Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Ấn Độ hứa bảo vệ di dân đến từ vùng đông bắc


Những người dân đến từ vùng đông bắc Ấn Độ, nằm nghỉ tại một sân ga ở thành phố Chennai, miền nam Ấn Độ trong khi chờ xe lửa để về quê, 17/8/12
Những người dân đến từ vùng đông bắc Ấn Độ, nằm nghỉ tại một sân ga ở thành phố Chennai, miền nam Ấn Độ trong khi chờ xe lửa để về quê, 17/8/12
Thủ tướng Ấn Độ hứa bảo vệ an toàn cho hàng vạn người di dân từ vùng đông bắc hiện đang tháo chạy ra khỏi các thành phố ở miền nam và miền trung. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Anjana Parischa ở New Dehli, làn sóng tản cư bùng ra bởi những tin đồn về những vụ tấn công trả đũa của người Hồi giáo tiếp theo sau vụ rối loạn sắc tộc tại tiểu bang Assam ở vùng đông bắc và ở nước láng giềng Miến Điện.

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh hôm nay phát biểu tại quốc hội rằng bạo động sắc tộc mới đây ở tiểu bang Assam không thể bị lợi dụng để tạo ra một môi trường thiếu an ninh cho các di dân từ vùng đông bắc. Ông nói:

"Điều quan hệ ở đây là sự đoàn kết và hợp nhất của đất nước chúng ta. Điều quan hệ ở đây là sự hài hòa giữa các cộng đồng và mọi người chúng ta, bất kể là thuộc phe nào, ai nấy cũng có một nghĩa vụ thiêng liêng là bắt tay nhau để tạo ra một bầu không khí trong đó việc loan truyền những tin đồn thất thiệt như vậy sẽ chấm dứt và người dân của các tiểu bang đông bắc thật sự cảm thấy là họ được hoan nghênh ở mọi nơi trên đất nước chúng ta."

Nhà lãnh đạo Ấn Độ đã kêu gọi như vậy trong lúc công nhân và sinh viên đến từ vùng đông bắc tràn ngập các nhà ga xe lửa ở các thành phố trên khắp miền nam và miền tây để lên đường về quê.

Vụ tản cư ồ ạt này bắt đầu hôm thứ Năm tại Bangalore, trung tâm công nghệ ở miền nam. Đến ngày thứ 6 tình trạng này lan ra các thành phố khác như Mumbai và Pune ở miền tây và Hyderabad ở miền nam.

Các giới chức nói rằng sự hoảng loạn được tạo ra bởi những tin đồn loan truyền qua tin nhắn và các trang mạng xã hội về những vụ tấn công báo thù của người Hồi giáo nhắm vào những người di dân từ miền đông bắc.

Tin đồn được truyền đi sau khi hai người bị giết hại trong một cuộc biểu tình do người Hồi giáo dẫn đầu ở Mumbai hồi tuần trước.

Những người Hồi giáo tức giận vì những vụ đụng độ bùng ra 3 tuần trước giữa người Hồi giáo định cư và người Bodo bản xứ ở tiểu bang Assam.

Khoảng 75 người thiệt mạng và hàng ngàn người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Những vụ đụng độ đã lắng dịu, nhưng căng thẳng vẫn còn âm ỉ.

Bạo động hồi tháng 6 ở miền tây Miến Điện giữa người theo đạo Phật và người Hồi giáo cũng làm cho sự tức giận của người Hồi giáo Ấn Độ tăng cao.

Tại các thành phố bị ảnh hưởng ở Ấn Độ, các giới chức chính phủ đã trấn an cộng đồng người đông bắc là họ sẽ được an toàn. Trong đêm vừa qua chính phủ đã cấm việc gởi tin nhắn với khối lượng lớn để tìm cách giảm bớt sự đồn đãi. Cảnh sát cũng tăng cường hoạt động tuần tiễu. Nhưng sự hoảng sợ vẫn tiếp tục.

Ông Raju Kumar nằm trong đoàn người di dân đông bắc ở Mumbai đang đợi tại một nhà ga xe lửa để về quê.

Ông Kumar nói rằng khi ông ra đường vào ban đêm những người Hồi giáo dọa cắt ông thành từng mảnh. Ông cho biết ông cảm thấy sợ hãi.

Hàng vạn người ở Assam, một tiểu bang nghèo và kém phát triển, đang làm việc ở những tiểu bang khác.

Các đảng đối lập đã cùng với Thủ tướng Manmohan Singh lên tiếng tại quốc hội để kêu gọi mọi người bình tĩnh. Ông Arun Jaitley là một lãnh tụ cấp cao của đảng Bharatiya Janata của người Ấn giáo.

Sự có mặt của họ tại nhiều khu vực khác nhau trên đất nước này quả thật đã góp phần thúc đẩy tình đoàn kết và sự toàn vẹn quốc gia. Và chính vì thế mà một tình huống như thế này, một tình huống mà tâm lý sợ hãi làm cho họ phải trở về tiểu bang nhà của mình trong sự hoảng loạn, là một sự thử thách mà tất cả chúng ta phải đối mặt.

Tiểu bang Assam lâu nay vẫn là điểm nóng của bạo động giữa các cộng đồng dân bản xứ và người Hồi giáo đến định cư từ Bangladesh. Bạo động sắc tộc và tôn giáo thường xảy ra ở Ấn Độ, nhưng rối loạn ở đông bắc hiếm khi lan ra tới những khu vực khác.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG