Đường dẫn truy cập

Việt Nam: Những sự kiện của người đồng tính đánh dấu sự thay đổi?


Ðây là cuộc diễu hành đầu tiên ở Việt Nam thể hiện niềm tự hào của người đồng tính
Ðây là cuộc diễu hành đầu tiên ở Việt Nam thể hiện niềm tự hào của người đồng tính
Mặc dù đồng tính luyến ái không bị xem là bất hợp pháp tại Việt Nam nhưng định kiến bảo thủ của xã hội đối với người đồng tính vẫn còn nặng nề. Tuy nhiên, một dấu hiệu cho thấy thời thế đã thay đổi khi cộng đồng những người đồng tính, song tính và chuyển đổi giới tính (còn gọi là LBGT) tổ chức hai sự kiện lớn trong tháng này, bao gồm một cuộc diễu hành đầu tiên ở Việt Nam thể hiện niềm tự hào của người đồng tính. Thông tín viên Marianne Brown tường trình từ Hà Nội.

Chủ nhật tuần trước, hơn 100 người bất chấp cái nắng đổ lửa đã đạp xe hơn hai tiếng đồng hồ qua trung tâm Hà Nội, vẫy cờ cầu vồng và giương biểu ngữ với những khẩu hiệu như "Tôi yêu LGBT" và "khác biệt nhưng không lệch lạc".

Sự kiện này là đỉnh điểm trong những sự kiện đầu tiên ở Việt Nam thể hiện niềm tự hào của người đồng tính, với mục đích giúp cho cộng đồng những người đồng tính, song tính và chuyển giới (còn gọi là LBGT) được chú ý nhiều hơn.

Cô Nguyễn Thanh Tâm, 25 tuổi, là một trong những người tham gia cuộc diễu hành bằng xe đạp. Cô cho biết cô hài lòng với số người đi diễu hành mặc dù thấp hơn so với dự đoán.

"Cuộc diễu hành thật tuyệt vời. Cứ nhìn vào gương mặt mọi người sau khi cuộc diễu hành kết thúc thì biết. Tôi chắc chắn rằng niềm tự hào nói chung và cuộc diễu hành bằng xe đạp này nói riêng sẽ thay đổi cộng đồng LGBT mãi mãi. Cộng đồng LGBT sẽ không như lúc trước nữa."

Cô Tâm nói khi người đồng tính được chú ý nhiều hơn thì người ta sẽ xem đồng tính luyến ái là điều bình thường, chứ không phải là một thứ gì đáng sợ, như một căn bệnh. Cô Tâm nói việc sự kiện này trở thành tin tức quốc tế hàng đầu làm nổi bật lên thông điệp mà cuộc diễu hành muốn gửi gắm.

“Với việc truyền thông địa phương đưa tin cấp tập về sự kiện này, tôi nghĩ rằng nhận thức về cộng đồng LGBT ở Việt Nam đã tăng lên đáng kể và nó mở ra một con đường tốt đẹp cho phong trào đòi quyền dành cho cộng đồng LGBT.”

Chỉ một ngày trước đó, một sự kiện lớn hơn nhiều đã diễn ra trong một công viên ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng được ít người chú ý hơn.

Sự kiện này được gọi là "Tay Trong Tay" đã thu hút hơn 1.000 người tập trung về một công viên để ủng hộ hôn nhân đồng giới. Mặc áo cùng một kiểu, nhóm người này cùng nhau ca hát và có lúc nắm tay nhau vây quanh hai đôi đồng tính một nam một nữ, trong khi hai đôi này chuẩn bị thực hiện một hành động bị xem là điều cấm kỵ rất lớn trong xã hội, hôn nhau ở nơi công cộng.

Anh Jacky Trần thuộc một tổ chức ở Việt Nam có tên Ủng hộ Hôn nhân Bình đẳng nói rằng, đã có rất nhiều tin tức về việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính ở những nước khác như Mỹ, và vì thế anh cảm thấy đã đến lúc cần đưa những cuộc tranh luận như vậy tới Việt Nam.

Anh Trần nói rằng nhiều người qua lại hò reo cổ vũ và bày tỏ sự ủng hộ trong lúc cuộc tụ họp ở công viên đang diễn ra. Tuy nhiên, không phải ai cũng tỏ ra vui vẻ khi nhìn thấy những người tụ họp này.

"Có những người dẫn chó đi phía sau và cho chúng đeo cờ 7 sắc cầu vồng trên lưng, ý nói những người LGBT cũng giống như chó."

Mặc dù Việt Nam không có luật cấm đồng tính luyến ái nhưng tình trạng phân biệt đối xử thì vẫn còn đầy rẫy.

Những người đồng tính, song tính và chuyển giới vẫn thường bị phương tiện truyền thông mô tả là những người kỳ quặc. Người đồng tính nam thường bị cho là mại dâm, một định kiến mà những người hoạt động vì người đồng tính rất muốn phá bỏ. Ở Việt Nam hiếm khi xảy ra bạo lực nhắm vào giới LGBT ở nơi công cộng nhưng theo nhà xã hội học Lê Quang Bình, giám đốc của Viện Nghiên cứu Kinh tế, Xã hội và Môi trường tại Hà Nội, thì tình hình có thể rất khác biệt ở trong gia đình.

"Có rất nhiều câu chuyện, ví dụ như chuyện cha mẹ đánh đập con trai mình khi phát hiện ra con họ là người đồng tính. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy một số người lại gây áp lực tâm lý lên con mình. Ví dụ như trường hợp gia đình này, bố mẹ dẫn cô con gái ra bờ hồ và nói rằng nếu con họ không chịu dừng việc yêu người đồng giới lại thì họ sẽ nhảy xuống hồ tự tử."

Lúc đầu, nhà chức trách tỏ ra hoài nghi về cả hai sự kiện diễn ra ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh này. Anh Trần nói điều này một phần là do giới chức an ninh chưa hề biết tới những sự kiện vì quyền người đồng tính và thế nên cảnh sát đã gặp ông để hỏi chính xác sẽ làm gì trong những sự kiện này.

"Cuối cùng thì họ cũng cho phép tôi tổ chức sự kiện này nhưng lại cảnh báo là phải làm nhanh chóng và không được trưng ra lá cờ 7 sắc cầu vồng lớn bởi vì họ không biết được lá cờ đó đại diện cho quốc gia nào hay tổ chức chống chính quyền nào."

Hai sự kiện này diễn ra chỉ một tuần sau khi Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết trên trang web của chính phủ rằng đã đến lúc cần xem xét thay đổi luật hôn nhân để công nhận hôn nhân đồng tính.

Bộ Tư pháp đang soạn ra một dự thảo đề xuất sửa đổi luật hôn nhân để cải thiện quyền lợi của những cặp đồng tính liên quan đến tài sản và nhận con nuôi.

Quốc hội sẽ thảo luận về dự thảo sửa đổi này vào tháng 5 năm 2013.

Mặc dù việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính có lẽ sẽ không sớm được thông qua, các nhà hoạt động tin rằng việc luật pháp bảo vệ quyền lợi của những cặp đồng tính sẽ giúp mọi người nhận ra đồng tính luyến ái là bình thường và sẽ khuyến khích nhiều người hơn nữa thừa nhận giới tính của mình.

VOA Express

XS
SM
MD
LG