Đường dẫn truy cập

Philippines, Mỹ tập trận chung để đối phó Trung Quốc


Binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ và Philippines trong cuộc diễn tập thường niên tại thị trấn Nueva Ecija, Philippines, ngày 20/4/2015.
Binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ và Philippines trong cuộc diễn tập thường niên tại thị trấn Nueva Ecija, Philippines, ngày 20/4/2015.

Các cuộc thao diễn quân sự chung với sự tham gia của một con số lớn hơn bình thường binh sĩ Mỹ và Philippines hôm thứ Hai tiến hành giữa những mối quan ngại về công tác khai phá mở rộng của Trung Quốc trong vùng biển Đông đang có tranh chấp. Từ Manila, thông tín viên VOA Simone Orendain gửi về bài tường thuật.

Các sĩ quan Mỹ và Philippines tại tổng hành dinh quân đội ở vùng thủ đô Manila đã giương một lá cờ trắng bóng loáng đánh dấu khởi đầu các cuộc diễn tập chung mà họ nói là lớn hơn và “phức tạp hơn” so với những năm trước.

Hơn 5.000 binh sĩ Philippines và khoảng 6.500 binh sĩ Mỹ tham gia cuộc diễn tập. Tướng Philippines Rodolfo Santiago cho biết thông thường chỉ có tổng cộng khoảng từ 6.000 đến 8.000 binh sĩ tham gia hàng năm.

Tướng Santiago nói: “Nhưng ta thấy khuynh hướng thực sự gia tăng mỗi năm, Và như tôi đã nói, đó là tiến trình tự nhiên của mức độ phát triển khả năng, mức độ khả năng tương đương với tính cách phức tạp của hoạt động và cuộc diễn tập mà chúng tôi thực hiện.”

Đối tác phía Mỹ, Tướng Christopher Mahoney, nói các cuộc diễn tập năm nay gồm các cuộc đổ bộ, các cuộc tập bắn đạn thật, và trinh sát hàng hải có tính cách tinh vi hơn và phức tạp hơn so với trước đây.

Nhưng năm nay dự kiến cũng đánh dấu khởi đầu một hiệp ước quốc phòng mới theo đó sẽ có nhiều binh sĩ Hoa Kỳ luân phiên bố trí ở Philippines và việc định vị trước các khí tài tại những căn cứ chọn lọc ở Philippines. Hiệp ước Hợp tác Quốc phòng Nâng cao giữa hai nước, ký hồi tháng 4 năm ngoái, chưa được thực thi vì những thách thức về tính hợp hiến của hiệp ước tại tối cao pháp viện Philippines.

​Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin nêu ra trở ngại này trong một bài phát biểu tại lễ khai mạc.

Tướng Christopher Mahoney nói các cuộc diễn tập năm nay gồm các vụ đổ bộ, các cuộc tập bắn đạn thật, và trinh sát hàng hải có tính cách tinh vi hơn và phức tạp hơn so với trước đây.
Tướng Christopher Mahoney nói các cuộc diễn tập năm nay gồm các vụ đổ bộ, các cuộc tập bắn đạn thật, và trinh sát hàng hải có tính cách tinh vi hơn và phức tạp hơn so với trước đây.

Ông Gazmin cho biết: “Chúng tôi sẽ xúc tiến cuộc diễn tập trong khi vận động hướng tới việc đưa vào hoạt động – nếu được phép của Tòa án Tối cao – Hiệp ước Hợp tác Quốc phòng Nâng cao, sẽ giúp chúng ta tiến hành các cuộc diễn tập phối hợp một cách chuyên nghiệp hơn và hiệu quả hơn.”

Không đi sâu vào chi tiết, một người phát ngôn Quân lực Philippines nói với đài VOA rằng có một số cuộc diễn tập mà nhóm này muốn đưa vào các cuộc thao diễn chung năm nay nếu như không phải chờ đợi quyết định vừa kể.

Ông Carl Baker là giám đốc chương trình tại Diễn đàn Thái Bình Dương của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Sách lược, một tổ chức nghiên cứu về an ninh ở thủ đô Washington. Ông nói cho dù chưa có hiệu lực, hiệp ước vẫn đem lại lợi ích cho cả hai nước.

Ông Baker cho biết: “Biến chuyển thực sự, và có lẽ lý do vì sao họ đưa thêm binh sĩ, là Hoa Kỳ và Philippines đều nói rằng điều quan trọng là chứng tỏ Philippines đang chuyển trọng tâm từ phòng vệ trong nước ra nước ngoài và điều đó, dĩ nhiên, đòi hỏi có thêm binh sĩ và có thể là một vị thế phòng vệ lớn hơn của Hoa Kỳ.”

Hiệp ước củng cố các nỗ lực của Hoa Kỳ cố ý chuyển tầm nhìn chiến lược qua châu Á. Nó cũng củng cố lập trường quốc phòng khả tín tối thiểu của Philippines trước vụ tranh chấp với Trung Quốc về những hòn đảo trong vùng biển Đông.

Trong khi các giới chức quân sự của cả Hoa Kỳ lẫn Philippines đều không nhắm mục tiêu vào một quốc gia cụ thể nào, ông Baker gọi số binh sĩ gia tăng là “phản ứng kín đáo mà không mang tính cách khiêu khích quá mức” đối với một Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn ở Biển Đông.

Trung Quốc đã có nhiều hoạt động trong vùng biển có tranh chấp trong những năm gần đây với những cuộc tuần tra thường xuyên, hoạt động khoan dầu và nay là công tác xây dựng trên những bãi đá có tranh chấp, tất cả mọi việc diễn ra trong khi nhắc đi nhắc lại “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với vùng biển và hàng trăm đảo và bãi đá. Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Đài Loan cũng tranh giành chủ quyền khu vực này.

Tướng Gregorio Pio Catapang công bố hình ảnh chụp được hôm 11 tháng 4 tại các bãi cạn đã được mở rộng một cách đáng kể này.
Tướng Gregorio Pio Catapang công bố hình ảnh chụp được hôm 11 tháng 4 tại các bãi cạn đã được mở rộng một cách đáng kể này.

Gần đây nhất, Trung Quốc tiến hành công tác khai phá tại 7 bãi cạn đang có tranh chấp, mà Philippines cũng đòi chủ quyền trong quần đảo Trường Sa. Vài giờ trước khi khai mạc các cuộc thao diễn chung, Tổng tư lệnh Quân lực Philippines, Tướng Gregorio Pio Catapang đã công bố các hình ảnh chụp được hôm 11 tháng 4 tại các bãi cạn đã được mở rộng một cách đáng kể này.

Tướng Catapang nói: “Việc này sẽ tác động hết sức to lớn đến sự đi lại của các ngư dân của chúng tôi, sự đi lại của đội Tuần duyên của chúng tôi và đương nhiên sự đi lại của Hải quân chúng tôi.”

Các mối quan ngại chính đối với Manila là 2 bãi đá nơi đang hình thành các sân bay. Bãi đá Vành Khăn có một sân bay sắp hoàn tất và ở rất gần Bãi cạn Thomas số 2, nơi một đơn vị nhỏ của Philippines đang trú đóng trên một chiếc tàu cũ mắc cạn. Điểm thứ hai là Bãi cạn Subi, mà tướng Catapang nói ở cách đảo Thitu chừng 75 kilomet, nơi sinh cư của khoảng 150 thường dân Philippines.

Bắc Kinh từng tuyên bố việc khai phá của họ không nhắm mục tiêu vào một nước nào. Hơn nữa, họ nói họ hoàn toàn có quyền xây dựng trên lãnh thổ thuộc chủ quyền của họ và rằng sự phát triển nhắm mục tiêu nhu cầu dân sự và “nhu cầu cho quốc phòng cần thiết.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG