Đường dẫn truy cập

Tổng thống Đài Loan đến thăm đảo Ba Bình


Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu trả lời họp báo sau chuyến đi tới đảo Ba Bình ở Biển Đông, ngày 28/1/2016.
Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu trả lời họp báo sau chuyến đi tới đảo Ba Bình ở Biển Đông, ngày 28/1/2016.

Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu hôm nay đáp máy bay đến đảo Itu Aba, một hòn đảo có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông mà Việt Nam gọi là đảo Ba Bình và Đài Loan cùng với Trung Quốc gọi là đảo Thái Bình. Theo tường thuật của thông tín viên Ralph Jennings của đài VOA tại Đài Bắc, nhà lãnh đạo Đài Loan đã làm như thế bất chấp sự phản đối của Việt Nam và Hoa Kỳ.

Khoảng 9 giờ sáng nay giờ địa phương, ông Mã Anh Cửu đã lên một chiếc máy bay quân sự để bay tới đảo Itu Aba. Tại hòn đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa này ông sẽ thăm viếng các binh sĩ thuộc lực lượng tuần duyên, các nhân viên y tế và các nhà nghiên cứu khoa học – tổng cộng khoảng 200 người.

Hôm qua, người phát ngôn của nhà lãnh đạo Đài Loan, ông Trần Dĩ Tín, nói rằng “Tổng thống Mã Anh Cửu khẳng định rằng Đảo Thái Bình là lãnh thổ cố hữu của Trung hoa Dân quốc. Ông ấy trước giờ chưa tới thăm đảo này”.

Chuyến đi thăm hòn đảo cách Đài Loan 1.600 kilo mét đã diễn ra sau khi Bộ Ngoại giao ở Đài Bắc hồi đầu tuần này đưa ra một tuyên bố có tính chất cứng rắn một cách bất thường để nói rằng 4 quần đảo chính ở Biển Đông là lãnh thổ của Trung hoa Dân quốc chiếu theo luật pháp quốc tế. Thông cáo này nói rằng Đài Loan đã “bảo vệ” Itu Aba và những đảo nhỏ khác trong suốt 60 năm qua.

Chuyến đi của ông Mã Anh Cửu có thể góp phần thu hút sự chú ý của quốc tế đối với lập trường của Đài Loan. Tuy Đài Loan đòi chủ quyền hầu như toàn bộ vùng biển rộng 3 triệu rưỡi cây số vuông, yêu sách của họ thường không được nhiều người chú ý vì không có quan hệ ngoại giao ở Á châu. Trung Quốc, nước mạnh nhất trong các nước có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, nói rằng Đài Loan thuộc về Trung Quốc và ngăn các nước khác thiết lập quan hệ ngoại giao với chính phủ ở Đài Bắc.

Đài Loan đã xây dựng đảo Itu Aba, có diện tích nửa cây số vuông, thành một tiền đồn của lực lượng tuần duyên với các dự án năng lượng mặt trời và nhân viên y tế để giúp đỡ tàu bè gặp nạn. Những hoạt động phát triển trên đảo này là một phần của những nỗ lực của Đài Loan để thu hút sự chú tâm của quốc tế. Trong một thông cáo công bố hôm nay, ông Mã Anh Cửu một lần nữa cổ xuý cho điều gọi là “sử dụng Biển Đông cho các mục tiêu hoà bình.”

Các nhà phân tích cho rằng những nước khác có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông có phần chắc sẽ phản đối chuyến đi của ông Mã Anh Cửu thay vì tán thành việc khai thác hòn đảo này.

5 chính phủ khác có yêu sách chủ quyền từng phần hoặc toàn bộ vùng biển trải dài từ mạn tây Đài Loan tới Singapore.

Hôm qua, Việt Nam lên tiếng phản đối chuyến viếng thăm của nhà lãnh đạo Đài Loan mà họ gọi là “gây thêm căng thẳng trong khu vực.” Chính phủ ở Washington cũng tỏ ý chống đối hành động mà họ cho là không có ích cho việc giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách êm thắm.

Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết như sau tại cuộc họp báo ở Washington hôm thứ tư.

"Tổng thống Mã Anh Cửu có quyền làm rõ lập trường của ông về Biển Dông. Chúng tôi chỉ không đồng ý với hành động cá biệt này. Chúng tôi xem hành động này thật ra là làm gia tăng căng thẳng, thay vì làm cho căng thẳng giảm bớt như chúng tôi mong muốn."

Các nhà phân tích chính trị ở Đài Loan cho rằng Tổng thống Mã Anh Cửu xem chuyến đi Itu Aba như một dấu mốc có tính chất cá nhân. Ông đã bị dân chúng trong nước chỉ trích là quá vội vã trong việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc và có thái độ quá mềm mỏng trong chính sách đối ngoại.

Năm ngoái, bà Thái Anh Văn, người vừa đắc cử tổng thống Đài Loan, cho biết nếu đắc cử bà sẽ theo đuổi đối thoại với tất cả các nước có quyền lợi và quan tâm ở Biển Đông. Bà đã được mời đi chung với ông Mã Anh Cửu đến đảo Itu Aba, nhưng bà từ chối mà không cho biết lý do.

Truyền hình vệ tinh VOA 28/1/2016
please wait

No media source currently available

0:00 0:14:30 0:00

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG