Đường dẫn truy cập

Sự tự chế của Bắc Triều Tiên: Dấu hiệu cải thiện quan hệ với TQ?


Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và giới chức cấp cao của Trung Quốc Liu Yunshan trong lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng Lao động đương quyền tại Bình Nhưỡng, ngày 10/10/2015.
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và giới chức cấp cao của Trung Quốc Liu Yunshan trong lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng Lao động đương quyền tại Bình Nhưỡng, ngày 10/10/2015.

Cuộc duyệt binh lớn ở Bình Nhưỡng hôm thứ bảy diễn ra với những lời lẽ hiếu chiến nhắm vào Hoa Kỳ, nhưng với sự hiện diện của một giới chức cấp cao của Trung Quốc, ông Kim Jong Un đã tự chế để không đưa ra những phát biểu có tính chất khiêu khích và không thực hiện những hành động có thể làm cho căng thẳng leo thang. Thông tín viên Brian Padden của đài VOA tường thuật từ Seoul.

Phát ngôn viên Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên, ông Jeong Joon Hee, hôm nay cho biết Bình Nhưỡng đã chứng tỏ một sự tự chế trong buổi lễ mừng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng Lao động đương quyền.

"Dường như Bắc Triều Tiên đã thúc đẩy cho sự đoàn kết nội bộ và cố gắng loại bỏ hình ảnh tiêu cực của họ."

Tại buổi lễ ở Bình Nhưỡng, lãnh tụ Kim Jong Un tuyên bố Bắc Triều Tiên đã chuẩn bị sẵn sàng cho “bất kỳ một loại chiến tranh nào” với Mỹ, và cuộc duyệt binh đã kéo dài khoảng 3 giờ đồng hồ với sự tham gia của khoảng 20.000 binh sĩ cùng với xe tăng, phi đạn đạn đạo liên lục địa, và máy bay phản lực.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã không trực tiếp đề cập tới chương trình hạt nhân của nước này mà Bình Nhưỡng cũng không thực hiện một vụ thử nghiệm phi đạn tầm xa mà trước đây một số người dự đoán họ sẽ thực hiện để mừng lễ kỷ niệm này.

Các nhà phân tích cho rằng thái độ hoà hoãn của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên hồi gần đây phát xuất từ sự cải thiện quan hệ với Trung Quốc, với kết quả là sự hiện diện của ông Lưu Vân Sơn, nhân vật lãnh đạo đứng hàng thứ 5 của Trung Quốc, tại buổi lễ.

Trong suốt cuộc duyệt binh, ông Lưu Vân Sơn đứng cạnh ông Kim Jong Un và tươi cười nói chuyện với nhau.

Trong một lá thư gởi cho ông Kim Jong Un, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng “Tình hữu nghị lâu đời giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên là một tài sản vô cùng quí báu” và ông hy vọng “mối quan hệ này sẽ tiếp tục lớn mạnh.”

Trong bài diễn văn tại buổi lễ, ông Kim Jong Un cũng nhấn mạnh tới những mối liên hệ có tính chất lịch sử giữa hai nước đồng minh cộng sản này.

Hàn gắn quan hệ

Binh sĩ và xe tăng Bắc Triều Tiên diễu hành ở Bình Nhưỡng, ngày 10/10/2015.
Binh sĩ và xe tăng Bắc Triều Tiên diễu hành ở Bình Nhưỡng, ngày 10/10/2015.

Tuy Bắc Triều Tiên lệ thuộc vào sự hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc, quan hệ giữa hai nước đồng minh này đã bị căng thẳng sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần thứ 3 vào năm 2013.

Trung Quốc ủng hộ các biện pháp chế tài của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Triều Tiên sau vụ thử nghiệm năm 2013 và nhà lãnh đạo của Bắc Triều Tiên chưa đi thăm Trung Quốc kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2011.
Bắc Kinh muốn Bình Nhưỡng tham gia lại cuộc đàm phán quốc tế để chấm dứt chương trình hạt nhân nhằm đổi lấy sự nới lỏng các biện pháp chế tài và những sự hỗ trợ kinh tế.

Washington và Seoul đòi Bình Nhưỡng phải chấm dứt mọi hành vi khiêu khích và ngưng chỉ chương trình hạt nhân trước khi tiến hành những cuộc đàm phán mới.

Việc Bình Nhưỡng nhấn mạnh tới tình hữu nghị và sự hợp tác với Trung Quốc hồi gần đây có thể là dấu hiệu cho thấy chế độ Kim Jong Un muốn giảm bớt những mối căng thẳng trong khu vực để tập trung vào những nỗ lực phát triển kinh tế.

Mới đây Bắc Triều Tiên đã thả một sinh viên Nam Triều Tiên bị bắt giam trong nhiều tháng sau khi nhập cảnh Bắc Triều Tiên bất hợp pháp. Bình Nhưỡng cũng đồng ý thực hiện lại những cuộc xum họp cho các gia đình bị ly tán vì cuộc chiến tranh Triều Tiên.

Ông Kim Yong Hyun, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên của Đại học Dongguk ở Seoul, cho rằng Bắc Kinh đã nhân dịp lễ kỷ niệm hôm thứ 7 để khuyến khích Bình Nhưỡng thay đổi thái độ.

"Rõ ràng là Trung Quốc muốn cải thiện quan hệ với Bắc Triều Tiên."

Tổng thống Nam Triều Tiên Park Guen Hye và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ thảo luận về tình hình Bắc Triều Tiên khi đôi bên gặp nhau tại Washington trong vài ngày tới đây.

Giáo sư Kim Yong Hyun cho rằng hai nhà lãnh đạo này nên thảo luận về những cách thức để khuyến khích Bắc Triều Tiên thay đổi cách hành xử và về khả năng cải thiện quan hệ với Bắc Kinh.

"Tôi hy vọng Tổng thống Obama sẽ tập trung vào việc thương thuyết với Bắc Triều Tiên thay vì gây áp lực với Bắc Triều Tiên."

Khả năng của phi đạn KN-08

Phi đạn xuyên lục địa KN-08 của Bắc Triều Tiên trong cuộc duyệt binh.
Phi đạn xuyên lục địa KN-08 của Bắc Triều Tiên trong cuộc duyệt binh.

Cuộc duyệt binh hôm thứ bảy cũng mang lại một cơ hội cho các giới chức tình báo quân sự để đánh giá phi đạn xuyên lục địa KN-08 của Bắc Triều Tiên. Loại phi đạn này có tầm bắn 12.000 kilo mét và có thể bắn tới duyên hải miền tây của Mỹ.

Sau khi nghiên cứu những hình ảnh của các loại khí giới được phô trương trong cuộc duyệt binh, Phó phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên, Đại tá Na Seung Yong, tái khẳng định sự đánh giá trước đây là Bình Nhưỡng chưa có khả năng để gắn đầu đạn hạt nhân vào phi đạn tầm xa.

"Chúng tôi nghĩ rằng khả năng của Bắc Triều Tiên để thu nhỏ vũ khí hạt nhân có lẽ đã đạt tới mức cao, nhưng họ vẫn chưa có khả năng để gắn nó vào một phi đạn đạn đạo."

Theo các nhà phân tích vũ khí hạt nhân, nếu chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên tiếp tục không bị ngăn chận, thì trong vòng 5 năm nữa, họ sẽ có từ 20 đến 100 quả bom hạt nhân, cao hơn đáng kể so với mức từ 10 đến 16 quả bom hạt nhân hiện nay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG