triệt hạ ISIS ngay trên bộ."

Thủ tướng Cameron đang tìm cách thành lập một liên minh rộng lớn chống lại Nhà nước Hồi giáo – nhưng ông loại trừ việc điều động quân đội Anh ngay trên bộ. Chuyên gia Michael Stephens nói:

“Tôi nghĩ đây đã từng là một vấn đề kể từ năm 2013, là tìm ra lực lượng đầy đủ, cả ở Iraq và Syria có thể đối đầu với Nhà nước Hồi giáo và sau đó là chiếm lại và giữ vững những phần đất ấy. Và ngoài người Kurds ra, thì đó vẫn là một thách thức.”

Chiến đấu cơ Anh sẽ làm tăng thêm sự tham gia ngày càng nhiều của các quốc gia đang hoạt động chống IS trên không phận Syria – trong đó có không lực Syria, các máy bay của liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo và phản lực cơ chiến đấu của Nga.

Hôm qua,Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ sự ủng hộ dành cho việc phối hợp các hoạt động đó: “Chúng tôi hy vọng rằng một liên minh chống khủng bố quốc tế thực sự rộng lớn sẽ được thành lập và sẽ trở thành một lực lượng thống nhất phối hợp tốt.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiếc phản lực Nga hôm thứ ba gây khó khăn cho bất kỳ liên minh nào giữa Tây phương và Nga. Hai bên cũng bất đồng về số phận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad – người mà Moscow và các đồng minh Iran muốn giữ lại để nắm quyền. Sau đây là ý kiến của ông Michael Stephens của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng giá: “Hoạt động quân sự với Nga không ngăn được thực tế là chúng ta có những mối bất đồng với người Nga về ông Bashar al-Assad. Và những bất đồng đó cần phải được tôn trọng và thương thảo để vượt qua.”

Các nhà lập pháp Anh sẽ có cơ hội biểu quyết về việc mở rộng các cuộc không kích qua Syria, nhưng chỉ khi nào chính phủ chắc chắn là dự luật không bị đánh bại. Đảng đối lập chính là đảng Lao Động chưa công bố các ý định trong việc biểu quyết.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG