Đường dẫn truy cập

Nhật Bản gửi đặc sứ tới Bắc Triều Tiên


Ðặc sứ Nhật Bản Isao Iijima được chào đón bởi ông Kim Chol-ho, Phó giám đốc Phòng Quan hệ ngoại giao Châu Á của Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên tại Bình Nhưỡng, ngày 14/5/2013.
Ðặc sứ Nhật Bản Isao Iijima được chào đón bởi ông Kim Chol-ho, Phó giám đốc Phòng Quan hệ ngoại giao Châu Á của Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên tại Bình Nhưỡng, ngày 14/5/2013.
Thủ tướng Nhật Bản đã gửi một đặc sứ tới Bình Nhưỡng, lý do hiện chưa rõ, nhưng trong nhiều năm qua, Tokyo đã cố gắng tìm cách giải quyết trường hợp những người Nhật bị điệp viên Bắc Triều Tiên bắt cóc trong nhiều thập niên trước. Thông tín viên VOA Steve Herman tường trình từ Seoul.

Một phái đoàn Nhật Bản do một cố vấn của Thủ tướng Shinzo Abe dẫn đầu đã tới Bắc Triều Tiên hôm nay. Cố vấn Isao Iijima đã được Phó giám đốc cơ quan đặc trách các vấn đề châu Á của Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên, ông Kim Choi Ho, ra đón tại phi trường Bình Nhưỡng.

Cách đây một thập niên, ông Iijima là phụ tá cao cấp của Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ, ông Junichiro Koizumi, người đã hai lần mở hội đàm với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Il tại Bình Nhưỡng.

Trong nhiều tháng qua, các nhà ngoại giao đã nhiều lần qua lại giữa Washington, Bắc Kinh, Seoul và Tokyo để dự các cuộc thảo luận khẩn cấp về các vấn đề Bắc Triều Tiên.

Trả lời câu hỏi của đài VOA về việc đặc sứ Nhật Bản tới Bình Nhưỡng, ông Glynn Davies, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đặc trách các vấn đề Bắc Triều Tiên nói ông không hay biết gì về chuyến đi thăm này.

"Tôi chưa được nghe tin đó. Rõ ràng đó sẽ là điều mà tôi sẽ thảo luận với người Nhật khi có cơ hội nói chuyện với các đối tác của chúng tôi ở bên đó trong vài ngày sắp tới. "

Ông Davies còn được hỏi về những dấu hiệu cho thấy là Bắc Triều Tiên đã tháo gỡ các phi đạn tầm trung, khỏi tình trạng sẵn sàng được phóng.

"Đó lẽ tất nhiên là điều tốt khi Bắc Triều Tiên không phóng các phi đạn, nhưng tự nó, điều đó không đưa chúng ta tiến lên bao xa hướng tới mục tiêu mà tất cả chúng ta đều tìm kiếm, đó là đưa Bắc Triều Tiên trở lại con đường tiến tới phi hạt nhân hóa."

Trong những tháng gần đây, Bắc Triều Tiên đã xác định rõ rằng họ không có ý định từ bỏ việc phát triển vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo.

Miền Bắc còn tuyên bố hủy bỏ hiệp ước đình chiến năm 1953, là hiệp ước đã chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, và còn đe dọa sẽ tấn công Hoa Kỳ bằng vũ khí hạt nhân.

Các giới chức và giới phân tích ghi nhận rằng những lời lẽ hiếu chiến từ Bình Nhưỡng đã tạm thời ngưng lại.

Tuy nhiên, Tướng Han Min-koo, Cựu Chủ tịch Ủy Ban Tham mưu trưởng liên quân Nam Triều Tiên, nói rằng những hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên chắc chắn sẽ tiếp tục.

Phát biểu tại Asia Society Korea, vị Tướng lãnh bốn sao Nam Triều Tiên đã về hưu nói rằng trên tất cả, cần ghi nhớ rằng sức chịu đựng của Bắc Triều Tiên để chấp nhận hành động trả đũa rất cao, bởi vì miền Bắc không có ưu tiên nào cần được bảo vệ ngoại trừ sự sống còn của chế độ.

Tướng Han cho rằng Bình Nhưỡng không quan tâm cho lắm tới sự an ninh của các công dân của họ. Vì vậy, ông dự đoán miền Bắc sẽ hành động, dù là dưới hình thức "một cuộc tấn công toàn diện, một hành động khiêu khích không tốn kém, hoặc một hành động gây bất ổn trên bán đảo Triều Tiên."

Nếu sự thể đó xảy ra, tướng lãnh về hưu này tiên đoán, Nam Triều Tiên và lực lượng Hoa Kỳ sẽ tung ra một "phản ứng đúng lúc và quyết liệt."

Trong khi đó, Tổng thống Park Geun-hye đã chỉ thị cho Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên tìm cách đàm phán với Bình Nhưỡng để rút về các vật liệu và sản phẩm tại khu công nghiệp chung ở Kaesong.

Hoạt động tại khu công nghiệp này đã bị đình chỉ từ đầu tháng trước sau khi Bắc Triều Tiên rút ra tất cả 53.000 người lao động miền Bắc ra khỏi nơi này.

Những người này đã được mướn làm việc tại hơn 100 nhà máy do Nam Triều Tiên điều hành, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất hàng dệt may.

Nam Triều Tiên đã triệt thoái tất cả các nhà quản lý và nhân viên hỗ trợ làm việc tại khu công nghiệp này sau khi biết rõ rằng các công nhân sẽ không được trở lại nơi này trong nay mai.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG