Đường dẫn truy cập

Nước Mỹ không còn chỗ cho tăng trưởng kinh tế? (phần 2)


Gordon giả sử rằng tiến bộ công nghệ vẫn sẽ tiếp diễn, với các kỳ tích như xe hơi không cần người lái hay nghiên cứu về gen dẫn tới việc chữa thành công các bệnh về ung thư và các bệnh hiểm nghèo khác. Theo ông, dù công nghệ có tiến bộ nhanh hay chậm như thế nào, nền kinh tế Mỹ vẫn sẽ phải đối mặt với 6 lực cản hết sức lớn trong tương lai. Các lực cản này sẽ kéo thụt lùi tốc độ tăng trưởng kinh tế, và có thể đưa nó về mức gần như bằng không.

Thứ nhất, các lợi ích từ cấu trúc dân số của giai đoạn trước giờ đây đã đảo ngược. Đó là việc tham gia mạnh mẽ của nữ giới vào lực lượng lao động trong giai đoạn 1965 tới 1990 cũng như thời kỳ dân số vàng (baby-boomers), khiến cho “số giờ làm việc trung bình trên đầu người” của nước Mỹ tăng vọt. Hiện nay thế hệ baby-boomers đang dần về hưu, không còn đóng góp vào tổng số giờ làm việc nữa nhưng vẫn là một phần của dân số. Vì vậy hiện nay “số giờ làm việc trung bình trên đầu người” của nước Mỹ đang giảm dần. Và thực tế là tuổi thọ đang tăng lên (trong khi tuổi về hưu không tăng) làm cho lực cản này đã lớn càng lớn.

Thứ hai là về chất lượng và chi phí của hệ thống giáo dục Mỹ. Theo một công trình có tính mở đường của Claudia Golden và Lawrence Katz (2008), nước Mỹ đang ngày càng thụt lùi về thứ hạng liên quan đến tỷ lệ dân cư ở các độ tuổi nhất định tốt nghiệp sau phổ thông. Theo Gordon, hiện trạng này là sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề chi phí giáo dục sau phổ thông ở Mỹ quá đắt, dẫn tới chỗ nợ nần của sinh viên ngày càng lớn - và điều này lại dẫn tới các lựa chọn méo mó về nghề nghiệp (tập trung vào các nghề có thu nhập cao hơn nhanh chóng để có tiền trả nợ thay vì các quan tâm khác không trực tiếp liên quan tới tiền bạc), và làm nản lòng các nhóm dân cư thu nhập thấp liên quan tới chuyện vào cao đẳng/đại học.

Theo kết quả khảo thí của OECD liên quan tới trình độ của học sinh cấp 2 ở 37 quốc gia, nước Mỹ xếp thứ 21 về khả năng đọc hiểu, thứu 31 về toán, và thứ 34 về khoa học. Ngay trong nội bộ nước Mỹ, khoảng cách về trình độ giữa các học sinh da trắng và Á châu với nhóm các học sinh da đen và Mễ ngày càng lớn dần. Trong khi đó, tỷ lệ học sinh gốc Mễ trong tổng số học sinh Mỹ lại ngày càng tăng. Điều này càng kéo mặt bằng trình độ học sinh của Mỹ tụt lùi hơn. Tệ hơn nữa là khoảng cách về học thức và thành tích học tập của nam và nữ ở Mỹ đang ngày càng lớn, với số nữ tốt nghiệp cao đẳng/đại học hiện chiếm tới 58% tổng số sinh viên tốt nghiệp.

Lực cản thứ 3, theo Gordon là quan trọng nhất, là sự bất bình đẳng về thu nhập ngày càng tăng. Tăng trưởng về thu nhập của hộ gia đình từ năm 1993 tới 2008 ở Mỹ là 1.3%. Tuy nhiên, 99% bên dưới chỉ được hưởng tăng trưởng thu nhập có 0.75%. Số 1% ở bên trên đã hưởng tới 52% thành quả của toàn bộ tiến bộ về thu nhập trong vòng 15 năm qua của Mỹ.

Lực cản thứ 4 theo Gordon là quá trình toàn cầu hoá cũng như sự phổ biến của ICT (công nghệ thông tin và liên lạc). Hệ quả của nó là việc outsourcing đủ loại, từ các tổng đài dịch vụ trả lời điện thoại tới các phòng xét nghiệm y khoa. Lao động giá rẻ (hơn) của nước ngoài sẽ không chỉ cạnh tranh với người Mỹ qua outsourcing mà còn qua cả nhập khẩu. Hàng nhập khẩu của nước ngoài sẽ không chỉ dừng lại ở các sản phẩm thâm dụng lao động, mà đang và sẽ kết hợp cả lợi thế về lao động rẻ lẫn trình độ và năng lực công nghệ đang ngày càng phát triển của các nước này.

Lực cản thứ 5 là các tiêu chuẩn về sử dụng năng lượng và môi trường. Nếu như hồi đầu thế kỷ 20, các tiêu chuẩn môi trường là một khái niệm thứ yếu và các ống khói nhà máy nhả khói đen lên bầu trời được coi là các biểu hiện của thịnh vượng thì ngày nay hệ thống các tiêu chuẩn về môi trường đang làm cho gánh nặng của người tiêu dùng trong việc trả các chi phí môi trường này ngày càng nặng.

Ấn Độ và Trung Quốc là hai nước tăng trưởng nhanh hơn Mỹ rất nhiều, và kết hợp lại họ có mức xả thải chí CO2 nhiều gấp đôi nước Mỹ. Thế nhưng hai nước này vẫn phản đối chuyện áp dụng các tiêu chí về môi trường nghiêm ngặt hơn, vì theo họ, các nước giàu ở Bắc Mỹ, Âu Châu, và Nhật đã không bị bất cứ ràng buộc nào về môi trường trong thế kỷ 20 khi các nước này phát triển hệ thống công nghiệp của họ. Vì thế không có lý do gì ép các nước đi sau phải chịu các ràng buộc mới.

Lực cản thứ 6, và là cuối cùng theo Gordon, là tình trạng lưỡng thể của thâm hụt ngân sách chính phủ và ngân sách hộ gia đình. Ngay từ năm 2007 thì nước Mỹ đã rơi vào tình trạng chưa từng có trong lịch sử là tổng số nợ lên tới 133% thu nhập khả dụng. Tình trạng nợ công hồi đó vẫn trong tình trạng kiểm soát được nhưng giờ đây đã bùng nổ. Các hộ gia đình đang phải thắt lưng buộc bụng để giảm nợ (và điều này sẽ có hại cho tăng trưởng). Để cải tình trạng thâm hụt ngân sách, chính phủ Mỹ cũng sẽ phải tăng thuế, giảm chi tiêu công, cắt giảm các khoản hỗ trợ, thậm chí phải tăng độ tuổi về hưu (nhằm giảm gánh nặng cho các quỹ hưu trí và trợ cấp). Tất cả các yếu tố này đều sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn.

Ảnh hưởng đến tăng trưởng

Gordon cho rằng mặc dù theo ông tiến bộ công nghệ hiện nay không thúc đẩy tăng năng suất lao động nhiều như trước, nhưng để lập luận, cứ giả sử rằng vai trò này vẫn y như 2 thập kỷ trước năm 2007. Trong vòng 2 thập kỷ này, Gordon tính được tốc độ tăng trưởng GDP thực tế bình quân đầu người là 1.8% ở Mỹ. Ông áp dụng giả sử này để ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ trong 20 năm kế tiếp, từ 2007 tới 2027.

Theo ông, việc thế hệ baby-boomer nghỉ hưu sẽ làm cho kỳ vọng tăng trưởng bị tụt xuống chỉ còn 1.6% (tính toán dựa theo kết quả của các cơ quan chính phủ Mỹ) và sự tụt hậu của hệ thống giáo dục sau phổ thông tiếp tục kéo tiềm năng tăng trưởng xuống thêm 0.2% nữa, còn lại 1.4% (theo kết quả tính toán của Dale Jorrgenson và cộng sự).

Nếu bất bình đẳng về thu nhập tiếp tục diễn biến xấu đi theo đúng chiều hướng của hai thập kỷ trước, thì Gordon cho rằng 99% dân cư Mỹ chỉ được kỳ vọng hưởng mức tăng GDP thực tế bình quân đầu người là 0.9%. Thế nhưng toàn cầu hoá sẽ tiếp tục tấn công vào tầng lớp trung lưu Mỹ, đưa kỳ vọng này xuống còn 0.7%. Các chỉ tiêu về năng lượng và môi trường của Mỹ kéo tiếp kỳ vọng này xuống còn 0.5%. Cuối cùng, quá trình giảm thâm hụt của cả chính phủ Mỹ lẫn người dân Mỹ sẽ làm cho kỳ vọng tăng trưởng của Mỹ trong giai đoạn 2007-2027 chỉ còn lại đúng 0.2%.

Và theo Gordon, các ước tính của ông là khá lạc quan. Lý do là ông vẫn dựa trên giả sử về việc tiến bộ công nghệ trong giai đoạn này vẫn có tác dụng tích cực đến năng suất lao động y như hồi hai thập kỷ liền trước năm 2007. Điều này, theo ông là một giả sử hơi hoang đường, vì như ông đã lập luận, giá trị của các tiến bộ công nghệ trong khoảng 10 năm trở lại đây của cuộc cách mạng KHKT lần thứ 3 đối với tăng trưởng kinh tế đã gần như không còn.

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

VOA Express

XS
SM
MD
LG