Đường dẫn truy cập

Ông Obama, Modi thảo luận về tiến bộ trong thỏa thuận khí hậu


Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (phải) nghe Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu trước giới truyền thông trong cuộc họp ở Phòng Bầu dục của Tòa Bạch Ốc, Washington, ngày 7 tháng 6 năm 2016.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (phải) nghe Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu trước giới truyền thông trong cuộc họp ở Phòng Bầu dục của Tòa Bạch Ốc, Washington, ngày 7 tháng 6 năm 2016.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tiếp kiến Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm thứ Ba tại Tòa Bạch Ốc cho cuộc hội đàm nhằm củng cố những quan hệ an ninh và kinh tế, và những chiến lược để thi hành thỏa thuận biển đổi khí hậu toàn cầu mang tính bước ngoặt, đạt được vào năm ngoái ở Paris.

Sau đó ông Obama nói: "Chúng tôi đã thảo luận về cách thức mà chúng tôi có thể thi hành thỏa thuận Paris nhanh nhất có thể, [và] về cách thức mà chúng tôi có thể bảo đảm rằng nguồn tài trợ khí hậu, cần thiết để Ấn Độ có thể theo đuổi viễn kiến táo bạo của mình cho năng lượng mặt trời và năng lượng sạch, có thể đạt được."

Phát biểu bên cạnh ông Obama, ông Modi nói rằng Washington và New Delhi đang hợp tác về một loạt những vấn đề toàn cầu, bao gồm cả an ninh hạt nhân và khủng bố, cũng như biến đổi khí hậu.

Thỏa thuận Paris đạt được vào tháng 12 năm ngoái nhắm mục tiêu hạn chế lượng phát thải carbon, trong một nỗ lực nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Thỏa thuận này có hiệu lực một khi 55 quốc gia chịu trách nhiệm về 55 phần trăm lượng phát thải toàn cầu ký vào hiệp ước.

Ấn Độ là nước phát thải carbon lớn thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Mỹ.

Trong một tuyên bố chung, Ấn Độ cho biết họ sẽ tìm cách tham gia thỏa thuận khí hậu này "sớm nhất có thể trong năm nay." Tuyên bố cũng nói New Delhi đã bắt đầu quá trình phê chuẩn trong nước của mình.

Ông Obama cũng cho báo giới biết cuộc hội đàm tập trung vào tiến bộ hướng tới những hiệp định về năng lượng hạt nhân dân sự. Ông nói: "Tôi bày tỏ sự ủng hộ của chúng tôi cho việc Ấn Độ trở thành thành viên của Nhóm Những Nước Cung cấp Hạt nhân."

Nhóm Những Nước Cung cấp Hạt nhân là một tổ chức đa quốc gia nỗ lực kiểm soát việc xuất khẩu và tái chuyển giao những vật liệu mà có thể được áp dụng vào việc phát triển vũ khí hạt nhân. Tổ chức này cũng tìm cách cải thiện những biện pháp phòng hộ và bảo vệ đối với những vật liệu hiện có.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG