Đường dẫn truy cập

Nhóm nổi dậy FDLR ở Congo đứng trước hạn chót để giải giới


Quân đội Congo và lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ MONUSCO quyết sẽ ra tay hành động chống phiến quân FDLR nếu họ không buông vũ khí.
Quân đội Congo và lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ MONUSCO quyết sẽ ra tay hành động chống phiến quân FDLR nếu họ không buông vũ khí.

Một trong những nhóm nổi dậy hoạt động lâu năm nhất tại nước Cộng hòa Dân chủ Congo đang đứng trước hạn chót là tới ngày hôm nay, thứ Sáu, phải giải giới, nếu không sẽ phải đối mặt với hành động quân sự của lực lượng giữ gìn hòa bình Liên Hiệp Quốc và các lực lượng vũ trang Congo. Theo tường trình của thông tín viên Gabe Joselow của đài VOA, tin cho hay một số thành viên của Lực lượng Dân chủ Giải phóng Rwanda, gọi tắt là FDLR, đã đầu hàng, nhưng cộng đồng quốc tế cho rằng làm như thế là không đủ.

Vào tháng 7, các vị nguyên thủ quốc gia trong khu vực đã cho nhóm FDLR một thời hạn 6 tháng để giải giới hoàn toàn, nếu không sẽ phải đối mặt với hành động quân sự. Hạn chót đó được ấn định vào ngày Thứ Sáu ngày 2 tháng Giêng, tức hôm nay.

Được thành lập bởi các chiến binh Hutu phải chịu trách nhiệm về tội diệt chủng ở Rwanda năm 1994, Lực lượng Dân chủ Giải phóng Rwanda- tức FDLR bị cáo buộc là đã phạm tội ác ở miền đông Congo.

Quân đội Congo và lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc MONUSCO đã thề sẽ ra tay hành động chống phiến quân FDLR nếu họ không buông vũ khí.

Trong một cuộc điện đàm với các nhà báo hôm thứ Ba, Đặc phái viên của Hoa Kỳ tại khu vực Great Lakes, ông Russell Feingold, nói rằng Hoa Kỳ ủng hộ việc sử dụng vũ lực quân sự chống lại nhóm này.

"Như nhóm này đã chứng minh rõ rệt trong 6 tháng qua, một tiến trình đầu hàng hoàn toàn tự nguyện sẽ không có tác dụng chấm dứt mối đe dọa do nhóm vũ trang bất hợp pháp này gây ra. Thay vào đó, cần phải xúc tiến hành động quân sự để gây áp lực với nhóm FDLR phải buông vũ khí."

Tin cho hay, hôm Chủ Nhật vừa qua, 150 chiến binh FDLR đã ra đầu hàng chính quyền Congo ở tỉnh Bắc Kivu. Ông Feingold nói những số liệu ước tính mới nhất cho thấy vẫn còn lại khoảng 1.400 chiến binh FDLR chưa ra đầu hàng.

Rwanda vẫn coi Lực lượng Dân chủ Giải phóng Rwanda-FDLR là một trong những mối đe dọa lớn nhất của nước này, nên không tán thành quyết định gia hạn thêm thời giờ cho nhóm này để hạ vũ khí.

Các giới chức Rwanda đã nêu nghi vấn về liệu quân đội Congo và các lực lượng của Liên Hiệp Quốc có sẵn sàng và quyết tâm loại trừ các phiến quân hay không.

Đặc phái viên Feingold bác bỏ những sự hoài nghi đó. Ông nói:

"Tôi đã được trấn an nhiều lần bởi các quốc gia chủ yếu có quyền lợi trong vấn đề này, cam kết họ quyết tâm chấm dứt mối đe dọa do nhóm FDLR đặt ra, và sẵn sàng hành động để hỗ trợ những cam kết của mình."

Trong năm 2013, sự hợp tác của các lực lượng Liên Hiệp Quốc và lực lượng vũ trang Congo đã đánh bại các nhóm phiến quân M23, là nhóm từng nắm quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ ở miền đông Congo.

Các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân quyền tố cáo Rwanda là đã hỗ trợ nhóm M23, một phần để củng cố tuyến phòng thủ của nước này chống lại Lực lượng Dân chủ Giải phóng Rwanda- FDLR.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG