Đường dẫn truy cập

Quân đội Thái Lan đảo chính, cam kết cải tổ


Tham mưu trưởng quân đội Thái Lan Prayuth Chan-ocha tuyên bố trên truyền hình rằng quân đội đã nắm quyền kiểm soát đất nước để giúp vãn hồi trật tự và đẩy mạnh cải cách chính trị.
Tham mưu trưởng quân đội Thái Lan Prayuth Chan-ocha tuyên bố trên truyền hình rằng quân đội đã nắm quyền kiểm soát đất nước để giúp vãn hồi trật tự và đẩy mạnh cải cách chính trị.
Hôm nay, quân đội Thái Lan đã chính thức nắm quyền kiểm soát đất nước trong một cuộc đảo chính, 2 ngày sau khi tham mưu trưởng quân đội ban hành thiết quân luật. Quân đội đã bắt giữ các giới chức chính phủ và siết chặt những hạn chế đối với giới truyền thông. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Steve Herman gửi về bài tường thuật sau đây.

Bên cạnh những người đứng đầu quân lực, Tham mưu trưởng quân đội Thái Lan, tướng Prayuth Chan-ocha đã xuất hiện trên các đài truyền hình chính vào chiều hôm nay và tuyên bố quân đội và cảnh sát nay điều hành chính phủ của vương quốc này.

Tướng Prayuth nói quân đội và cảnh sát cần phải “nắm quyền cảnh sát và cai trị đất nước.” Ông nói quân đội sẽ vãn hồi trật tổ và đẩy mạnh cải cách chính trị.

Quân đội nói cơ quan mới cầm quyền đất nước nay là Hội đồng Duy trì Trật tự và Hòa bình Quốc gia, NOMC, do tham mưu trưởng quân đội đứng đầu.

Tiếp theo thông báo, quân đội đã bắt giữ các giới chức cao cấp trong chính phủ tàm quyền cũng như các nhà lãnh đạo các phe phái chính trị kình chống nhau. Sau đó quân đội đã ra lệnh cho các thành viên còn lại của chính phủ tạm quyền, kể cả quyền thủ tướng, ra trình diện tại văn phòng chính của quân đội ở Bangkok.
Binh sĩ Thái Lan tại khu vực nơi người biểu tình chống chính phủ tụ tập ở Bangkok, ngày 22/5/2014.
Binh sĩ Thái Lan tại khu vực nơi người biểu tình chống chính phủ tụ tập ở Bangkok, ngày 22/5/2014.

Binh sĩ đã tiến vào giải tán hai địa điểm biểu tình chính, nơi những người biểu tình ủng hộ và chống chính phủ đã tổ chức tụ tập trong những ngày vừa qua. Họ đã giải tán các đám đông và bắt giữ nhiều thủ lãnh. Quân đội cũng công bố lệnh giới nghiêm trên toàn quốc từ 10 giờ tối đến 5 giờ sáng.

Tất cả các đài truyền hình quốc nội đều được lệnh đình chỉ các chương trình. Các buổi phát hình và phát thanh tin tức nước ngoài cũng bị đình chỉ. Dịch vụ internet dường như không bị ảnh hưởng.

Phe Áo Ðỏ thân chính phủ đã rời khỏi địa điểm tụ tập ở ven đô, nhưng trên mạng xã hội, họ vẫn tỏ ra thách thức. Một tin nhắn qua Twitter của Mặt trận Thống nhất ủng hộ Dân ch3u chống Ðộc tài, còn gọi tắt là UDD, cảnh báo “sẵn sàng bị trả đũa.”

Tại địa điểm biểu tình chống chính phủ, nhiều người biểu tình hoan nghênh cuộc đảo chính, và coi đó là bước cuối cùng để dẹp bỏ các đối thủ chính trị ra khỏi quyền lực.

Thái Lan nay đã trải qua 19 cuộc đảo chính hay âm mưu đảo chính kể từ năm 1932. Giáo sư môn chính trị tại trường Ðại học New South Wales ở Australia Carl Thayer có nhận xét:

“Thái Lan hết sức phân cực. Quân đội không trung lập. Quân đội thường ngả về nhà vua và sự kiện này nay có thể đưa đến việc chống lại chế độ quân trị. Tất cả dường như lại trở lại tình hình giống như năm 2006.”
Quân đội công bố lệnh giới nghiêm toàn quốc từ 10 giờ tối đến 5 giờ sáng.
Quân đội công bố lệnh giới nghiêm toàn quốc từ 10 giờ tối đến 5 giờ sáng.

Cuộc đảo chính của quân đội năm 2006 đã dẫn đến những thay đổi trong hiến pháp nhằm mục đích thiết lập một hệ thống chính trị ổn định hơn. Cuối năm ngoái, người biểu tình chống chính phủ bắt đầu các cuộc tụ tập ở Bangkok, vận động lật đổ chính phủ dân cử và thực thi các cải cách chính trị có ý nghĩa hơn.

6 tháng sau, sau khi khoảng 28 người thiệt mạng và 700 người bị thương trong các vụ bạo động có liên quan đến các cuộc phản kháng chính trị, quân đội cho hay sẽ tiếp quản để chấm dứt bạo lực.

Nguồn gốc cuộc giằng co chính trị đã có từ nhiều năm. Một bên, các thành phần bảo hoàng và các nhóm liên minh tìm cách kết thúc ảnh hưởng của nhà tỷ phú Thaksin Shinawatra, mà chính đảng và các ứng cử viên đã thắng trong mọi cuộc bầu cử từ năm 2001.

Là một người theo chủ nghĩa dân túy được sự hậu thuẫn của giới lao động và cử tri vùng nông thôn, ông Thaksin đã bị đẩy ra khỏi chức thủ tướng trong một cuộc đảo chính năm 2006. Ông hiện tự ý đi sống lưu vong để tránh một án tù về tội tham nhũng. Ông và các ủng hộ viên gọi các cáo trạng đó là có động cơ chính trị.

Người lãnh đạo Phong trào Cải cách Dân chủ Nhân dân, cựu thủ tướng Suthep Thaugsuban, đã phát động nhiều “trận chiến cuối cùng” từ các sân khấu tụ tập để lật đổ chính phủ có liên minh với ông Thaksin.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG