Đường dẫn truy cập

Thổ Nhĩ Kỳ bị tố cáo đàn áp giới học thuật


Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã lên tiếng hô hào cho việc nới rộng định nghĩa của chủ nghĩa khủng bố để bao gồm các nhà báo và những người trong giới học thuật, sau khi xảy ra vụ nổ bom tự sát ở thủ đô Ankara hôm Chủ nhật. Trong khi đó, ba vị giáo sư đại học đã bị bắt hôm thứ Hai vừa qua về tội gọi là “tuyên truyền cho khủng bố”. Thông tín viên Dorian Jones của đài VOA tại Istanbul gửi về bài tường thuật.

Những người trong giới học thuật Thổ Nhĩ Kỳ đã biểu tình bên ngoài tòa án Istanbul để bày tỏ sự ủng hộ cho 3 đồng nghiệp của họ bị bắt hôm thứ Hai.

Ba người đó đang đối mặt với cáo trạng tuyên truyền cho khủng bố vì đã ký một thỉnh nguyện thư để kêu gọi chính phủ chấm dứt những hành động quân sự chống lại nhóm PKK trong vùng đông nam, nơi đa số cư dân là người sắc tộc Kurd, và thực hiện lại cuộc đàm phán hòa bình.

Trong số những người đối mặt với án tù ba năm, nếu bị kết án, là nữ giáo sư Esra Mungan, một trong những người phát động phong trào ký thỉnh nguyện thư.

Giáo sư Faruk Birtek, một trong những người ủng hộ bà Mungan, phát biểu như sau.

"Tôi tin vào tự do học thuật và tôi sẽ tranh đấu cho quyền này suốt cả đời tôi. Nếu không có tự do này, thì sẽ không có tiến bộ, không có tự do, không có văn minh. Chính phủ hiện nay muốn đàn áp tự do học thuật, tự do diễn đạt, liên quan tới vấn đề hiện nay ở Thổ Nhĩ Kỳ là hòa bình hay không hòa bình. Trước đây tôi chưa hề nhìn thấy điều gì giống như điều đang xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay. Trước đây Thổ Nhĩ Kỳ không có như vậy. Đây là lần đầu tiên".

Bà Mungan cùng với hai đồng nghiệp của bà bị bắt và bị tống giam hôm thứ Hai, một ngày sau khi xảy ra vụ nổ bom tự sát ở Ankara mà chính phủ nói là do nhóm PKK thực hiện.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã tố cáo những nhà học thuật ký vào thỉnh nguyện thư đó là những phần tử khủng bố. Hôm thứ Hai, ông kêu gọi nới rộng định nghĩa về khủng bố để bao gồm những người mà ông cho là tòng phạm.

"Những chức danh như đại biểu quốc hội, học giả, tác giả hay nhà báo không làm thay đổi sự thật là những người này là những phần tử khủng bố. Bọn khủng bố thành công chính là nhờ vào những người ủng hộ và những kẻ đồng lõa như vậy".

Hiện trường vụ nổ bom tự sát ở thủ đô Ankara hôm 13/3/2016.
Hiện trường vụ nổ bom tự sát ở thủ đô Ankara hôm 13/3/2016.

Các nhà quan sát nói phát biểu của ông Erdogan nhắm vào những người trong giới học thuật ký vào thỉnh nguyện thư và những đại biểu quốc hội thuộc đảng chính trị thân người Kurd. Họ cũng cho biết ông Erdogan đang tìm cách để thu hồi quyền đặc miễn của các đại biểu quốc hội.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng gởi đi một thông điệp tới các nước đồng minh Tây phương.

"Một số nhóm, ở trong nước và ở nước ngoài, đang đứng trước ngã ba đường. Hoặc là họ về phe chúng ta, hoặc là họ về phe khủng bố. Không có con đường nào ở giữa".

Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu châu đã chỉ trích việc Thổ Nhĩ Kỳ truy tố các vị giáo sư.

Một nữ sinh viên đến tòa án để bày tỏ ủng hộ cho giáo sư của cô cho biết cô nghĩ rằng việc truy tố những người này là một xu thế rất đáng lo ngại.

"Đó là một bản tuyên ngôn hòa bình. Họ ký thỉnh nguyện thư đó cho hòa bình của Thổ Nhĩ Kỳ. Thế mà bây giờ họ bị đưa ra tòa. Chúng tôi rất buồn về việc này, bởi vì ở Thổ Nhĩ Kỳ việc này đang xảy ra hàng ngày và người dân không ngừng bị bắt giam. Chúng tôi hy vọng bà Mungan sẽ được trả tự do".

Các nhà quan sát cảnh báo rằng vì công tố viên đang yêu cầu tòa án tuyên án tù cho ba vị giáo sư và vì có sự hậu thuẫn của Tổng thống Erdogan đối với quyết định truy tố, cho nên rất có thể ba bị cáo này rốt cuộc sẽ phải ngồi tù.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG