Đường dẫn truy cập

Nhớ Nguyễn Mộng Giác


Nhà văn Nguyễn Mộng Giác (hình: Người Việt)
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác (hình: Người Việt)
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã qua đời ngày 2 tháng 7 tại Nam California, Mỹ. Nhận được hung tin, tôi không thấy bất ngờ lắm nhưng vẫn lặng người, bàng hoàng.

Không bất ngờ vì năm ngoái, cũng vào tháng 7, khi tôi và Hoàng Ngọc Tuấn ghé Cali, đến thăm Nguyễn Mộng Giác, tôi đã thấy sức khoẻ của anh đã yếu lắm. Anh vẫn đi đứng nhưng dáng đi rất chậm, có vẻ gì như chênh vênh. Anh vẫn cười nói sôi nổi, nhất là khi bàn luận chuyện văn chương, nhưng sự chuyển động của đôi môi có vẻ gì như khó khăn và các cơ bắp trên mặt có vẻ gì như đờ cứng, không linh hoạt như trước. Sau mấy tiếng đồng hồ chuyện trò xôm rả, ra về, tôi cảm thấy buồn rầu và bất an, không biết mình có còn gặp được anh lần nữa hay không.

Càng không bất ngờ khi tuần trước, lúc tôi, Hoàng Ngọc-Tuấn và Võ Quốc Linh đang chuẩn bị đi Mỹ, tôi nhận được điện thoại của bạn tôi, anh Nguyễn Xuân Thu, kể về chuyến Mỹ du ngắn ngủi của anh, ở đó, anh có gặp Nguyễn Mộng Giác trong bệnh viện. Khi tôi hỏi về tình hình sức khoẻ của Nguyễn Mộng Giác, anh Thu khựng lại một lát rồi mới trả lời, giọng buồn buồn: “Chắc không còn lâu đâu!” Tôi muốn hỏi thêm chi tiết, nhưng anh Thu có vẻ không muốn kể. Anh chỉ nói: “Chuyến đi Mỹ lần này buồn quá. Mình chẳng muốn đi Mỹ nữa. Bạn bè người thì đã mất, người thì sắp mất. Đi về, lòng nặng nề dễ sợ.” Tôi, một mặt, mong Nguyễn Mộng Giác được bình phục; mặt khác, hy vọng, nếu bệnh tình anh biến chuyển xấu, cái xấu cuối cùng sẽ đến chầm chậm một chút để tôi có thể đến gặp anh lần cuối.

Không bất ngờ nhưng tôi vẫn bàng hoàng.

Cái chết của người thân nào cũng gây bàng hoàng. Trong những người cầm bút nổi tiếng trước năm 1975, hai người đầu tiên tôi thân là Mai Thảo và Nguyễn Mộng Giác. Thân hầu như ngay tức khắc khi tôi gửi bài cho VănVăn Học. Nhận được bài, bao giờ anh Giác cũng viết thư khen ngợi. Tôi xem họ như những tri âm thứ nhất của mỗi bài mình viết. Tháng 3, 1989, tôi mới gặp Nguyễn Mộng Giác trong một cuộc hội nghị văn học ở Chicago. Gặp nhau, có cảm tưởng như đã thân thiết từ bao giờ. Chuyện trò miên man không dứt. Sau đó, anh Giác rủ tôi về California chơi. Tôi ở nhà anh mấy ngày. Lại chuyện trò. Đêm nào cũng chuyện trò đến khuy lơ khuya lắc. Năm sau, anh Giác sang Pháp chơi. Anh ở nhà khác nhưng vẫn gặp tôi khá thường xuyên. Lại vẫn chuyện trò. Từ những buổi chuyện trò ấy, tôi nhận ra các cuộc đàm thoại của giới cầm bút ít nhiều tâm đắc với nhau có hai đặc điểm nổi bật: Một là, cuộc chuyện trò, dù là lần đầu tiên, cũng là một sự tiếp tục những cuộc chuyện trò dở dang đâu đó, từ trước. Không có những giây phút lúng túng gợi chuyện, hỏi han những chuyện tào lao trời ơi đất hỡi. Về vợ con. Về mưa nắng. Hai là, đề tài phổ biến nhất bao giờ cũng giống nhau: văn học. Không có gì khác. Không về tác giả thì cũng về tác phẩm. Không về vấn đề thì cũng về sự kiện. Không vui thì buồn. Nhưng chúng chỉ là một. Riêng với Nguyễn Mộng Giác, các cuộc chuyện trò về văn học bao giờ cũng để lại cho tôi thật nhiều ấn tượng tốt đẹp. Anh đã bắt đầu cầm bút trước năm 1975 nên biết khá nhiều chuyện về văn học miền Nam thời ấy. Sau năm 1975, ở lại Sài Gòn, anh cũng có dịp tiếp xúc với giới cầm bút mới từ Hà Nội vào nên cũng biết ít nhiều tình hình văn học miền Bắc. Ở Mỹ, anh cộng tác chặt chẽ với tờ Văn Học Nghệ Thuật của Võ Phiến, rồi sau đó, làm chủ bút tờ Văn Học, nên biết rất nhiều về tình hình văn học hải ngoại. Anh có trí nhớ tốt. Óc phân tích cũng tốt. Cách nói năng mạch lạc. Lại có chút dí dỏm và biết lắng nghe. Nên nói chuyện với anh rất thích.

Có điều, quan hệ của tôi với anh, sau này, không còn êm thắm như trước. Một mặt, tôi sang Úc, xa xôi quá. Mặt khác, anh cũng không còn làm tờ Văn Học, và sau đó, ít viết hẳn. Hơn nữa, quan niệm về văn học của tôi cũng đổi khác. Giữa chúng tôi, tuy vẫn quý trọng nhau, những điểm chung không còn nhiều. Có lần, sang California, bận bịu quá, tôi không đến thăm anh, sau đó, tôi nghe nhiều người kể là anh thường cằn nhằn trách móc. Chuyến đi California sau, hai anh Đỗ Quý Toàn và Phạm Phú Minh chở tôi và Hoàng Ngọc-Tuấn đến thăm anh, anh có vẻ mừng lắm. Suốt mấy tiếng đồng hồ, anh nói huyên thuyên, hết kể chuyện này đến chuyện khác. Vẫn sôi nổi. Và say sưa.

Tuy nhiên, tôi bàng hoàng còn vì một lý do khác: dường như cái chết của văn nghệ sĩ nào mình ít nhiều yêu thích cũng gây bàng hoàng. Có cảm giác như họ chết trẻ. Sáu mươi tuổi: trẻ. Bảy mươi tuổi: trẻ. Tám mươi tuổi, nếu còn viết: vẫn trẻ. Hễ còn cầm bút là còn gợi cảm giác trẻ. Văn chương, đặc biệt văn chương sáng tác, bao giờ cũng gợi ấn tượng trẻ trung và tươi mát. Với những người cầm bút có tài năng, dù họ đã ngưng sáng tác, ấn tượng trẻ trung và tươi mát ấy vẫn còn. Có lẽ nó được nuôi dưỡng từ và bởi tác phẩm của chính họ. Bởi vậy, dù Nguyễn Mộng Giác lâu nay không viết lách gì cả, tôi vẫn sống với tác phẩm của anh, vẫn nghĩ ngợi về những gì anh đã viết, vẫn có cả tưởng anh chưa hề già. Nhìn anh bước đi quặt quẹo trong nhà, vẫn tưởng anh chưa già. Nhìn hàm răng chiếc còn chiếc rụng của anh, vẫn tưởng anh chưa già. Cứ tưởng anh trẻ mãi như tác phẩm của anh. Nên khi nghe tin anh mất, vẫn lặng người. Và bàng hoàng.

Tôi đang ở trong nhà anh Trương Vũ ở Washington DC. Buổi tối, con cái anh tổ chức buổi văn nghệ bỏ túi trong nhà với Hoàng Ngọc-Tuấn. Tôi kiên nhẫn chờ buổi văn nghệ chấm dứt, lúc nửa khuya, mới báo tin Nguyễn Mộng Giác mất cho anh biết. Anh lặng người. Ngồi yên thật lâu. Vợ anh nhắc anh đi ngủ. Anh vẫn ngồi yên. Im lặng.

Chúng tôi mỗi người một ly rượu đỏ. Thỉnh thoảng nói chuyện này chuyện kia về Nguyễn Mộng Giác. Nhưng nhiều hơn, là im lặng.

Chỉ ngồi im lặng.

Đến lúc Trương Vũ mệt mỏi quá, chịu đựng không nổi nữa, đứng lên đi nằm, tôi vẫn ngồi yên.

Với ly rượu khác.

Màu rượu đỏ, dưới ánh đèn mờ, biến thành màu của bóng tối. Chỉ có chút ánh sáng loé lên từ phần trên của chiếc ly thuỷ tinh. Cái phần không có rượu. Phần trống. Phần của hư không.

Thật hiu hắt.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG