Đường dẫn truy cập

LHQ: Qatar ngược đãi lao động nhập cư


Đội ngũ công nhân di trú 1 triệu 350 ngàn người là lực lượng lao động nòng cốt giúp cho Qatar có được những kiến trúc đồ sộ và ngoạn mục.
Đội ngũ công nhân di trú 1 triệu 350 ngàn người là lực lượng lao động nòng cốt giúp cho Qatar có được những kiến trúc đồ sộ và ngoạn mục.
Các công trình xây dựng sân vận động, khách sạn và cơ sở hạ tầng cho World Cup 2022 đang được tiến hành ở Qatar. Nhưng Hội Ân xá Quốc tế cùng với Liên hiệp quốc cho biết hàng triệu công nhân di trú mà Qatar dựa vào để thực hiện các công trình này đang bị đối xử rất tệ hại. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết qua bài tường thuật của thông tín viên Henry Ridgwell của đài VOA.

Đội ngũ công nhân di trú 1 triệu 350 ngàn người là lực lượng lao động nòng cốt giúp cho Qatar có được những kiến trúc đồ sộ và ngoạn mục mọc lên từ những bãi cát và những hòn đảo nhân tạo.

Nhưng các tổ chức nhân quyền nói rằng điều kiện sinh sống và làm việc của các công nhân này không phù hợp chút nào với những tham vọng hiện đại hóa của Qatar.

Hội Ân xá Quốc tế cho biết nhiều công nhân phải sống chen chúc từ 10 người đến 15 người trong một căn phòng hẹp mà không có máy điều hòa không khí trong lúc nhiệt độ ngoài trời lên tới 45 độ bách phân.

Nước cống và rác rưởi dơ bẩn tràn ngập tại những con hẻm trong khu nhà của các công nhân người nước ngoài.

Ông Audrey Gaughran, Giám đốc Vấn đề Toàn cầu của Hội Ân xá Quốc tế, cho biết nhiều công nhân di trú còn không được trả lương.

"Chúng tôi phát giác có những công nhân không được trả lương trong nhiều tháng, từ 6 đến 9 tháng, mà vẫn bị buộc phải đi làm. Chúng tôi phát giác có những công nhân sinh sống trong những điều kiện như ổ chuột, vô cùng tệ hại, tại các trại lao động."

Hầu hết các công nhân này là những người đến từ các nước Nam Á và Đông Nam Á, như Nepal, Ấn Độ và Sri Lanka. Ông Gaughran nói rằng ngay cả trong trường hợp những người này muốn về nước họ cũng không thể về được.

"Công nhân di trú không thể rời khỏi nước này mà không có giấy phép xuất cảnh, và người chủ của họ phải đồng ý thì họ mới được cấp giấy phép xuất cảnh. Và họ không thể thay đổi công việc mà không có sự cho phép của người chủ."

Ông Aniruda Kumar, người Nepal, là một trong 6 người cư trú tại một căn phòng không có điện.

Anh Kumar cho biết anh và bạn anh mỗi ngày chỉ ăn được một bữa và phải nhịn đói. Anh nói rằng gạo trong nhà đã hết nhưng các anh không có tiền để mua cho nên các anh cứ phải nhịn đói chứ không còn cách nào khác.

Các tổ chức nhân quyền cũng lên tiếng báo động về điều kiện làm việc ở Qatar.

Liên đoàn Công đoàn Quốc tế cảnh báo rằng nếu tỉ lệ tử vong hiện nay vẫn giữ nguyên, chương trình xây dựng cho World Cup ở Qatar sẽ cướp đi sinh mạng của 4.000 công nhân di trú vào năm 2022.

Anh Bhupendra Malla Thakuri, cũng là người Nepal, mới đây đã giành được thắng lợi trong một vụ kiện chống lại giới chủ nhân sau một tai nạn làm anh suýt chết hồi năm 2011.

Anh Thakuri cho biết anh đã phải làm việc không ngừng tay từ 4 giờ sáng cho tới 10 giờ hoặc 11 giờ tối. Và mỗi khi anh xin ngừng tay để ăn, thì người đốc công lại nói với anh là anh tới đây để làm việc chứ không phải để ăn.

Chính phủ Qatar chưa bình luận gì về báo cáo của Hội Ân xá Quốc tế. Nhưng họ nói rằng những công nhân xây dựng các công trình World Cup sẽ có điều kiện làm việc thỏa đáng.

Ông Francois Crepeau, Báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về Nhân quyền của người nhập cư, nói rằng đã tới lúc phải hành động.

"Điều này có lẽ sẽ gia tăng những sự khó khăn bởi vì con số của người lao động sẽ lại gia tăng rất nhiều trong những năm sắp tới. Nhưng điều này cũng mang lại một cơ hội bởi vì Qatar sẽ được nhiều người chú ý nhìn vào."

Liên đoàn Bóng đá Thế giới, tức FIFA, cho biết họ sẽ nêu các vấn đề này với giới hữu trách Qatar. Các tổ chức nhân quyền nói rằng FIFA có đủ sức mạnh để làm nhiều hơn nữa cho mục tiêu cải thiện các quyền của người lao động di trú ở Qatar.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG