Đường dẫn truy cập

Quan ngại về việc Trung Quốc trấn át công dân song tịch


Hu Wei

Bộ Công an Trung Quốc vừa loan báo một chính sách mới khuyến khích việc báo cáo những người xin nhập tịch một nước khác mà vẫn giữ quốc tịch Trung Quốc. Quyết định này đã đưa tới một cuộc tranh luận gay gắt về vấn đề song tịch và tác động của vụ trấn át này đối với những người Trung Quốc đang sinh sống ở nước ngoài.

Mới đây, Bộ Công an Trung Quốc đã công bố các thủ tục báo cáo những người có quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn giữ giấy chứng minh Trung Quốc và các quyền lợi của mình.

Các quan sát viên nói chính sách mới ít nhất một phần nhắm vào những người gọi là “loã quan,” tức các công chức có gia đình và tài sản ở nước ngoài, cho phép họ giấu giếm các lợi lộc do tham nhũng. Người ta cho rằng có tới hàng ngàn những “loã quan” như thế, nhưng không rõ chính xác là bao nhiêu.

Ông La Tân, chủ tịch tổ chức Tham vấn Di trú Robinson ở Canada, bày tỏ sự ủng hộ dành cho việc chính phủ Trung Quốc thực thi nghiêm khắc chính sách một quốc tịch duy nhất. Ông nói:

“Trong tình hình kinh tế Trung Quốc đang phát triển, ở một mức độ nào đó đã có một loạt những vấn đề, như tham nhũng kinh tế. Chính phủ Trung Quốc nay nhận thức rõ tầm nghiêm trọng của các vấn đề đó. Qua việc thực thi nghiêm khắc chính sách quốc tịch duy nhất, tôi tin rằng họ đang làm điều đúng để ngăn chặn các giới chức tham nhũng hay tội phạm chạy trốn ra nước ngoài hoặc chuyển tài sản đi.”

Tuy nhiên, các giới chức tham nhũng tránh né các biện pháp trừng phạt pháp lý bằng cách chuyển khoản ra nước ngoài chiếm phần thiểu số. Đa số những người có thể bị tác động lại là những người đã xin nhập tịch nước ngoài để làm việc hay vì lý do gia đình không có liên quan gì đến các vấn đề tham nhũng.

Ông La nghĩ việc thực thi chặt chẽ hơn có thể gây ra một sự mất mát về lợi ích tài chính đối với những người mất thẻ chứng minh Trung Quốc vì có quốc tịch nước ngoài.

“Có rất nhiều hạn chế. Chẳng hạn như, chúng tôi không được phép mua nhà. Ngoài ra, nhiều người Trung Quốc về hưu sau 20 hay 30 năm làm việc. Mối quan ngại của họ là, một khi có quốc tịch nước ngoài, liệu các hưu bổng và những quyền lợi tích luỹ được ở Trung Quốc sẽ còn được giữ hay không.”

Trong những năm gần đây, nhu cầu song tịch đã trở nên nổi bật hơn. Song giáo sư Đồng Chi Vĩ, giáo sư tại trường Đại học Luật và Khoa học Chính trị ở Thượng Hải, cho rằng vấn đề rất phức tạp. Ông nói:

“Một mặt, song tịch có lợi cho các cá nhân, cụ thể là nhiều Hoa kiều ở đi học hay làm ăn ở nước ngoài. Giữ song tịch, họ không cần phải qua thủ tục xin thi thực, và họ được hưởng các quyền lợi của cả hai nước.”

Nhưng ông nói thêm rằng chính phủ Trung Quốc có những quan ngại riêng về song tịch:

“Chẳng hạn như, khi một người Hoa có hộ chiếu Mỹ phạm một tội, hay có vấn đề đối đầu với chính phủ Trung Quốc, trong trường hợp ông ta hay bà ta bị giam giữ hay đưa ra toà ở Trung Quốc, thì chính phủ Trung Quốc sẽ phải thông báo và làm việc với Hoa Kỳ về vụ việc. Đây không những là một tiến trình rườm rà, mà còn đem lại cho các nước ngoài các cái cớ để can thiệp vào nội bộ Trung Quốc.”

Thực thi song tịch hợp pháp dường như không phải là một ưu tiên trong đoản kỳ, vì thế một số người đang kêu gọi Bắc Kinh mở rộng chương trình “thẻ xanh”, để cho các công dân nước ngoài được sinh sống và làm việc bên trong Trung Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG