Đường dẫn truy cập

Sinh viên Đài Loan chấm dứt biểu tình ngồi lỳ 24 ngày ở quốc hội


Các sinh viên và người ủng hộ bắt đầu thu dọn chuẩn bị rời khỏi bục phát biểu và phòng họp của Viện Lập Pháp ở trung tâm thành phố Đài Bắc.
Các sinh viên và người ủng hộ bắt đầu thu dọn chuẩn bị rời khỏi bục phát biểu và phòng họp của Viện Lập Pháp ở trung tâm thành phố Đài Bắc.
Hàng trăm sinh viên Đài Loan tham gia cuộc biểu tình ngồi lỳ ở quốc hội từ trung tuần tháng 3 đã quyết định chấm dứt cuộc phản kháng kịch liệt này. Quyết định này được loan báo sau khi người đứng đầu Viện Lập Pháp hôm chủ nhật hứa hoãn lại một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc cho tới khi thông qua một dự luật về giám sát. Từ Đài Bắc, thông tín viên Ralph Jennings của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Các sinh viên và những người ủng hộ họ ngày hôm nay bắt đầu thu dọn để chuẩn bị rời khỏi bục phát biểu và phòng họp của Viện Lập Pháp ở trung tâm thành phố Đài Bắc.

Những người biểu tình đã liên tục phong tỏa quốc hội từ ngày 18 tháng 3 để đòi chính phủ từ bỏ một thỏa thuận nhằm tự do hóa thương mại dịch vụ với Trung Quốc, một kẻ thù lâu đời nhưng cũng là một đối tác kinh tế vô cùng quan trọng.

Ngày hôm nay, những người biểu tình đã rời bỏ vị trí của họ để cho các nhà lập pháp tiến hành công việc. Anh Từ An, một người biểu tình 21 tuổi, phát biểu rằng đã tới lúc phải chấm dứt cuộc biểu tình. Anh cho rằng vì Đài Loan có rất nhiều việc cần được quốc hội xem xét nên việc tiếp tục chiếm cứ quốc hội là không hợp lý.

Mặc dù vậy, anh cũng cho biết nếu được chỉ thị của một lãnh tụ biểu tình trong một dịp khác anh sẽ nhất định đứng lên tham gia phản kháng.

Những người tham gia phong trào phản kháng này đòi quốc hội từ bỏ ý định phê chuẩn hiệp định thương mại với Trung Quốc bằng cách phê duyệt trọn gói. Vụ chiếm cứ trụ sở quốc hội sau đó đã nới rộng thành một vụ xông vào các văn phòng của nội các và một vụ xuống đường với sự tham gia của khoảng 300.000 người. Những người biểu tình đã yêu cầu Tổng thống Mã Anh Cửu hủy bỏ thỏa thuận với Trung Quốc và điều đình lại hiệp định này bằng một cung cách minh bạch hơn. Các nhà thương thuyết của Đài Loan và Trung Quốc đã ký hiệp định này hồi tháng 6 năm ngoái.
Sinh viên biểu tình chống hiệp ước thương mại với Trung Quốc dỡ bỏ các chướng ngại vật tại cơ quan lập pháp ở Đài Bắc, Đài Loan, ngày 10/4/2014.
Sinh viên biểu tình chống hiệp ước thương mại với Trung Quốc dỡ bỏ các chướng ngại vật tại cơ quan lập pháp ở Đài Bắc, Đài Loan, ngày 10/4/2014.
Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với Đài Loan và đe dọa dùng vũ lực để tái thống nhất đảo quốc tự trị này trong trường hợp cần thiết. Một số người ở Đài Loan e rằng Trung Quốc sẽ lợi dụng các thỏa thuận thương mại để đưa Đài Loan tới chỗ thống nhất với Hoa Lục.

Từ khi ông Mã Anh Cửu lên nắm quyền vào năm 2008 tới nay, chính phủ ông đã ký kết 20 hiệp định với Trung Quốc để thúc đẩy cho sự phát triển của nền kinh tế Đài Loan. Các giới chức Đài Bắc cho rằng hiệp định thương mại dịch vụ sẽ giúp ích rất nhiều cho khu vực dịch vụ rộng lớn của Đài Loan, kể cả ngành ngân hàng và y tế.

Những người biểu tình đã quyết định chấm dứt cuộc phản kháng sau khi Chủ tịch Viện Lập Pháp Vương Kim Bình cam kết thông qua một dự luật để tăng cường hoạt động giám sát đối với những thỏa thuận ký với Trung Quốc. Ông cũng hứa sẽ tiến hành những cuộc thảo luận công khai tại Viện Lập Pháp về hiệp định thương mại với Trung Quốc.
Cuộc phản kháng này đã làm cho các giới chức trong nội các Đài Loan xem xét lại cách thức giao tiếp với công chúng.

Phát ngôn nhân của phủ thủ tướng, ông Tôn Lập Quần, cho biết tại một cuộc họp báo rằng thoạt đầu chính phủ đã không hiểu rõ những đòi hỏi của những người biểu tình và sau đó đã hành động quá trễ để có thể ảnh hưởng tới quan điểm của họ.

Ông Tôn nói rằng một vấn đề lớn đã nẩy sinh từ cách thức chính phủ giao tiếp với bạn bè của mình. Ông nói thêm rằng rõ ràng là chính phủ đã đánh giá thấp tính chất nghiêm trọng của vấn đề và các nhà lãnh đạo cũng không nắm vững thời điểm để hành động.

Các sinh viên biểu tình hôm nay rời Viện Lập Pháp trong chiếc áo thun màu đen, tượïng trưng cho sự hắc ám. Trên những chiếc áo này có hình hoa hướng dương, với ý nghĩa là họ sẽ tiếp tục tích cực hoạt động trong lãnh vực chính trị.

Một số sinh viên cho biết họ sẽ tham gia những hoạt động diễn thuyết hoặc tổ chức những diễn đàn để thách thức các mối quan hệ thương mại với Trung Quốc. Một số khác cho biết họ sẽ soạn ra những kế hoạch để tổ chức những vụ xuống đường qui mô lớn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG