Đường dẫn truy cập

Quan hệ Mỹ-Nga: Đã xấu lại càng xấu


Tổng thống Barack Obama gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Enniskillen, Bắc Ireland, 17/6/2013.
Tổng thống Barack Obama gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Enniskillen, Bắc Ireland, 17/6/2013.

Những phát biểu gần đây của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Liên Hiệp Quốc cho thấy mối quan hệ giữa Washington và Moscow chẳng mấy tốt đẹp.

Tổng thống Obama nói rằng cộng đồng quốc tế phải gấp rút giải quyết điều mà ông gọi là "hành động gây hấn của Nga ở châu Âu" – nhắc tới việc Moscow sáp nhập bán đảo Crimea và sự hỗ trợ dành quân ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine, điều mà Moscow vẫn bác bỏ. Tổng thống Obama so sánh hành động của Nga ở Ukraine với hai vấn đề quốc tế cấp bách khác: đợt bùng phát virus Ebola và "sự tàn bạo của những kẻ khủng bố ở Syria và Iraq."

Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Lavrov cáo buộc Mỹ đang theo đuổi chính sách "ngạo mạn" ở Ukraine và tìm cách - theo lời ông - "bóp méo sự thật" về những gì đang xảy ra ở đó.

Quan hệ Mỹ-Nga: Đã xấu càng xấu

Ông John Parker, một chuyên gia về Nga tại Đại học Quốc phòng Quốc gia, nhận định rằng mối quan hệ giữa Washington và Moscow đang ở điểm thấp nhất từ nhiều thập kỷ nay.

"Xấu nhất trong suốt 30-35 năm qua. Chúng ta phải quay trở lại thời điểm ngay sau khi Liên Xô xâm lăng Afghanistan vào cuối năm 1979 và thời điểm Liên Xô bắn rơi máy bay chở khách của Hàn Quốc vào năm 1983 để tìm ra một khoảng thời gian mà các quan hệ hai nước xấu như vậy," ông Parker nói.

Lúc khởi đầu chính quyền Obama tình hình không xấu như vậy, khi cái gọi là "thiết định lại" mối quan hệ mở ra bầu không khí tích cực, mà kết quả là một hiệp ước quan trọng về kiểm soát vũ khí chiến lược nhằm giảm số lượng vũ khí hạt nhân tầm xa.

Những điển hình khác cho sự hợp tác giữa hai nước bao gồm lập trường cứng rắn hơn của Moscow đối với Iran về chính sách vũ khí hạt nhân của nước này. Và Moscow cho phép quân đội Mỹ đi qua Nga khi vào và ra khỏi Afghanistan - một bước quan trọng khi binh sĩ tác chiến của Mỹ giảm dần sự hiện diện tại đất nước này.

Nhưng các nhà phân tích nói trong những năm gần đây, mối quan hệ này đã xấu đi.

Một lý do là sự ủng hộ không suy suyển của Nga đối với nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad. Một lý do khác là Moscow quyết định cấp cho cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden giấy phép lưu trú ba năm tại Nga. Và cuối cùng, hành động của Nga ở Ukraine đã khiến Mỹ và Liên minh châu Âu áp đặt những biện pháp trừng phạt kinh tế.

Còn có thể hợp tác

Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Lavrov tại phòng Bầu Dục, Tòa Bạch Ốc ở thủ đô Washington, 7/5/2009.
Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Lavrov tại phòng Bầu Dục, Tòa Bạch Ốc ở thủ đô Washington, 7/5/2009.

Ông Stephen Jones, một chuyên gia về Nga tại trường đại học Mount Holyoke, nói rằng mặc dù mối quan hệ đang xấu đi, hai nước có thể hợp tác, ví dụ, trong cuộc đấu tranh chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

"Đây là lĩnh vực mà rõ ràng Nga và Mỹ có lợi ích chung trong việc cố gắng ngăn chặn sự lan tỏa của nhóm Nhà nước Hồi giáo sang các khu vực khác. Nga ắt hẳn lo ngại về vấn đề này và những gì có thể xảy ra ở Trung Á với sự gia tăng của chủ nghĩa nguyên bản Hồi giáo," ông Jones cho biết.

Nhưng ông Matthew Rojansky của Trung tâm Wilson thấy khó có sự hợp tác ở mặt trận này. Ông nói: "Toàn bộ tiền đề chính sách đối ngoại của [Tổng thống Nga Vladimir] Putin là ông ta không theo bất cứ ai, huống hồ là Mỹ."

Quan hệ xấu khó đảo chiều

Nhận định tình hình sắp tới, nhiều chuyên gia, trong đó có ông John Parker của Đại học Quốc phòng, nói rằng mối quan hệ giữa Washington và Moscow sẽ không biến chuyển trong vài năm tới.

"Tổng thống Mỹ nào kế tiếp vẫn sẽ gặp nhiều vấn đề trong việc đối phó với Nga, và phía Nga đối với Mỹ cũng vậy. Vì vậy, tôi thực sự thấy có một thời kỳ như chiến tranh lạnh kéo dài trước mắt chúng ta và chắc chắn sẽ lấn sâu vào nhiệm kỳ đầu tiên của bất cứ ai kế nhiệm Tổng thống Obama tại Tòa Bạch Ốc," ông Parker nói. "Còn ở phía bên kia, tất nhiên không có dấu hiệu cho thấy ông Putin sẽ rời điện Kremlin. Vì vậy phía đó sẽ không thay đổi. Ông Putin sẽ không thay đổi lập trường chính trị của mình."

Các nhà phân tích cũng cho biết có quá nhiều mối hoài nghi giữa hai bên và điều này sẽ ngăn cản bất kỳ diễn biến tích cực nào trong mối quan hệ giữa hai nước.

VOA Express

XS
SM
MD
LG