Đường dẫn truy cập

Rwanda sắp cho chôn cất lại các nạn nhân vụ diệt chủng


Xương sọ của các nạn nhân trong vụ diệt chủng ở Rwanda được giữ ngôi trường ở Murambi
Xương sọ của các nạn nhân trong vụ diệt chủng ở Rwanda được giữ ngôi trường ở Murambi
Mười tám năm về trước cũng vào tháng này, cuộc diệt chủng ở Rwanda chấm dứt. Giữa lúc một thế hệ bước vào tuổi trưởng thành, không còn mang nặng ký ức của cuộc xung đột sắc tộc giữa người Hutu và người Tutsi, Rwanda đang lập kế hoạch để chôn cất hàng trăm bộ hài cốt đang được trưng bày tại trung tâm tưởng niệm nạn diệt chủng Murambi. Thông tín viên Ivan Broadhead tường trình về kế hoạch đang gây tranh luận về làm thế nào để các thế hệ tương lai nhớ tới những tội ác tàn bạo đã diễn ra hồi năm 1994.

Trường đại học kỹ thuật Murambi nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhìn xuống một vùng thôn quê xanh ngát; bên ngoài cổng trường trẻ con đang chơi đùa. Ông Gilbert Sezirahiga là giám đốc quản lý trung tâm tưởng niệm này, được thành lập ở đây sau cuộc nội chiến. Ông nói:

"Khi cuộc diệt chủng bắt đầu, chính quyền cũ cho xuất ngũ tất cả những người Tutsi có quê quán ở tỉnh này rồi gửi họ đến một ngôi trường ... Sau đó, chính quyền giết các nạn nhân ở nhiều nơi: ngoài vườn, trong phòng học, tại nhà ăn, khắp nơi. Rất nhiều người chết."

Trong 24 phòng học xây bằng gạch đỏ, nơi từng chỉ có bàn và ghế, thì nay gần 1.000 bộ hài cốt của đàn ông, phụ nữ và trẻ em được ướp xác một cách sơ sài, nằm cong queo và chồng chất trên những giá gỗ.

Được khai quật từ những nắm mồ tập thể và bảo quản trong đá vôi, những bộ hài cốt này là một phần nhỏ trong khoảng 45.000 người Tutsi bị tàn sát tại Murambi vào đêm 21 tháng 4 năm 1994.

Mùi xác chết đang phân hủy nồng nặc khắp cả bầu không khí. Trong một căn phòng, thi thể một trẻ sơ sinh còn nằm trên ngực mẹ. Cảnh tượng thật hãi hùng.

Bà Juliette Mukakabanda đến dọn dẹp những lớp học này mỗi ngày. Chồng bà, ông Frederic, và hai con trai, Jean bảy tuổi và Vincent năm tuổi, nằm trong số người chết. Bà nói:

"Họ biết tôi là người Hutu và chồng tôi là người Tutsi nên họ giết ông ấy và mấy đứa nhỏ. Sau khi họ bỏ đi, tôi nghe tiếng súng của họ nhắm bắn tất cả các phòng học, và giết chết những người sống sót bằng mã tấu."

Người Rwanda có câu nói đem chôn nghĩa là quên đi. Trung tâm tưởng niệm Murambi là nơi duy nhất trưng bày toàn bộ xác chết của các nạn nhân vụ diệt chủng, và có ý nghĩa rất lớn đối với cả nước.

Tuy nhiên, theo giám đốc Uỷ ban quốc gia về chống diệt chủng Karengera Ildephonse, thì sau 18 năm để ngoài không khí, việc bảo quản các bộ hài cốt đang ngày càng thêm khó khăn. Ông nói:

"Lâu ngày các bộ hài cốt cũng bị hư hại. Chúng tôi không có công nghệ và phương tiện để bảo quản tất cả những bộ hài cốt đó. Chúng tôi dự định chọn một số để dành triển lãm thường trực, số còn lại sẽ được mang đi chôn cất."

Những nhà nhân chủng học pháp y từ Anh đang hỗ trợ cho quá trình đó. Ông Ildephonse nói:

"Sắp tới đây, họ sẽ lập ra một phòng thí nghiệm di động để giúp chúng tôi bảo quản những thi thể này, nhưng họ chỉ bảo quản được tối đa là 25 thi thể vì rất tốn kém."

Ông Daniel Haumschild đang nghiên cứu về vụ diệt chủng ở Rwanda tại Đại học Buffalo, New York. Gần đây ông đã lưu lại Murambi trong sáu tháng. Ông nêu ra sự mâu thuẫn về đạo đức mà một số nhà quan sát nhận xét trong việc trưng bày hài cốt của các nạn nhân. Ông Haumschild nói:

“Một lực lượng giết người rồi để lại những xác chết theo lối tương tự như các vụ giết người không qua xét xử dưới tay một đám đông hỗn loạn ở Mỹ trước đây. Vì vậy, bất kỳ ai khi chứng kiến cảnh tượng đó đều nhận ra được một lực lượng đã từng có mặt tại đây và nắm toàn quyền sinh sát. Gieo vào đầu người xem nỗi sợ hãi như thế có lẽ không phải là cách tốt nhất để làm việc đó, dù dự án này nói rằng mục đích của họ là chống nạn diệt chủng.”

Dù gì đi nữa, bà Juliette Mukakabanda, nay đã 48 tuổi, vẫn sẽ tiếp tục đến dọn dẹp các lớp học. Gần gũi những người quá cố ở Murambi là niềm an ủi đối với bà.

"Tôi không thể nhận diện được chồng và các con tôi do tiến trình ướp xác, và vì các bộ hài cốt này không còn quần áo. Có thể chồng con tôi đang ở một trong các phòng học này, hoặc đã bị lấp vùi trong các hố chôn tập thể. Nhưng tôi thấy họ dường như đang ở gần lắm. Tất cả những nạn nhân này giờ đây đã trở thành người thân của tôi."

Mười tám năm sau, quy mô của cuộc diệt chủng tại đây vẫn còn khiến người ta bàng hoàng. Cứ 7 người Rwanda thì có một người chết trong cuộc thảm sát kéo dài100 ngày và cho tới bây giờ, người ta vẫn phát hiện ra thêm nhiều xác chết.

Tại thành phố Cyancika cách Murambi hai dặm, một đài tưởng niệm khác đang được dựng nên. Ngôi mộ tập thể đang được đào lên này chưa gì đã lớn bằng kích thước một hồ bơi Olympic.

Thêm 25.000 nạn nhân nữa sẽ được chôn cất ở đây trong những năm tới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG