Đường dẫn truy cập

Thổ Nhĩ Kỳ cầu viện Nga giữa lúc bạo động leo thang ở Syria


Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bắt tay sau cuộc hội đàm tại điện Kremlin ở Moscow, ngày 18/7/2012
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bắt tay sau cuộc hội đàm tại điện Kremlin ở Moscow, ngày 18/7/2012
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tới Moscow ngày hôm nay để hội đàm về cuộc khủng hoảng đang leo thang ở Syria, trong lúc một vụ nổ bom đã giết chết một vài thành viên thân cận của Tổng thống Bashar al-Assad trong một cuộc họp an ninh ở Damascus. Theo tường thuật của thông tín viên đài VOA Henry Ridgwell từ Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại sẽ bị lôi cuốn nhiều hơn vào cuộc xung đột ngay gần khu vực biên giới nước họ.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã tới Moscow ngày hôm qua ngay giữa lúc cuộc khủng hoảng ở Syria đã bước sang một thời kỳ bạo động mới.

Giao tranh diễn ra khắp Damascus sau một vụ nổ bom nhắm vào tòa nhà của cơ quan An ninh Quốc gia giết chết và làm bị thương các thành viên thân cận với Tổng thống Assad.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ủng hộ đồng minh Syria của mình suốt thời gian xảy ra vụ khủng hoảng, ngăn chặn các nghị quyết do phương Tây hậu thuẫn tại Liên Hiệp Quốc trong đó lên án chính phủ Syria.

Cuộc xung đột bùng ra gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Hôm qua, các cột khói đã bốc cao chỉ cách Thổ Nhĩ Kỳ vài cây số ở bên trong lãnh thổ Syria. Ankara đã tăng cường lực lượng ở khu vực biên giới sau khi một trong số các chiến đấu cơ của họ bị lực lượng Syria bắn hạ hồi tháng Sáu.

Hồi đầu tháng này, Thủ tướng Erdogan đã dự tang lễ của một trong số các phi công bị thiệt mạng.

Từng là một cựu đồng minh của Syria, nhưng hiện ông là một trong những người lớn tiếng chỉ trích Syria nhất – ông gọi vụ bạo lực là “những dấu chân cuối cùng của một chế độ đang trên đường thoái lui.”

Người phát ngôn bộ ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Selcuk Unal đang hối thúc quốc tế hợp tác để ngăn chặn vụ bạo động.

Ông Unal cho biết: “Trong trường hợp của Syria, mỗi nước có một chính sách riêng và vẫn có một cuộc tranh luận mạnh mẽ và dai dẳng đang tiếp diễn. Tôi nghĩ rằng tất cả mọi nước nên được khích lệ để ngăn chặn vụ đổ máu ở Syria.”

Ông Unal nói rằng kế hoạch hòa bình của đặc sứ Liên Hiệp Quốc Kofi Annan đã đạt được rất ít tiến bộ.

Cộng đồng quốc tế nên hành động nhiều hơn để tăng cường áp lực chính trị lên chính quyền Syria. Bằng cách đó, chúng ta đã hỗ trợ, chúng ta ủng hộ nỗ lực của ông Annan, nhưng tất nhiên hành động này cũng phải đem lại một điều gì đó cụ thể.”

Phương Tây đã cực lực chỉ trích Nga và Trung Quốc vì đã ngăn chặn nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về Syria. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đang chơi một trò ngoại giao thận trọng hơn khi hai nước này là những đối tác thương mại quan trọng của nhau.

Sau vụ đánh bom ở Damascus, ông Kofi Annan đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trì hoãn cuộc biểu quyết về một nghị quyết mới đối với Syria. Lập trường của Nga được cho là vô cùng quan trọng.

Các phân tích gia nói rằng mặc dù vụ tấn công mới nhất này gia tăng áp lực lên 5 thành viên thường trực của Hội đồng để họ phải tìm ra một giải pháp nhằm chấm dứt vụ bạo động, nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy họ có thể vượt qua được sự khác biệt của mình.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG