Đường dẫn truy cập

Thế giới theo dõi sát vụ khủng hoảng ngân sách ở Mỹ


Người biểu tình kêu gọi Chủ tịch Hạ viện John Boehner thông qua dự luật chi tiêu trước Trụ sở Quốc Hội ở Washington.
Người biểu tình kêu gọi Chủ tịch Hạ viện John Boehner thông qua dự luật chi tiêu trước Trụ sở Quốc Hội ở Washington.

Giới hạn trần nợ của Mỹ

Giới hạn trần nợ của Mỹ

- Là tổng số tiền mà chính phủ Mỹ có thể vay mượn để làm tròn các nghĩa vụ pháp lý hiện thời.
- Những nghĩa vụ này gồm An sinh xã hội, chương trình bảo hiểm xã hội Medicare, tiền lương quân đội, lãi suất nợ quốc gia, tiền thuế hoàn lại.
- Nâng giới hạn trần nợ không cho phép những khoản cam kết chi tiêu mới.
- Không nâng giới hạn trần nợ sẽ khiến chính phủ mất khả năng thực hiện nghĩa vụ pháp lý
-Từ năm 1960, Quốc hội đã nâng giới hạn trần nợ 78 lần.

Nguồn: Bộ Tài chính Mỹ
Trong lúc vụ khủng hoảng ngân sách ở Mỹ bước sang tuần lễ thứ nhì, nhiều người e rằng vụ đối đầu giữa phe Cộng hòa và phe Dân chủ ở Quốc hội có thể làm cho nước Mỹ không thể chu toàn các nghĩa vụ tài chánh, làm cho kinh tế Mỹ và thế giới bị khốn đốn. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết qua bài tường thuật của thông tín viên đài VOA Zlatica Hoke.

Lãnh tụ phe Cộng hòa ở Hạ viện Mỹ cho biết ông có thể để cho nước Mỹ bị vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử nếu Tổng thống Barack Obama không tán đồng một thỏa hiệp về vấn đề chi tiêu của chính phủ liên bang. Hoa Kỳ phải nâng mức trần nợ trước ngày 17 tháng 10 để có thể trả khoản nợ mà chính phủ đã tích lũy.

Tổng thống Obama, thuộc đảng Dân chủ, nói rằng ông sẵn sàng thương lượng với phe Cộng hòa về bất kỳ vấn đề nào, nhưng ông không điều đình trong lúc bị đe dọa như vậy.

"Chúng tôi sẽ không thương lượng dưới mối đe dọa của sự tổn hại thêm nữa đối với nền kinh tế và các gia đình trung lưu của chúng ta. Chúng tôi sẽ không thương lượng dưới sự đe dọa của một vụ đóng cửa kéo dài cho tới khi nào phe Cộng hòa có được 100% những gì họ muốn có. Chúng tôi sẽ không thương lượng dưới sự đe dọa của thảm họa kinh tế mà các kinh tế gia và các viên tổng giám đốc cảnh báo là sẽ xảy ra nếu quốc hội muốn để cho nước Mỹ lầm vào tình trạng không thể chu toàn các nghĩa vụ tài chánh của mình."

Các nhà phân tích cảnh báo rằng một vụ đóng cửa kéo dài có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ. Nhưng họ nói rằng việc Hoa Kỳ vỡ nợ sẽ có những hậu quả tai hại hơn nhiều.

Ông Klaus Larres, giáo sư môn quan hệ quốc tế của Đại học North Carolina, nói rằng sẽ có những hậu quả vô cùng tai hại đối với thế giới đang chật vật hồi phục sau một vụ khủng hoảng tài chánh qui mô lớn.

"Tôi nghĩ rằng vụ Đại Suy thoái sẽ quay lại với cường độ lớn hơn nhiều, và chúng ta sẽ phải đương đầu với những khó khăn nghiêm trọng về kinh tế và tài chánh. Vì vậy tôi chỉ có thể cảnh cáo là vấn đề mức trần nợ không nên để cho bị trộn lẫn với vụ chính phủ đóng cửa."

Giáo sư Larres cho rằng việc nước Mỹ vỡ nợ sẽ có những tác động tức thời trên khắp thế giới. Ông nói rằng nó có thể phương hại tới vị trí chỉ tệ dự trữ toàn cầu của đồng đô la Mỹ và thậm chí còn ảnh hưởng tới vai trò của nền kinh tế mạnh nhất thế giới của nước Mỹ.

"Một nước lớn như nước Mỹ, với vị thế của một siêu cường hàng đầu, mà bị vỡ nợ vì lý do kỹ thuật là một việc chưa từng xảy ra, bởi vì nước Mỹ vẫn là một nước rất giàu, vẫn có rất nhiều tiền của."

Nhưng các nền kinh tế khác cũng có thể bị ảnh hưởng. Trung Quốc cảm thấy lo ngại về khoản tiền hơn 1.000 tỉ đô la mà họ đầu tư ở Mỹ và đang hối thúc Hoa Kỳ nâng mức trần nợ.

Giáo sư Larres nói rằng nhiều người trên thế giới cảm thấy khó hiểu về vụ khủng hoảng này của nước Mỹ, đặc biệt là những người sinh sống ở những nước có chính phủ độc tài, như Trung Quốc và một số quốc gia khác ở vùng Đông Á.

"Mức trần nợ là gì? Tại sao chính phủ cần phải nâng mức trần nợ? Đó là những câu hỏi mà nhiều người đang đặt ra, bởi vì ngoài Hoa Kỳ và Đan Mạch, không có chính phủ của bất kỳ nước nào trên thế giới cần phải nâng mức trần nợ. Vì thế cho nên, không mấy ai thật sự hiểu được điều đó."

Giáo sư Larres cho biết những ảnh hưởng của vụ chính phủ đóng cửa vẫn còn tương đối ít, và nếu có một giải pháp kịp thời, tình hình có thể được chỉnh đốn một cách nhanh chóng. Nhưng ông nói rằng một vụ bế tắc kéo dài và một vụ khủng hoảng nghiêm trọng hơn có thể làm lung lay vị thế lãnh đạo chính trị và kinh tế của nước Mỹ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG