Đường dẫn truy cập

Tại Trung Quốc cáo buộc tấn công mạng là điềm xấu, cũng là cơ hội


Tòa nhà của 'đơn vị 61398" của Quân đội
Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ở ngoại ô thành phố Thượng Hải. Công ty Mandiant cho biết tìm thấy dấu vết của các cuộc tấn công vào các công ty Mỹ trong nhiều năm qua xuất phát từ đơn vị này
Tòa nhà của 'đơn vị 61398" của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ở ngoại ô thành phố Thượng Hải. Công ty Mandiant cho biết tìm thấy dấu vết của các cuộc tấn công vào các công ty Mỹ trong nhiều năm qua xuất phát từ đơn vị này

Các phát hiện chính trong phúc trình của công ty an ninh mạng Mandiant

Các phát hiện chính trong phúc trình của công ty an ninh mạng Mandiant:

•Liên kết nhóm tin tặc APT1 với đơn vị bí mật của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

•Nói rằng nhóm này là thủ phạm đánh cắp dữ liệu của ít nhất 141 tổ chức toàn cầu kể từ năm 2006.

•Truy nguyên hàng chục vụ tấn công tin tặc phát xuất từ một khu phố gần tòa nhà của PLA ở Thượng Hải.

•Nói rằng các thủ phạm tấn công thường dùng điện thư chứa các tài liệu xấu đính kèm để thâm nhập các mạng lưới.
Cáo buộc của một công ty an ninh mạng Hoa Kỳ đưa ra trong tuần này rằng quân đội Trung Quốc đang điều hành các hoạt động gián điệp mạng từ một tòa nhà cao tầng ở Thượng Hải dường như lại trở thành một cái gai nữa, gây trở ngại cho quan hệ Mỹ - Trung. Thông tín viên William Ide đã hỏi chuyện các nhà phân tích về ảnh hưởng của cáo buộc mới nhất đối với mối bang giao giữa hai quốc gia.

Phúc trình của công ty an ninh mạng Mandiant trực tiếp nhắm vào chính phủ Trung Quốc. Công ty này nói rằng họ có thể tìm thấy dấu vết của các cuộc tấn công vào các công ty Mỹ trong nhiều năm qua xuất phát từ một đơn vị cụ thể của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung quốc (Đơn vị 61398).

Giới hữu trách Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc này, trong khi truyền thông nước họ tố cáo điều gọi là “các động cơ đen tối” của phúc trình này.

Hôm qua, một bài xã luận của tờ China Daily nói rằng mục tiêu của bản phúc trình là tăng cường sự hậu thuẫn cho Bộ Tư lệnh Mạng của Ngũ Giác Đài. Bài viết nói rằng, trong những tuần qua, các phương tiện truyền thông Mỹ đã thông báo các kế hoạch nhằm tích cực mở rộng Bộ Tư lệnh Mạng trong những năm tới.

Tờ báo cũng lưu ý rằng hai năm trước đây, khi Ngũ Giác Đài thiết lập Bộ Tư lệnh Mạng thì cũng có những lời cáo buộc tương tự.

Các tờ báo khác của Trung Quốc cũng bác bỏ các cáo buộc tấn công mạng là vô căn cứ. Phiên bản tiếng Hoa của tờ Hoàn cầu Thời báo đã chế giễu giới truyền thông Mỹ thổi phồng những phát hiện đưa ra trong phúc trình.

Các mối đe dọa trên không gian mạng nằm trong số các thách thức ngày càng tăng đối với quan hệ Mỹ - Trung. Các tranh cãi về kinh tế lâu nay đã gây trở ngại đối với mối quan hệ. Và trong năm qua, vấn đề tranh chấp các quần đảo ở biển Đông hoặc giữa Nhật và Trung Quốc cũng đã trở nên căng thẳng hơn.

Ông Thời Ân Hoằng, giáo sư môn quan hệ quốc tế của Đại học Nhân Trung Quốc, nói:

‘Tôi nhận thấy ngày càng có thêm căng thẳng trong mối quan hệ chiến lược. Điều này không tốt. Nó gần như là một điềm xấu’.

Ông Trầm Đinh Lập, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ quốc của Đại học Phục Đán ở Thượng Hải, nói rằng cho dù chính phủ Mỹ vẫn chưa ủng hộ các tuyên bố của Mandiant rằng tòa nhà ở Thượng Hải là nguồn gốc thực sự của các vụ tấn công, nhưng vẫn có lý do để lo ngại về tình thế hiện nay. Ông nói:

‘Tình hình có vẻ xấu và nếu Trung Quốc đã thực hiện điều đó, thì đó là điều không đúng đắn. Nó sẽ vi phạm luật pháp của chính Trung Quốc. Và điều đó sẽ làm cho các vụ tấn công mạng của các nước khác chống lại Trung Quốc trở nên chính đáng hơn’.

Ông Trầm nói rằng tuy những cáo buộc trong báo cáo của Mandiant vẫn còn gây tranh cãi, nhưng có một điều rất rõ ràng là không gian mạng đã trở thành một lĩnh vực cạnh tranh mới giữa hai quốc gia, và cả hai nước đều mạnh mẽ thực hiện các vụ tấn công. Ông nhận định:

‘Tôi nghĩ rằng Trung Quốc có thể đã thực hiện các vụ tấn công một cách ồ ạt, rất nhiều vụ tấn công, và Mỹ thì thực hiện một cách cụ thể hơn, nhắm vào một địa điểm cụ thể nào đó’.

Giáo sư Thời nói vì lẽ đó, hai quốc gia cần phải đối thoại:

‘Ít nhất thì những tuyên bố và phản đối như thế này cũng tạo ra một cơ hội để Trung Quốc và Hoa Kỳ, cả hai nước, phải đối mặt một cách trực tiếp hơn với loại vấn đề này và tiến hành những cuộc đối thoại hay trao đổi để thảo luận về điều này’.

Các giới chức Trung Quốc và Hoa Kỳ đã thảo luận về các vấn đề an ninh mạng và hai bên đã tổ chức các cuộc đối thoại không chính thức hay còn được gọi là thảo luận “kênh thứ hai” giữa các học giả và giới chức hồi hưu của hai nước.

Nhưng các nhà phân tích nói rằng chỉ đối thoại không thôi thì không đủ để ứng phó với sự phức tạp của các thách thức xuất phát từ các cuộc tấn công mạng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG