Đường dẫn truy cập

Quốc hội cần ra nghị quyết về chủ quyền biển đảo của Việt Nam


Biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam, tháng 5, 2014.
Biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam, tháng 5, 2014.

Quốc hội Việt Nam cần ra nghị quyết tái xác nhận chủ quyền biển đảo của Việt Nam và phủ nhận hiệu lực pháp lý của các văn kiện ngoại giao, các hiệp ước song phương liên quan đến biển đảo của Việt Nam do chính phủ hay đảng Cộng sản Việt Nam đã ký kết công khai hay bí mật với chính phủ và đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng đã không được Quốc hội thông qua, chiếu theo Hiến pháp Việt Nam và cũng là nguyên tắc chung về công pháp của hầu hết các quốc gia trên thế giới ngày nay trong quan hệ quốc tế.

Hiến pháp Việt Nam năm 1992, Điều 84, Khoản 13 qui định về nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc Hội “Quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại; phê chuẩn hoặc bãi bõ các điều ước quốc tế đã ký kết hoặc tham gia theo đề nghị của Chủ tịch nước.”

Sau khi Quốc Hội ra nghị quyết với nội dung căn bản như trên, chính phủ Việt Nam (Bộ Ngoại Giao) cũng cần soạn thảo và công bố Sách Trắng về chủ quyền biển đảo của Việt Nam với những căn cứ lịch sử, pháp lý, hành chánh và sự chiếm dụng thực địa lâu dài của Việt Nam. Dựa trên cơ sở này, tái xác nhận chủ quyền Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và tố cáo nhà cầm quyền Trung Quốc trước công luận quốc tế về các hành động dùng bạo lực xâm chiếm trái phép các vùng biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đồng thời xác định sự chiếm cứ bất hợp pháp này sẽ không thể trở thành vĩnh viễn và Việt Nam sẽ kiên trì sử dụng mọi phương cách cần thiết, hữu hiệu trong hiện tại cũng như tương lai để thu hồi chủ quyền các phần biển đảo của Việt Nam đã bị Trung Quốc xâm chiếm trái phép.

Vì sao Quốc hội Việt Nam cần phải ra một nghị quyết và và chính phủ Việt Nam cần công bố Sách Trắng về chủ quyền biển đảo của Việt Nam với nội dung như trên?

Theo nhận định của chúng tôi là vì, mặc dầu trước phản ứng quyết liệt của nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước cũng như phản ứng mạnh mẽ của công luận quốc tế, Trung Quốc đã phải rút giàn khoan HD-981 và tàu chiến ra khỏi vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam; và mặc dầu vào cuối tháng 8 năm 2014 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của đảng CSVN đã cử đặc sứ Lê Hồng Anh qua Trung Quốc cầu hòa, nhưng tất cả chỉ là những động tác giả bên ngoài, thực chất bên trong vẫn không làm thay đổi được gì tình hình thực tế.

Trung Quốc vẫn chưa và sẽ không bao giờ từ bỏ tham vọng bành trướng, lấn chiếm lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam. Do tương quan lực lượng không cân sức, Việt Nam đã không ngăn chặn được hành động xâm lăng của Trung Quốc, để mất phần lớn biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong hiện tại Việt Nam không đủ thế lực để đòi lại các phần biển đảo đã mất bằng cả hai phương cách quân sự và pháp lý, ngoại giao.

Thế nhưng trong tương lai gần xa các thế hệ nhân dân Việt Nam sẽ tìm mọi cách để đòi lại các phần biển đảo đã bị Trung Quốc chiếm cứ, thông qua các chính quyền hợp pháp chính đáng của dân, do dân và vì dân. Một trong những phương cách ưu tiên mà Việt Nam mong muốn trong hiện tại cũng như tương lai, là giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo một cách hòa bình thông qua thương lượng, dựa trên luật pháp và tập quán quốc tế.

Vì vậy, Quốc Hội Việt Nam cần phải ra một nghị quyết và chính phủ Việt Nam cần công bố Sách Trắng về chủ quyền biển đảo của Việt Nam với nội dung như trên, để bảo lưu tố quyền bất khả thời tiêu trước các cơ quan tài phán quốc tế mai hậu, cho dù Trung Quốc có chiếm cứ bất hợp pháp bao lâu các phần biển đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Như mọi người đã biết, thực tế Trung Quốc trong quá khứ đã dùng bạo lực quân sự xâm chiếm phần lớn các đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà trước đó các chính quyền Việt Nam kế tục quyền quản trị và bảo vệ đất nước, đã thể hiện chủ quyền bằng sự chiếm giữ thực địa lâu dài và sự xác lập bằng những chứng cứ lịch sử, pháp lý, hành chánh không thể tranh cãi.

Thế nhưng để biện minh cho hành động xâm lăng trắng trợn này,Trung Quốc đã đưa ra những căn cứ ngang ngược (Biển lịch sử, Bản đồ lưỡi bò 9 đoạn, 10 khúc v.v.) để coi hầu hết Biển Đông đều thuộc chủ quyền của mình. Đồng thời Bắc Kinh cũng chính thức công bố những văn kiện ngoại giao (như công hàm năm 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, văn thư năm 1956 của Bộ trưởng Ngoại Giao Ung Văn Khiêm v.v.); hay bán chính thức công bố những bằng chứng về sự cam kết bí mật nhượng quyền biển đảo của Việt Nam để đổi lấy sự viện trợ có điều kiện trong thời kỳ chiến tranh “giải phóng Miền Nam”, để cho rằng sự chiếm giữ các hải dảo của Việt Nam cũng chỉ là để thi hành mật ước để trừ nợ v.v.

Tất nhiên, nhân dân Việt Nam trong cũng như ngoài nước, những người thừa kế chính danh và là sở hữu chủ thực sự đất nước đã và sẽ không bao giờ chấp nhận thực tế trên.

Trong hiện tại, cả hai phương cách đòi lại các vùng biển đảo thuộc hai quần đào Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đều bất khả thi. Đó là phương cách quân sự, phương cách ngoại giao và pháp lý.

Phương cách quân sự, là bất khả thi vì tương quan lực lượng giữa Việt Nam và Trung Quốc không cân sức.

Vì vậy điều tốt nhất vẫn là Việt Nam mong muốn giải quyết tranh chấp một cách hòa bình thông qua thương lượng, căn cứ theo luật pháp quốc tế (như Luật Biển 1982 của LHQ), với sự hậu thuẫn của quốc tế.

Thế nhưng thực tế cũng đã cho thấy phương cách ngoại giao theo kiều cầu hòa, năn nỉ, nhượng bộ với kẻ xâm lăng cũng chỉ được kẻ xâm lăng thường tình tạm ngưng chứ vẫn không từ bỏ ý đồ xâm lăng biển đảo của Việt Nam. Trung Quốc vẫn âm thầm chuẩn bị cho những bước xâm lăng mới khi có điều kiện và thời cơ thuận lợi.

Còn phương cách pháp lý thì sao? Đó là việc đưa vụ Trung Quốc xâm chiếm các hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam ra trước cơ quan tài phán hay trọng tài quốc tế đề đòi lại chủ quyền. Dẫu biết rằng hiệu quả thực tế khó đạt, khi kẻ xâm lăng vẫn ỷ thế mạnh luôn cự tuyệt không tham gia phương cách pháp lý này.

Nói tóm lại, thực tế biện pháp quân sự bất khả thi, biện pháp pháp lý khả thi không hiệu quả, ai cũng thấy tất cả là vì thế lực yếu kém của Việt Nam so với Trung Quốc cộng với thế yếu về ngoại giao của Việt Nam đã không tạo được sức hậu thuẫn quốc tế đòi buộc được Trung Quốc trả lại phần biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã cưỡng chiếm của Việt Nam. Thế nhưng, nhân dân Việt nam chắc chắn không chấp nhận thực tế để mất một phần biển đảo của Tổ quốc vào tay Trung Quốc. Nếu hiện tại do thế lực yếu kém không đòi lại được, thì các thế hệ nhân dân Việt Nam tương lai phải bằng mọi cách và mọi giá đòi lại, khi có thế lực mạnh và thời cơ thuận lợi.

Phương cách pháp lý để trong tương lai đòi lại chủ quyền biển đảo bị Trung Quốc cưỡng chiếm chính là lý do Quốc Hội đương nhiệm cần ra Nghị quyết tái xác nhận chủ quyền biển đảo của Việt Nam và phủ nhận hiệu lực của các văn kiện ngoại giao, các hiệp ước song phương liên quan đến biển đảo của Việt Nam do chính phủ hay đảng Cộng Sản Việt Nam đã ký kết công khai hay bí mật với chính phủ và đảng Cộng sản Trung Quốc v.v. Tất cả chỉ là để bảo lưu tố quyền bất khả thời tiêu trước cơ quan tài phán quốc tế sau này.

Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG