Đường dẫn truy cập

'Tân Tổng lãnh sự Mỹ nên thường xuyên thăm tù nhân chính trị'


Tân Tổng Lãnh sự Mỹ, bà Rena Bitter, thăm xã giao Bác sỹ Nguyễn Quốc Quân ngày 3/7 trước khi đến Sài Gòn.
Tân Tổng Lãnh sự Mỹ, bà Rena Bitter, thăm xã giao Bác sỹ Nguyễn Quốc Quân ngày 3/7 trước khi đến Sài Gòn.
Đó là lời khuyên của Bác sỹ Nguyễn Quốc Quân, một nhà hoạt động dân chủ người Mỹ gốc Việt, đối với Tân Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn Rena Bitter trong cuộc gặp diễn ra hôm 3/7.

Trả lời VOA Việt Ngữ, bác sỹ Quân nói rằng bà Bitter cho ông biết là bà muốn tìm hiểu thêm về tình hình Việt Nam trước khi tới Sài Gòn làm nhiệm vụ vì ‘về vấn đề Á châu thì bà ấy là người mới nên bà ấy muốn tìm hiểu và học hỏi thêm, nhất là các vấn đề về Việt Nam’.

“Bà ấy cho biết rằng là, khi được bổ nhiệm làm Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn thì bà đã được nghe rất nhiều buổi thuyết trình, rồi nhận các tài liệu tin tức về vấn đề Việt Nam nhưng mà bà vẫn cảm thấy thiếu sót, và vẫn cảm thấy chưa đủ, thành ra bà ấy nói là muốn được gặp tôi để mà trao đổi ý kiến, để biết thêm các nhận định, đặc biệt là muốn các nhận định của cá nhân chúng tôi về vấn đề Việt Nam. Bà ấy cũng nói rằng là vấn đề thứ hai là muốn thắt chặt tình thân hữu, tạo mối liên hệ làm việc tốt đẹp để mà cùng làm việc cho một nước Việt Nam tươi sáng hơn.”

Tôi cũng giải thích với bà ấy rằng đừng ngại những chuyện đi thăm hoặc nêu các trường hợp như thế vì cái đó nó không có hại tới tương lai của các vị ấy, ảnh hưởng đến sự sống còn của những người tù nhân đó mà còn làm an toàn hơn cho họ khi mà mình nhắc tới họ...
Bác sỹ Nguyễn Quốc Quân.
Bà Bitter sẽ tới Việt Nam đảm nhận nhiệm vụ lãnh đạo Tổng lãnh sự quán Mỹ thay cho ông Lê Thành Ân, người sẽ hết nhiệm kỳ 3 năm vào tháng Tám này.

Theo ông Quân, đây là lần đầu tiên bà Rena Bitter đảm nhận một chức vụ tại Đông Nam Á.

Trả lời VOA Việt Ngữ, bác sỹ Quân, bào huynh của nhà bất đồng chính kiến hiện sống tại Việt Nam, ông Nguyễn Đan Quế, cho biết ông nói với bà Bitter rằng việc tới thăm những người bị cầm tù vì nói lên quan điểm trái chiều với nhà nước sẽ ‘giúp họ được an toàn hơn’.

“Tôi cũng lưu ý, nhắc bà ấy là bà ấy nên thường xuyên tới thăm, nêu các trường hợp của các tù nhân chính trị, các tù nhân lương tâm. Tôi cũng giải thích với bà ấy rằng là bà đừng có ngại những chuyện đi thăm hoặc nêu các trường hợp như thế vì cái đó nó không có hại tới tương lai của các vị ấy, ảnh hưởng đến sự sống còn của những người tù nhân đó mà còn làm an toàn hơn cho họ khi mà mình nhắc tới họ, khi mà mình nêu những trường hợp của họ."

Ông Quân cho biết, tại cuộc gặp ở tư gia của ông, hai bên đã trao đổi nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo.

Ngoài tới thăm các tù nhân chính trị, đại diện của tổ chức có tên gọi ‘Tập hợp vì nền dân chủ’ còn thúc giục bà Bitter tới thăm một số nơi ở Việt Nam để tìm hiểu về vấn đề tự do tôn giáo.

Bác sĩ Quân: “Tôi yêu cầu bà ấy đi thăm những vùng trên cao nguyên để biết đời sống của đồng bào Thượng, nhất là những người theo đạo tin lành, và ở miền đồng bằng Cửu Long để theo dõi những hoạt động của Phật giáo Hòa Hảo cũng như đạo Cao Đài ở Tây Ninh”.

Người tiền nhiệm của bà Bitter, ông Lê Thành Ân, một người Mỹ gốc Việt, tới Việt Nam làm nhiệm vụ đầu tháng Tám năm 2010.

Bác sĩ Quân cho VOA Việt Ngữ biết ông ‘khó liên hệ’ với ông Ân, và hy vọng sẽ giữ liên lạc thường xuyên với bà Bitter trong nhiệm kỳ của bà tại Sài Gòn.

Theo thông lệ, các tân đại sứ và tổng lãnh sự Mỹ thường tới thăm xã giao đại diện cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ trước khi tới Việt Nam làm nhiệm vụ.

Trong nhiệm kỳ của mình, các nhà ngoại giao của Mỹ cùng thường trở lại Hoa Kỳ, ghé thăm cộng đồng người Mỹ gốc Việt để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ đối với quê nhà.

Hồi đầu tháng Sáu vừa qua, Đại sứ Mỹ David Shear đã gặp cộng đồng người Việt tại California, và tại đó ông cho biết rằng nhân quyền là một trong những mục tiêu hàng đầu trong mối quan hệ với Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG