Đường dẫn truy cập

Phong trào chiếm đóng Hong Kong vẫn tiếp tục nhưng bị đe dọa đóng cửa


Những người tham gia phong trào chiếm đóng tổ chức buổi hòa nhạc
Những người tham gia phong trào chiếm đóng tổ chức buổi hòa nhạc
Phong trào Chiếm đóng ra đời vào tháng 10 năm 2011. Thất vọng về nhận thức về tính tham lam của các công ty và những hành động quá độ của các nhà ngân hàng theo nhận thức của nhiều người, giới đấu tranh trên toàn thế giới đòi phân phối sự thịnh vượng một cách công bằng hơn.

Tuy nhiên lần lượt từng chính quyền một dẹp bỏ các địa điểm chống đối đã mọc lên như nấm từ Abuja cho đến Zurich. Từ Hong Kong, thông tín viên Ivan Broadhead của Đài VOA tường trình rằng trại chiếm đóng cuối cùng tại một trong các trung tâm tài chánh toàn cầu cuối cùng đã bị đe dọa đóng cửa.

Tại trung tâm khu vực dành cho người bộ hành bên dưới trụ sở một tập đoàn ngân hàng lớn hàng thứ hai trên thế giới, các thành viên của Phong trào Chiếm đóng Hong Kong bất chấp lệnh trục xuất ấn định vào 9 giờ tối, và thay vì tuân thủ lệnh của tòa án, họ cho tổ chức một đại nhạc hội.

Các dữ kiện do chính phủ công bố hồi tháng 6 vừa rồi cho thấy những bất bình đẳng về mức thu nhập tại Hong Kong là thuộc hạng tệ nhất trong các quốc gia đang phát triển.

Cô Judy Hai, một cô giáo dạy âm nhạc 25 tuổi giải thích lý do vì sao cô ủng hộ phong trào chiếm đóng:

“Thành thật mà nói tôi không có đủ tiền để sở hữu một căn nhà riêng. Tôi muốn có đời sống của riêng tôi - một cuộc sống thực và chân thành. Trong xã hội này, biết bao nhiêu người có tính tham lam, điều này khiến tôi bất bình.”

Sự kiện bắt đầu như một cuộc tụ tập trước khi đóng cửa vào chiều tối thứ Hai đã biến thành một sự kiện vinh danh sức thu hút kéo dài của phong trào chiếm đóng Hong Kong.

Những người qua đường, du khách, và ngay cả một vài giám đốc ngân hàng cũng gia nhập nhóm nhân vật đấu tranh lên tới hàng trăm người, giữa lúc ban nhạc Dada Baba, hát tiếng Quảng Đông, trình diễn những bản nhạc hay nhất của họ.

Tới nửa đêm, nhà chức trách vẫn chưa có động thái nào để xông vào giải tán đám đông. Bà Lâm Ủy Văn thuộc trường đại học Hong Kong, một nhà phân tích các hoạt động chính trị ở cấp cơ sở, tiên đoán rằng các giới chức Hong Kong có phần chắc sẽ không ra tay sớm để dẹp trại chiếm đóng này. Bà nhận định:

“Ngày 9 tháng 9 sẽ có bầu cử Hội đồng Lập pháp ở Hong Kong. Chính quyền tại đây không muốn gây ra bất cứ cuộc đối đầu hay cuộc tranh cãi nào trước thời gian bầu cử.”

Trong một thông báo, Ngân hàng Hong Kong và Thượng Hải nói họ sẽ quay lại tòa án để đòi lại khu đất bị chiếm đóng.

Tuy nhiên phong trào Chiếm đóng đã suy yếu dần trong nhiều tháng qua, đánh mất sự ủng hộ vì những người biểu tình ngày càng tỏ ra cực đoan hơn.

Một nhóm chủ chốt trong phong trào chiếm đóng thuộc lứa tuổi 20, tự xưng là “những kẻ vô chính phủ”, họ từ chối nói chuyện với truyền thông hay tham gia các cuộc tranh luận công cộng. Thay vào đó, họ bỏ ra hàng giờ dùng máy vi tính Apple để lướt các trang mạng.

Bà Lâm nói ngoài ra, dân chúng Hong Kong còn bận tâm về những vấn đề mới, đặc biệt là một kế hoạch của Đảng Cộng Sản Trung Quốc dự tính đưa vào hoạt động những lớp học về đặc tính quốc gia tại Hong Kong, một thành phố vô cùng tự hào về nền văn hóa đặc thù riêng bên trong một nước Trung Quốc.

Bà Lâm nói: “Những thành phần khác nhau kể cả phụ huynh, nhà giáo, nhân viên xã hội và giới trẻ đang thành lập các tổ chức đấu tranh để bày tỏ sự quan tâm của họ về tiến trình thực thi nền giáo dục quốc gia trong hệ thống trường trung học và tiểu học ở Hong Kong.”

Mặc dù số người biểu tình đang sụt giảm, trại chiếm đóng Hong Kong lại được nhiều người biết đến hơn. Nhờ việc cung cấp một nơi tạm trú với nguồn lương thực không bao giờ cạn, trại chiếm đóng đã biến thành nơi tạm trú cho những người vô gia cư trong thành phố, thành phần không sở hữu tài sản, và những người mắc bệnh tâm thần.

Bà Bonny Jone, một nhân viên xã hội đã về hưu, hàng đêm đến chăm sóc và hỗ trợ thành phần bị thiệt thòi này tại một địa điểm cắm trại cáu bẩn đã bị tuyên bố là một mối nguy cho sức khỏe công cộng.

Bà Jone nói đang có quan tâm về liệu những người đang ở trong trại sẽ đi đâu, khi trại bị đóng cửa, là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Bà nói:

“Tòa đã ra phán quyết là phải giải tán trại này, mọi người phải rời khỏi nơi đây. Do đó, cảnh sát có quyền lấy đi tất cả mọi thứ ra khỏi đây sau hạn chót. Tôi nghĩ chính phủ phải gởi một số nhân viên xã hội đến giúp.”

Những người này có lẽ sắp được giúp đỡ dài hạn. Chính quyền Hong Kong mới đây loan báo sẽ lập lại Uỷ ban Nghèo khó để xác định những khu vực chính phủ có thể giúp người nghèo.

Tuyên ngôn của những đảng phái chính trị dự tranh trong cuộc bầu cử tháng này cũng hứa sẽ xóa bỏ khoảng cách giữa thành phần giàu có và người nghèo.

Tuy nhiên các thành viên trong chiến dịch Chiếm đóng Hong Kong nói rằng khi nào họ bị trục xuất, họ sẽ kéo nhau đến cắm trại tại hội đồng thành phố để tiếp tục cuộc tranh đấu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG