Đường dẫn truy cập

Tàu di dân lớn cập bến Hy Lạp vào lúc chính sách tỵ nạn của EU bị chỉ trích


Một em bé được đưa lên từ chiếc tàu chở di dân bị hư, cập bến cảng Lerapetra, Hy Lạp, 27/11/14
Một em bé được đưa lên từ chiếc tàu chở di dân bị hư, cập bến cảng Lerapetra, Hy Lạp, 27/11/14

Một chiếc tàu chở 700 dân di trú đã được kéo vào một cảng ở Hy Lạp. Đây là số đông người nhất đến trên cùng một chuyến tàu trong lịch sử gần đây. Chiếc tàu đến nơi chỉ vài ngày sau khi chính sách về di trú và tỵ nạn của Liên hiệp Âu châu bị Đức giáo hoàng Francisco chỉ trích gay gắt. Thông tín viên VOA Henry Ridgwell tường thuật từ London.

Chiếc tàu chở hàng ‘Baris’ được kéo vào cảng Lerapetra trên đảo Crete của Hy Lạp hôm thứ năm. Chiếc tàu bị mất điện trong những cơn gió có sức bão và được hải quân Hy Lạp cứu.

Trên tàu, có khoảng 700 người di trú; kiệt sức, sợ hãi, nhưng an toàn. Họ đang được đưa tới ở tạm trong một sân vận động bóng rổ trong khi tình trạng tỵ nạn của họ được đánh giá. Một giới chức y tế của Hy Lạp nói nhiều người là người Syria trốn chạy cuộc nội chiến:

“Có 2 nhóm di dân. Theo các hướng dẫn của Liên Hiệp Quốc, những người Syria sẽ được thả sau khi được kiểm chứng, vì họ được coi là người tỵ nạn.”

Hy Lạp nằm trên tuyến đầu của luồng người di trú. Theo các quy định của Liên hiệp Âu châu, người di trú phải ở lại nước mà họ đến đầu tiên cho đến khi đơn xin tỵ nạn của họ được cứu xét.

Tại thủ đô Athens, khoảng 150 người Syria di trú bắt đầu một cuộc tuyệt thức bên ngoài toà nhà quốc hội hôm Thứ hai. Đa số đã phải nộp khoảng 5 ngàn đôla cho những kẻ đưa người bất hợp pháp đến châu Âu – và họ không còn gì trong tay.

Anh Ammar, 20 tuổi, cho biết anh chạy trốn khỏi Aleppo ở Syria, sau khi cha anh bị giết và người anh bị bỏ tù:

“Chúng tôi không có giấy tờ hợp lệ, chúng tôi không thuê được nhà, không làm gì được cả, vì thế chúng tôi phải giao dịch với bọn mafia, và phải nộp ít nhất là 100 euro mỗi người để được 1 cái giường trong 1 tháng.”

Nằm giữa Tối cao Pháp viện và trụ sở cảnh sát Athens, toà nhà này chứa những người Hy Lạp tỵ nạn chạy trốn khỏi Thổ Nhĩ Kỳ sau Thế chiến thứ hai. 85 năm sau, những khu nhà xập xệ vẫn còn chứa những người chạy trốn đến châu Âu để mưu tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn – chủ yếu từ Syria, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Afghanistan.

Một người di trú từ Afghanistan nói:

“Nước tôi đang lâm vào một cuộc chiến đẫm máu với Taliban, đó là vấn đề. Tất cả người dân đều bị Taliban giết hại.”

Trong khi những vụ xung đột như ở Afghanistan và Syria tiếp tục, người tỵ nạn sẽ tiếp tục đến - và châu Âu phải đối phó với luồng người đổ vào, theo nhận định của ông Andrej Mahecic của Cao Uỷ Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc:

“Bảo đảm rằng trước tiên không phải mọi người chỉ được cứu, mà còn được tiếp đón đúng cách, các cơ sở tiếp nhận được cải thiện. Điều cũng quan trọng là hiểu rõ rằng đây là trách nhiệm không phải chỉ của quốc gia nơi những người này đặt chân lên và cần phải có một nỗ lực được phối hợp tốt hơn.”

Đức giáo hoàng Francisco cũng đưa ra quan điểm tương tự hôm thứ ba. Ngài chỉ trích cách đáp ứng của châu Âu đối với cuộc khủng hoảng dân di trú trong một bài phát biểu trước Nghị viên Âu châu ở Strasbourg bên Pháp:

“Sự thiếu vắng hỗ trợ chung bên trong Liên hiệp châu Âu có nguy cơ khích lệ những giải pháp đặc thù cho vấn đề, những giải pháp không tính tới nhân phẩm của người di trú, và vì thế góp phần vào nạn lao động nô lệ và căng thẳng xã hội liên tục.”

Cường độ các nhận định của Đức giáo hoàng gây bất ngờ cho nhiều nhà lập pháp EU – và cộng thêm vào lời đồng thanh yêu cầu ngày càng tăng đòi cải cách chính sách di trú của châu Âu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG