Đường dẫn truy cập

Sự minh bạch về cuộc chiến ở bắc Myanmar bị lu mờ


Dân chúng trong các khu vực gần biên giới Myanmar và Trung Quốc chạy lánh nạn ở một trại tỵ nạn tại một tu viên ở Lashio, miền bắc Myanmar, 20/2/15
Dân chúng trong các khu vực gần biên giới Myanmar và Trung Quốc chạy lánh nạn ở một trại tỵ nạn tại một tu viên ở Lashio, miền bắc Myanmar, 20/2/15

Kể từ đầu tháng này, chiến cuộc tiếp diễn ở miền bắc Myanmar gần biên giới Trung Quốc đã buộc tới 100 ngàn người phải bỏ chạy. Quân đội Myanmar đang chiến đấu với phiến quân sắc tộc Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của thủ lãnh Bành Gia Thanh, 84 tuổi, đang sống ngoài vòng pháp luật. Nhưng khó mà có được một hình ảnh rõ ràng về động cơ của phe nổi dậy và các diễn biến ở hiện trường. Thông tín viên VOA Bill Ide tường trình từ Bắc Kinh.

Từ nhiều thập niên, miền bắc Myanmar đã là nơi diễn ra những vụ xung đột lẻ tẻ giữa phiến quân và lực lượng chính phủ. Trong vòng giao tranh mới đây nhất, thủ lãnh phiến quân Trung Quốc Bành Gia Thanh tìm cách lấy lại quyền kiểm soát vùng tự trị Kokang, nơi ông ta đã từng năm quyền cho đến năm 2009.

Trong cuộc tấn công, ông đã tìm cách tranh thủ công luận Trung Quốc, dành những cuộc phỏng vấn cho các cơ quan truyền thông được nhà nước hậu thuẫn trong đó ông nói về cách thức ông đã cố gắng chấm dứt nạn buôn lậu ma tuý trong khi nắm quyền và quảng bá phát triển kinh tế.

Nay ông Bành cho biết ông chiến đấu vì quyền lợi và quyền tự trị của khu vực và đã lập luận rằng kể từ khi ông rời khỏi khu vực, nạn buôn lậu ma tuý đã trở lại và Kokang không còn thuộc về người sắc tộc Trung Quốc nữa.

Việc ông Bành tự mô tả mình là người bảo vệ sắc dân Trung Quốc và là một nhà cai trị có trách nhiệm ở Kokang trái ngược hẳn với sự đánh giá của chính phủ Hoa Kỳ về ông ta.

Một bức điện của chính phủ Hoa Kỳ năm 2009 công bố trên trang web Wikileaks, mô tả ông Bành và gia đình là những tay buôn lậu ma tuý khét tiếng. Bức điện nói Cơ quan Bài trừ Ma tuý Hoa Kỳ đã liệt ông ta là một tay buôn lậu ma tuý quan trọng kể từ khoảng giữa thập niên 1970.

Ông Lương Tấn Vân, một giáo sư tại Học viện Cảnh sát Vân Nam, nói rằng ông Bành cũng vẫn nằm trong danh sách hơn 30 tay buôn lậu ma tuý khét tiếng bị cấm nhập cảnh Trung Quốc. Nhưng ông nói việc ông Bành tìm cách hạn chế ma tuý trong khu vực này cũng đúng.

Ông Lương nói việc ông Bành vừa trở về Kokang, lãnh đạo một nhóm chiến binh nổi dậy gọi là Đạo quân Liên minh Dân chủ Dân tộc Myanmar, tức MNDAA, dường như có mục đích lấy lại quyền thế hơn là có liên hệ gì rõ rệt với công cuộc buôn lậu ma tuý.

Cuộc chiến ở Kokang diễn ra vào lúc chính phủ Myanmar đang ráo riết vận động để đạt được một giải pháp hoà bình với tất cả các nhóm sắc tộc thiểu số trước cuộc tổng tuyển cử năm nay.

Ông Lương nói “có thể là trước cuộc tổng tuyển cử, ông Bành tìm cách được đề cử làm người đứng đầu vùng này một lần nữa và đòi một ghế trong quốc hội của chính phủ.”

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng ông nghi ngờ về việc ông Bành có thể đạt được mục tiêu đó.

Ông Bành đã tìm cách lôi kéo Bắc Kinh vào vụ xung đột, thổi phồng các quan hệ cá nhân với Trung Quốc cũng như việc Kokang đã có thời thuộc về Trung Quốc ra sao.

Chính phủ Trung Quốc đã khẳng định rõ rằng họ sẽ không dung túng bất cứ sự ủng hộ nào cho cuộc chiến từ phía Trung Quốc. Tuy nhiên, những lời hô hào của ông Bành đề nghị sự hỗ trợ của Trung Quốc đã có tiếng vang trong giới blogger theo chủ nghĩa dân tộc trên mạng. Một số thậm chí còn kêu gọi chính phủ Trung Quốc lấy lại vùng đất này. Các giới chức Myanmar đã than phiền là có bằng chứng cho thấy ông Bành và các chiến binh của ông ta nhận thực phẩm, vũ khí và chăm sóc y tế của các cảm tình viên bên kia biên giới.

Trong mấy tuần lễ vừa qua, mạng truyền thông xã hội Trung Quốc cũng đã đầy rẫy các hình ảnh ghê rợn của cuộc chiến và cư dân Kokang người Trung Quốc mà người ta cho là đã bị quân đội Myanmar giết hại.

Hồi đầu tuần này, hơn 1 chục bức hình dường như chụp ở Kokang cho thấy xác của các thanh niên, một số bị quấn dây thừng ở cổ và tay trói ngoặt sau lưng. Các cảm tình viên của phiến quân nói họ đã bị quân đội Myanmar hành quyết, nhưng không có cách nào kiểm chứng lời khẳng định này.

Các hình ảnh những vụ tử vong như thế đã góp phần châm ngòi cho sự phẫn nộ ở Trung Quốc và những lời kêu gọi có nỗ lực cứu vớt những người mà giới bình luận trên mạng nói là anh em Trung Quốc.

Ông Min Zaw Oo là giám đốc Trung tâm Hoà bình Myanmar ở Yangon và đã theo dõi sát vụ xung đột. Ông nói:

“Ở thời điểm này, vẫn còn nhiều tin đồn, vẫn chỉ là hoả mù chiến tranh.”

Một diễn biến khác vẫn còn bao trùm trong màn bí mật là vụ tấn công mới đây nhắm vào một đoàn công voa của Hội chữ thập đỏ làm 5 người bị thương. Hội Chữ thập đỏ Myanmar nói lực lượng nổi dậy đã mở cuộc tấn công. Phe nổi dậy thì đổ cho quân đội.

Ông Min nói phe nổi dậy dường như đã thất bại trong nỗ lực ban đầu nhằm nắm quyền kiểm soát thủ phủ Laogai của Kokang và phiến quân sắc tộc Kokang và có lẽ các chiến binh sắc tộc khác hiện đang bị dồn vào một vị trí gần biên giới Trung Quốc:

“Nhưng ở phần phía nam của cuộc giao tranh để chiếm Laogai, lực lượng của họ còn ở vị trí và có rất nhiều hoạt động tấn công rồi bỏ chạy. Ban đêm họ vào vùng Laogai bằng xe tải chở đầy vũ khí hạng nặng và đến sáng hoặc ban đêm họ sẽ pháo kích vào các mục tiêu ở Laogai và sau đó lại dồn trở lại vào xe và trở lại.”

Ông Min nói theo trông đợi cuộc giao tranh có phần chắc sẽ tiếp tục trong vài tuần lễ, chứ không phải vài tháng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG