Đường dẫn truy cập

Tân Tổng Thư ký ASEAN kêu gọi đàm phán về Biển Đông


Tân Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh.
Tân Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh.
Tân Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á hô hào cho việc đạt được tiến bộ cho một bộ qui tắc hành xử ở Biển Nam Trung Hoa mà Việt Nam gọi là Biển Đông. Theo tường thuật do thông tín viên Sara Schohardt của đài VOA gởi về từ Jakarta, nhà lãnh đạo ASEAN cũng thừa nhận những thách thức chính trị và kinh tế mà các nước Đông Nam Á này phải đối mặt trong lúc tăng cường sự hội nhập khu vực.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, tức ASEAN, hôm nay chào mừng tân Tổng thư ký Lê Lương Minh trong lúc tổ chức khu vực này đối mặt với một số những thách thức lớn nhất kể từ khi được thành lập cách nay 46 năm.

Đứng trước những diễn tiến phức tạp ở Biển Ðông, ASEAN nên tăng cường các nỗ lực để nhanh chóng tiến hành các cuộc thương lượng với Trung Quốc với mục tiêu sớm có kết luận về bộ qui tắc hành xử ở Biển Ðông...
Tổng thư ký ASEN Lê Lương Minh.
Những thách thức này bao gồm sự trì trệ của kinh tế toàn cầu, sự gia tăng của thiên tai và những mối đe dọa an ninh có thể gây tổn hại cho hòa bình và ổn định của khu vực. Một thách đố rất quan trọng là tìm kiếm một giải pháp cho những vụ tranh chấp ở Biển Đông, nơi một số thành viên ASEAN và Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền.

Những mối căng thẳng đã bao phủ hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Campuchia hồi năm ngoái, với việc các nhà lãnh đạo không đạt được một thỏa thuận về vấn đề Biển Đông. Tình trạng bế tắc đó đã nêu bật sự chia rẽ giữa 10 nước hội viên và làm một số người lo ngại về sự thiếu gắn bó của tổ chức khu vực này.

Trong diễn văn ngày hôm nay ông Lê Lương Minh đã nhấn mạnh tới việc tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề Biển Đông.

Ông Minh nói: "Đứng trước những diễn tiến phức tạp ở Biển Ðông, ASEAN nên tăng cường các nỗ lực để nhanh chóng tiến hành các cuộc thương lượng với Trung Quốc với mục tiêu sớm có kết luận về bộ qui tắc hành xử ở Biển Ðông."

Ông Lê Lương Minh là cựu Thứ trưởng Ngoại giao của Việt Nam, một trong 4 nước ASEAN có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Ba nước kia là Philippines, Malaysia và Brunei.

Các nhà phân tích cho rằng ông Minh cần duy trì sự trung lập vì là người Việt Nam. Ngoại trưởng Indonesia, Marty Natalegawa cũng đã nói tới việc cần giữ thái độ trung lập. Ông nói thêm rằng đoàn kết là chìa khóa của an ninh khu vực.

Ông Natlegawa nói: "Chúng ta phải tiếp tục đứng ở tuyến đầu của một cơ cấu khu vực thúc đẩy cho hòa bình và ổn định của Á châu Thái bình dương, để khu vực này né tránh bạo động và xung đột. Chúng ta cần thúc đẩy cho việc giải quyết tranh chấp bằng đường lối hòa bình, thúc đẩy cho sự hợp tác và cho một quan niệm là hòa bình và an ninh chính là những yếu tố thiết yếu của mọi nước, cần được chia sẻ và bảo vệ vì lợi ích của tất cả các nước."

Ông Lê Lương Minh lên thay cho ông Surin Pitsuwan, là cựu ngoại trưởng Thái Lan và là người từng lèo lái ASEAN vượt qua vụ xung đột biên giới giữa Thái Lan với Campuchia, sự thay đổi chế độ ở Miến Điện và những thiên tai kinh hoàng trên khắp khu vực.

Bên cạnh việc xây dựng hòa bình và an ninh bên trong ASEAN, ông Lê Lương Minh nói rằng một ưu tiên khác sẽ là bảo đảm cho mọi nước thành viên chuẩn bị sẵn sàng cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN bắt đầu vào năm 2015.

Cộng đồng kinh tế này có mục đích làm cho ASEAN hội nhập thêm nữa thông qua tự do hóa thương mại và đầu tư, tương tự như Liên hiệp Âu châu. Tuy nhiên, nhiều người e rằng các hội viên kém phát triển hơn chưa sẵn sàng cho sự lưu thông tự do của hàng hóa, dịch vụ và lao động.

Ông Minh ghi nhận những lo ngại đó, nhưng ông cũng giải thích về những lợi ích của cộng đồng kinh tế mới.

Ông Minh nói: "Dòng chảy thông thoáng hơn của đầu tư, nguồn vốn, lao động, hàng hóa và dịch vụ sẽ tạo ra những cơ hội và thách thức khác nhau cho các nước hội viên. Nhưng nó cũng sẽ có những hiệu ứng nhân rộng vô cùng to lớn đối với khu vực."

Ông Lê Lương Minh nói thêm rằng sự thu hẹp hố cách biệt về kinh tế giữa các hội viên ASEAN sẽ là chìa khóa của sự phát triển đồng đều trên khắp khu vực.

Ông Minh là đại diện đầu tiên của Việt Nam giữ chức tổng thư ký ASEAN. Chức vụ với nhiệm kỳ 5 năm này do 10 nước hội viên luân phiên nắm giữ dựa theo thứ tự abc. Vị tổng thư ký ASEAN kế tiếp sẽ là người Brunei.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG