Đường dẫn truy cập

TT Obama: Ý thức về quá khứ nhưng tập trung vào tương lai Mỹ-Việt


Tổng thống Mỹ Barack Obama đọc diễn văn về quan hệ Việt-Mỹ trước giới trẻ Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội, ngày 24/5/2016.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đọc diễn văn về quan hệ Việt-Mỹ trước giới trẻ Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội, ngày 24/5/2016.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phát biểu trước cử tọa đa phần là những người trẻ tuổi ở Hà Nội hôm 24/5. Ông nói ông ý thức về quá khứ giữa hai nước nhưng tập trung vào tương lai, chú trọng tới thịnh vượng, an ninh, nhân phẩm và cùng nhau tiến về phía trước. Phóng viên đài VOA An Tôn tường trình từ Hà Nội.

Khoảng 2200 người, phần lớn là sinh viên, đã dành cho Tổng thống Mỹ Barack Obama sự đón chào và ngưỡng mộ có thể sánh với những gì thường dành cho các ngôi sao điện ảnh hoặc âm nhạc.

Hàng chục phút trước khi ông bước vào khán phòng, cử tọa đã hò reo và vỗ tay nhầm trong chốc lát khi thấy một cận vệ người Mỹ gốc Phi của ông bước vào.

Còn khi ông thực sự xuất hiện, tiếng hò reo và vỗ tay đã kéo dài nhiều phút. Bài phát biểu dài chừng 30 phút của ông thường xuyên nhận được những tràng vỗ tay khen ngợi.

Nhiều người đã suýt xoa, thích thú khi nghe Tổng thống Obama mở đầu bài phát biểu bằng cách đề cập rằng thức ăn Việt Nam rất ngon và ông đã ăn bún chả, uống bia Hà Nội, kèm theo vài lời cho hay chưa bao giờ nhìn thấy nhiều xe máy như thế trong đời.

Bên cạnh những trải nghiệm đời thường, Tổng thống Mỹ nói ông tôn trọng lịch sử lâu đời của Việt Nam. Thể hiện ông nắm được tinh thần của người Việt, ông nêu ra hình ảnh cây tre và trích dẫn hai câu đầu trong bài thơ Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt.

Rồi ông nói đến một phần quan trọng trong lịch sử hai nước, đó là quan hệ Việt-Mỹ với những khúc ngoặt éo le từ năm 1945, khi Mỹ và những người kháng chiến Việt Nam là đồng minh của nhau cùng chống sự chiếm đóng của Nhật, rồi Chiến tranh Lạnh và nỗi sợ chủ nghĩa cộng sản đã làm hai nước trở thành đối thủ của nhau.

Trước khi được nghe các bài phát biểu của ông Obama, em nghĩ là giới trẻ Việt Nam vẫn còn ở trạng thái bị động, chờ đợi vào chính quyền thay đổi, chờ đợi vào xã hội thay đổi, và mình sẽ đi theo sự thay đổi đấy để mình được lợi ích từ nó. Nhưng sau khi nghe bài phát biểu từ ngài Obama thì ngài đã gợi ra hướng đi khác. Đấy là các bạn hãy tự đứng lên để làm chủ cái số phận của mình, và các bạn sẽ là những người tiếp theo, chính các bạn mới là những người thay đổi. Đừng chờ đợi sự thay đổi từ bất cứ ai khác. Đó là điều tích cực nhất đã tác động đến em ngày hôm nay.
Sinh viên Phạm Mỹ Duyên, Đại học Ngoại thương Hà Nội, nói.

Ông nhắc đến việc các cựu chiến binh và nhân dân hai nước đã thực hiện nhiều nỗ lực để hòa giải, hàn gắn. Chính phủ Mỹ cũng có những chương trình để khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam, bao gồm rà phá bom mìn chưa nổ, tẩy độc Chất Da cam/dioxin.

​Tuy nhiên, Tổng thống Obama nói dù ý thức về quá khứ song ông tập trung vào tương lai, nhất là các khía cạnh gồm thịnh vượng, an ninh, nhân phẩm và cùng nhau tiến về phía trước.

Ông chỉ ra rằng nhờ các nỗ lực của cả hai phía, giờ đây nhân dân hai nước thân mật với nhau hơn bất cứ khi nào trong quá khứ. Tổng thống Mỹ đã trích hai câu trong một bài hát của nhạc sỹ Văn Cao để mô tả tình cảm của nhân dân hai nước dành cho nhau: “Từ nay người biết yêu người, từ nay người biết thương người”.

Về mặt chính phủ, ông cho biết với Quan hệ Đối tác Toàn diện, chính phủ hai nước cũng làm việc chặt chẽ ở mức chưa từng có trước đây.

Nhưng ông cho rằng Quan hệ Đối tác Toàn diện vẫn đang ở giai đoạn đầu, song nó sẽ dẫn dắt mối quan hệ trong tương lai. Vào lúc ông sắp mãn nhiệm, ông đã chia sẻ tầm nhìn của ông về tương lai của mối quan hệ trong hàng thập kỷ nữa.

Xem Tổng thống Obama đọc diễn văn về quan hệ Mỹ-Việt:


Tổng thống Obama nói Tổ chức Hòa bình Mỹ sẽ vào Việt Nam dạy tiếng Anh. Ông nói trong quá khứ “một thế hệ người Mỹ đã đến Việt Nam chiến đấu thì nay một thể hệ người Mỹ mới sẽ đến để dạy học, xây đắp và làm sâu sắc tình hữu nghị giữa chúng ta”.

Bên cạnh đó, các chương trình giáo dục giữa hai nước sẽ tiếp tục tăng cường, trong đó có việc thành lập trường Đại học Fulbright Mỹ ở thành phố Hồ Chí Minh vào mùa thu năm nay.

Về kinh tế, ông Obama nói thông qua hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, Mỹ sẽ giúp Việt Nam giải phóng hết tiềm năng kinh tế. Nhờ hiệp định, Việt Nam sẽ bán được nhiều hàng hóa ra thế giới hơn, và thu hút thêm đầu tư. TPP sẽ giúp thúc đẩy cải cách, bảo vệ công nhân, nhân quyền, pháp quyền, tài sản trí tuệ, môi trường, và giúp chống tham nhũng. Ông lưu ý hiệp định sẽ mở đường cho công nhân Việt Nam lần đầu tiên sẽ có quyền lập công đoàn độc lập

Ông bổ sung rằng khi thực thi hiệp định Việt Nam sẽ giảm lệ thuộc vào một đối tác thương mại đơn lẻ và gia tăng quan hệ kinh tế với nhiều đối tác khác, trong đó có Mỹ.

Một lĩnh vực quan trọng khác trong hợp tác Mỹ-Việt là an ninh. Tổng thống Mỹ nói trong chuyến thăm của ông, hai nước đã nhất trí nâng cấp hợp tác an ninh và xây dựng lòng tin hơn nữa giữa các quân nhân hai nước.

Ông không quên nhắc đến tuyên bố ngày 23/5 về việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí, nhờ đó Việt Nam sẽ tiếp cận các mặt hàng quốc phòng mà Việt Nam cần để tự vệ. Đó cũng là động thái để Mỹ thể hiện cam kết hoàn toàn bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

Nói đến một vấn đề an ninh cụ thể ở Biển Đông, ông Obama nhắc lại quan điểm là Mỹ không phải là một bên tuyên bố chủ quyền song sẽ làm việc cùng các đối tác để duy trì các nguyên tắc quốc tế và tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển, vận chuyển hàng hải không bị cản trở, và giải quyết các tranh chấp của con đường hòa bình và luật pháp quốc tế. Ông cũng nhắc lại rằng các tàu và phi cơ Mỹ sẽ vẫn hoạt động ở những nơi luật pháp quôc tế cho phép và ủng hộ các nước khác làm như vậy.

Em rất ấn tượng về những chính sách mà Mỹ đang và dự định giúp cho Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực, về giáo dục, đào tạo, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là hiệp định TPP. Và em thấy được mong muốn của Mỹ trong việc thúc đẩy hàn gắn [hậu quả] chiến tranh, cùng nhau xây dựng hướng tới tương lai, vì một mối quan hệ tốt đẹp hơn.
Sinh viên Nguyễn Hùng, Học viện Ngoại giao, nói.

Ngoài các lĩnh vực hai nước nhất trí hợp tác, Tổng thống Mỹ nói quan hệ đối tác giữa hai nước bao gồm cả việc tiếp tục giải quyết những vấn đề còn bất đồng, trong đó có nhân quyền. Ông Obama chỉ ra rằng chính hiến pháp mới của Việt Nam có các điều về đảm bảo tự do ngôn luận, báo chí, và lập hội. Ông nói theo cách nhìn của ông, các quyền này cũng như các quyền tự do ứng cử, bầu cử không phải là mối đe dọa đối với ổn định mà ngược lại, củng cố cho sự ổn định, là nền tảng của tiến bộ.

Cuối cùng, Tổng thống Obama nói đến việc hai nước sẽ tiếp tục hợp tác cùng nhau về phát triển bền vững. Ông nói hai nước phải thực hiện các cam kết trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, bên cạnh đó là hợp tác cùng nhau và với các nước khác về y tế, phòng chống dịch bệnh.

Tổng thống cho rằng thông qua làm việc cùng nhau và đối thoại với nhau về các vấn đề trên, cả Mỹ và Việt Nam sẽ thay đổi, và ông lạc quan về tương lai hai nước.

Người dân ở Hà Nội xếp hàng bên ngoài Trung tâm Hội nghị Quốc gia để vào nghe Tổng thống Obama đọc diễn văn.
Người dân ở Hà Nội xếp hàng bên ngoài Trung tâm Hội nghị Quốc gia để vào nghe Tổng thống Obama đọc diễn văn.



Sau khi Tổng thống Obama kết thúc bài phát biểu, một số bạn trẻ đã chia sẻ với thông tín viên của VOA Việt Ngữ về những suy nghĩ của họ.

Nữ sinh viên Phạm Mỹ Duyên, Đại học Ngoại thương Hà Nội, nói về ấn tượng đối với bài phát biểu:

“Có lẽ là tự do ngôn luận và tự do báo chí ạ. Tại vì trước khi đến đây em cũng không trông đợi là vấn đề này sẽ được nêu ra. Trước khi được nghe các bài phát biểu của ông Obama, em nghĩ là giới trẻ Việt Nam vẫn còn ở trạng thái bị động, chờ đợi vào chính quyền thay đổi, chờ đợi vào xã hội thay đổi, và mình sẽ đi theo sự thay đổi đấy để mình được lợi ích từ nó. Nhưng sau khi nghe bài phát biểu từ ngài Obama thì ngài đã gợi ra hướng đi khác. Đấy là các bạn hãy tự đứng lên để làm chủ cái số phận của mình, và các bạn sẽ là những người tiếp theo, chính các bạn mới là những người thay đổi. Đừng chờ đợi sự thay đổi từ bất cứ ai khác. Đó là điều tích cực nhất đã tác động đến em ngày hôm nay."

Còn nam sinh viên Nguyễn Sinh Hùng, Học viện Ngoại giao, cảm thấy được truyền cảm hứng về tương lai tích cực của quan hệ Mỹ-Việt.

“Em rất ấn tượng về những chính sách mà Mỹ đang và dự định giúp cho Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực, về giáo dục, đào tạo, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là hiệp định TPP. Và em thấy được mong muốn của Mỹ trong việc thúc đẩy hàn gắn [hậu quả] chiến tranh, cùng nhau xây dựng hướng tới tương lai, vì một mối quan hệ tốt đẹp hơn. Cái cảm hứng em thấy được nhiều nhất từ bài phát biểu này là chúng ta cùng nhau hợp tác, và cùng nhau đóng lại những vết thương của chiến tranh, và mở cửa hội nhập cùng với Mỹ.”

Thế hệ trẻ của Việt Nam, những người dưới 40 tuổi và sinh sau cuộc chiến giữa Mỹ và Việt Nam kết thúc vào năm 1975, chiếm đến khoảng 70% dân số. Khi những người trẻ tuổi có ấn tượng tích cực về nhà lãnh đạo hàng đầu của Mỹ và nước Mỹ, điều đó cũng sẽ tác động đến mối quan hệ giữa hai nước.

Truyền hình vệ tinh VOA 24/5/2016
please wait

No media source currently available

0:00 0:14:30 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG