Đường dẫn truy cập

Số voi rừng ở Việt Nam ngày càng ít và chật vật để sống còn


Săn bắt và mất môi trường sống đã đưa loài voi đến bờ vực tuyệt chủng
Săn bắt và mất môi trường sống đã đưa loài voi đến bờ vực tuyệt chủng
Giới bảo vệ môi sinh từ lâu đã cảnh cáo về tác động tai hại của mức cầu về ngà voi đối với số lượng voi còn lại trên khắp thế giới. Trong số các chủng loài có nguy cơ tuyệt chủng là loài voi rừng ở Việt Nam. Những người hoạt động nói đối với một số ít voi còn tồn tại, ảnh hưởng của các cộng đồng địa phương đối với môi trường sinh sống của loài voi cũng là một nguy cơ cho sự sống còn của chúng ngang hàng với công cuộc mua bán ngà voi trên toàn cầu. Từ Hà Nội, thông tín viên VOA Marianne Brown ghi nhận chi tiết trong bài tường trình sau đây.

Vào cuối cuộc chiến tranh năm 1975, có tới 2.000 con voi rừng ở Việt Nam. Hiện nay chỉ còn có 50 con. Săn bắt và mất môi trường sống đã đưa loài thú này đến bờ vực tuyệt chủng. Giới bảo vệ môi sinh nói nhóm voi duy nhất có cơ may sống sót dài hạn nằm ở vùng biên giới giữa Công viên Quốc gia Yok Don của Việt Nam và Campuchia.

Tuy nhiên, giám đốc công viên Trần Văn Thanh nói môi trường sống của loài voi đang co cụm vào lúc các cộng đồng địa phương phá rừng để trồng hoa màu và xây nhà cửa.

Ông Thanh nói: “Một vấn đề khác đối với loài voi hiện nay là công việc trồng cây nông nghiệp của dân địa phương. Ða số trồng cây ăn quả và nhiều loài cây như mía và chuối, thanh long. Voi thích những loại cây này và đến ăn. Ðó là lý do có sự xung đột lớn giữa loài voi rừng và dân địa phương."

Khi môi trường sống bị thu hẹp, loài voi trở nên hung hãn hơn, và các biện pháp thường dùng để làm chúng sợ, như nổi lửa, trở nên bớt hữu hiệu.

Ông Thanh nói dân địa phương không được học về cách cùng sinh sống với loài voi, nên họ thường vận dụng tới bạo lực. Nhiều cư dân có súng, và rất hay đi săn bắn. Ông cho biết đã yêu cầu nhân viên chú ý nhiều hơn đến vấn đề săn bắn bởi vì lâu nay giới hữu trách để ý nhiều hơn đến việc đốn gỗ lậu.

Ông Thanh nói tiếp: “Tôi nghĩ đây là một vấn đề lớn cho chính phủ. Họ phải cải thiện khả năng của công nhân viên chức, của chính quyền địa phương về cách bảo vệ môi sinh.”

Công cuộc mua bán ngà voi cũng gây thiệt hại. Chỉ trong một tỉnh có ít nhất 6 con voi đã bị những người săn bắt giết chết trong năm nay. Hai con được phát hiện hồi tháng 8 bị chặt đầu và cưa ngà. Ông Thanh cho biết ông nghĩ rằng ngà được đưa qua Trung Quốc, nơi một ký có thể bán với giá hàng ngàn đôla.

Bất cứ ngà voi nào mua bán sau khi lệnh cấm áp dụng trên toàn cầu vào năm 1989 đều bị coi là bất hợp pháp ở Việt Nam nhưng vẫn có nhu cầu về ngà voi như một biểu tượng của sự giàu sang.

Ông Richard Thomas, thuộc mạng lưới kiểm soát mua bán dã sinh TRAFFIC, nói rằng có bằng chứng là ngà voi vẫn được trưng bầy công khai bất kể lệnh cấm.

Ông Thomas nói tiếp: “TRAFFIC đã nhận được các báo cáo từ một số nhà, đặc biệt là một căn ở Hà Nội, nơi những ngà voi rất lớn được trưng trên tường, được che giấu không cho công chúng thấy, nhưng người ta có thể nhìn thấy chúng khi màn cửa mở và thắp đèn.”

Nhưng cho dù vì bất cứ lý do nào, theo ông Thomas, Việt Nam dường như chưa đến mức ngang với Trung Quốc về mức cầu. Ông cũng nói dường như không có số lượng ngà voi sẵn sàng để bán nhiều như nước láng giềng Thái Lan.

Mức chi tiêu và nhu cầu về ngà voi của giới tiêu thụ ngày càng tăng ở Trung Quốc đã bị quy cho là nguyên do gây ra nạn tàn sát voi, nhất là ở châu Phi, để lấy ngà. Ông Julian Blanc phân tích các dữ liệu về việc giết hại voi bất hợp pháp cho một chương trình của CITES.

Ông Blanc nói: “Trong khi giới tiêu thụ ở Trung Quốc có nhiều tiền bạc hơn, và ngày càng chi tiêu số tiền bạc đó, thì mức cầu về ngà voi cơ bản sẽ tăng lên. Ngà rõ ràng là một thứ được người dân Trung Quốc coi là rất quý, và đó là lý do thúc đẩy xu hướng lấy ngà. Nhưng ngay cả nếu không có nhu cầu ở Trung Quốc thì vẫn có một mức độ cơ bản về săn bắt voi.”

Một kế hoạch hành động khẩn cấp được chính phủ Việt Nam hứa hẹn vào năm 2006 đã không thực hiện được vì thiếu ngân quỹ. Các kế hoạch bao gồm việc xây các hàng rào điện ở một số khu vực để ngăn voi với dân chúng địa phương. Kế hoạch hành động có hiệu lực đến năm 2020, nhưng các nhà bảo vệ môi sinh nói như thế sẽ quá trễ để cứu vãn loài voi ở Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG