Đường dẫn truy cập

Người phụ nữ 80 tuổi đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ Ai Cập


Bà Saadawii nói rằng cuộc nổi dậy này là một ước mơ cả đời của bà giờ đã thành hiện thực.
Bà Saadawii nói rằng cuộc nổi dậy này là một ước mơ cả đời của bà giờ đã thành hiện thực.

Người dân Ai Cập đang biểu tình rầm rộ trong suốt hơn hai tuần qua để đòi cải cách và họ mong muốn Ai Cập trở thành một quốc gia hiện đại, tiến bộ, mà ở đó phụ nữ và nam giới đều có quyền bình đẳng như nhau. Một trong số những người được chú ý tới trong cuộc biểu tình này là bà Nawal El Saadawi, một nhà hoạt động đòi bình quyền cho phụ nữ, một người có tư tưởng thế tục. Mời quí vị nghe thêm chi tiết về bà Nawal El Saadawi trong câu chuyện phụ nữ kỳ này.

Kể từ hôm 25 tháng Giêng, hàng trăm ngàn người biểu tình đã xuống đường ở Ai Cập để đòi cải cách chính trị và đặc biệt là đòi Tổng thống Hosni Mubarak từ chức.

Các cuộc biểu tình đã diễn ra ở một số thành phố như Cairo, Alexandria, Suez, Ismailia và một số thành phố khác, tuy nhiên Quảng trường Tahrir ở Cairo vẫn là tâm điểm của cuộc nổi dậy đã gây chú ý trên khắp thế giới trong hơn hai tuần lễ qua.

Những người biểu tình đã chiếm đóng Quảng trường Tahrir, một số người biểu tình đã cắm trại ở quảng trường này và quyết tâm ở lại đó cho tới khi nào ông Mubarak từ bỏ chức vụ mà ông đã nắm giữ trong gần 30 năm qua.

Người Ai Cập gọi quảng trường này là Midan Tahrir, có nghĩa là Quảng trường Giải phóng, và với một số người biểu tình thì nó cũng có nghĩa là Giải phóng cho Phụ nữ. Một phụ nữ trong đoàn người biểu tình nói với thông tín viên Jerome Socolovsky của đài VOA:

"Trước đây, chúng tôi chẳng có gì cả, giờ thì tôi đoán rằng chúng tôi sẽ có được tất cả mọi thứ.”

Sự xuất hiện của bà Nawal El Saadawi tại quảng trường này trong những ngày qua lại càng làm cho những người phụ nữ này cảm thấy tự tin hơn và không chỉ có phụ nữ mà cả nam giới cũng tỏ ra ngưỡng mộ bà.

Bà Nawal El Saadawi sinh năm 1931 tại một ngôi làng nhỏ có tên là Kafr Tahla, ở ngoại ô Cairo. Bà là con cả trong một gia đình có 9 người con. Cha bà là người có tư tưởng tiến bộ và luôn khuyến khích con cái học hành, nên bất chấp những tập tục tôn giáo và sự trọng nam kinh nữ, bà vẫn được đi học đại học và đã tốt nghiệp ngành Y tại trường Đại học Cairo vào năm 1955.

Sau đó bà đã trở lại ngôi làng mà bà đã sinh ra để hành nghề bác sĩ. Trong thời gian còn làm bác sĩ tại Kafr Tahla, bà từng chứng kiến tình trạng bất bình đẳng và sự nghèo khổ của những người phụ nữ nông thôn tại đây.

Sự bất bình trước những cảnh tưởng mà bà chứng kiến đã khiến cho bà trở thành một nhà hoạt động không mệt mỏi để đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ Ai Cập.

Sau một lần tìm cách bảo vệ một trong số các bệnh nhân của mình khỏi một vụ bạo lực gia đình, bà đã bị triệu hồi về Cairo. Nhưng tại đó, bà đã vươn lên và thành công trong sự nghiệp để trở thành Giám đốc Cơ quan Y tế Cộng đồng.

Mặc dù hành nghề bác sĩ, nhưng bà rất đam mê viết lách, và chính ngòi bút sắc bén ấy đã khiến cuộc đời của bà gặp nhiều chông gai.

Cuốn sách đầu tiên của bà được xuất bản năm 1972 có tựa đề ‘Woman and Sex’, trong đó phản đối tục lệ cắt bỏ âm vật của các bé gái ở Ai Cập, bởi chính bà cũng là nạn nhân của tập tục này. Nội dung cuốn sách cũng như liên hệ các vấn đề về tình dục với sự áp bức chính trị và kinh tế. Chính những lời lẽ mạnh mẽ trong cuốn sách này cùng với những hoạt động chính trị của bà đã khiến bà bị sa thải khỏi Bộ Y tế và sau đó bà cũng bị bãi chức tổng biên tập một tạp chí y khoa.

Nawal El Saadawi không chỉ hy sinh sự nghiệp của mình, mà bà cũng còn hy sinh cả chính đời tư của mình để tiếp tục cầm bút.

"Tôi đã phải ly dị ba người chồng! Chỉ để viết, chỉ để tiếp tục cầm bút! Bởi vì đối với một người phụ nữ, là một người vợ mạnh mẽ là điều không thể chấp nhận được. Quí vị biết đấy chồng tôi chi phối tôi. Tôi không nên ở vị trí bình đẳng với ông ấy. Tôi không nên thành công hơn ông ấy. Tôi không nên nổi tiếng hơn ông ấy."

Bà Saadawi cũng bị chính phủ Ai Cập của Tổng thống khi đó là ông Anwar al-Sadat coi là một nhân vật gây tranh cãi và nguy hiểm, bà đã bị cầm tù vào năm 1981 cùng với nhiều người phản đối Hiệp định Hòa bình Jerusalem.

Khi ở trong tù, bà Saadawi vẫn tiếp tục viết cho dù bà phải sử dụng những cuộn giấy vệ sinh để làm giấy viết.

Bà kể lại rằng cuộc sống ở trong tù đã cho bà sức mạnh. Nhà tù dạy cho bà rằng tự do là điều vô cùng quan trọng, nhưng nhà tù cũng dạy cho bà rằng bà sẵn sàng từ bỏ sự tự do của mình để đổi lấy một xã hội khác. Bởi vì bà không muốn sống trong một xã hội bất công và đầy áp bức. Bà cũng nói rằng bà cảm thấy có sự liên hệ giữa tự do của mỗi cá nhân và tự do của những người khác.

Sau khi ông Sadat bị ám sát, bà được trả tự do vào năm 1982 và một năm sau đó bà đã xuất bản cuốn ‘Hồi ký từ Nhà tù dành cho Phụ nữ’, trong đó bà tiếp tục dùng ngòi bút tấn công chính quyền Ai Cập.

Trong cuốn hồi ký này bà viết về tình trạng tham nhũng của chính phủ, những mối nguy hiểm của việc xuất bản sách cũng như quyết tâm sẽ tiếp tục dùng ngòi bút để viết lên sự thật của bà.

Bà nói rằng sự nguy hiểm đã trở thành một phần của cuộc đời bà kể từ khi bà quyết định cầm bút và viết. Theo bà, trong một thế giới mà toàn những điều giả dối thì không có gì nguy hiểm hơn là sự thực, và trong một thế giới nơi kiến thức bị coi là tội lỗi thì không có gì nguy hiểm hơn là sự hiểu biết.

Sau khi ra khỏi tù, bà vẫn bị những người phản đối hoạt động của bà, chủ yếu là những tín đồ Hồi giáo chính thống, đe dọa đến tính mạng khiến bà buộc phải rời khỏi Ai Cập vào năm 1988. Sau đó bà đã chấp nhận một đề nghị giảng dạy tại trường Duke University, thuộc bang North Carolina và trường Đại học Washington ở thành phố Seattle. Bà cũng đã từng làm việc tại một số trường đại học nổi tiếng khác của Mỹ như Harvard, Yale, Columbia, Georgetown, Florida State University, và University of California, Berkeley.

Sau những năm đi sống lưu vong, bà đã trở về Ai Cập vào năm 1996.

Và giờ đây, khi cuộc nổi dậy ở Ai Cập bùng nổ, bà El Saadawi đã đến quảng trường Midan Tahrir mỗi ngày. Bà nói rằng cuộc nổi dậy này là một ước mơ cả đời của bà giờ đã thành hiện thực.

“Những ngày này đối với tôi như là tôi đang được thở! Tôi hạnh phúc! Tôi trở nên trẻ trở lại! Tám - hai mươi tuổi”

Bà Saadawi không chỉ chỉ trích tình hình ở Ai Cập mà bà cho rằng phụ nữ ở khắp mọi nơi đều chịu thiệt thòi và quan điểm chính trị của bà là chống phương Tây và chống lại chủ nghĩa tư bản.

Bà nói rằng những người đàn ông đã từng cai trị Ai Cập giống như những "Pharoah" cổ đại, trong đó có cả ông Hosni Mubarak.

Bà Saadawi nói rằng “ngoài thanh niên nam thì còn có cả phụ nữ và các em gái đang xuống đường để kêu gọi tự do, bình đẳng, công bằng và dân chủ thực sự và một tân hiến pháp trong đó không có sự phân biệt giữa nam và nữ, không có sự phân biệt giữa người Hồi giáo và Cơ đốc giáo.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG